Hà Tĩnh: Thiên Cầm rứt ruột nhớ thương

Thứ ba - 04/07/2017 04:24
(Hatinhnews) - Thiên Cầm nghĩa là “trời giam” hay “đàn trời” thì cũng luôn gợi đến cho ta cái cảm giác mang mang một nỗi buồn cố quốc thủa loạn li. Nhất là chiều chiều, khi hoàng hôn bắt đầu rụng xuống phía biển khơi, ngọn núi Cầm Sơn càng tựa hồ như một con chiến mã khổng lồ bị trúng thương rủ bờm nằm phủ phục bên mép sóng.

Có ai hay rằng, đã hơn 6 thế kỷ đi qua rồi mà con chiến mã ấy vẫn thủy chung nằm đó ngóng đợi chủ tướng của mình trở về để rồi hóa thân thành núi mồ côi.


Núi Cầm Sơn linh thiêng luôn hút hồn du khách thập phương chính là điểm nhấn của Khu du lịch nghĩ dưỡng Thiên Cầm. Trên đỉnh núi còn đó bao dấu tích của chùa chiền, đền, miếu cổ, hang, động cổ…Những dấu tích này đều liên quan đến một giai đoạn được coi là đen tối nhất của lịch sử dân tộc với hình ảnh Hồ Quý Ly thất trận bị bắt đi lưu đày sang phương Bắc đành ngậm ngùi số phận mà đoái trông sông, núi điêu tàn!

Chuyện kể rằng, sau khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly ra nhiều đạo luật hết sức hà khắc khiến cho bàn dân thiên hạ muôn nơi ta oán! Lợi dụng chổ đó, giặc Minh đem quân sang đánh chiếm nước ta. Thế giặc mạnh, trong lúc không thu phục được lòng dân nên cuối cùng cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương dẫn đám tàn binh chạy trốn vào miền trong hòng củng cố lực lượng lập căn cứ chống giặc lâu dài.

Tới cửa Kỳ La, tức vùng Cẩm Xuyên và Kỳ Anh ngày nay, quan, quân nhà Hồ gặp phải một ngọn núi nằm nhô ra biển ngang chắn lại. Trong lúc lúc vô vọng, bất ngờ có một tiếng nổ rung chuyển đất trời phát ra từ chính ngọn núi ấy. Giửa khói bụi mịt mùng, phát hiện thấy một vết nứt dưới chân núi vừa đủ người ngựa chui lọt Hồ Quý Ly lập tức vái vọng hồn thiêng sông núi, rồi dẫn đám tàn binh chạy vào lánh nạn. Lạ thay, khi tất cả quan quân nhà Hồ vừa chui qua thì cửa hang bổng khép lại.

Không băt sống được cha con họ Hồ, tướng giặc tức giận cho phóng hỏa đốt cháy cả ngọn núi hòng thiêu sống đám quan quân. Tuy vậy, lúc khói lửa đang cháy ngút trời thì bất ngờ trời nổi sấm sét đùng đùng, mưa bão ào ào ập đến, trong phút chốc núi lửa khổng lồ được dập tắt.

Khi trời quang, mây tạnh, Hồ Quý Ly bổng giật mình thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện về đứng trên một phiến đá màu ngọc bích, tay cầm một lọ nước Cam Lồ rưới lên chiếc vương miện trên đầu nhà vua và bảo rằng, đất nước đã mệt mỏi binh đao, dẫu anh hùng nhà ngươi cũng không giải thoát được nỗi đau chết chóc.

Như thấu được ý trời, Hồ Quý Ly ngửa mặt quay về tứ phương rồi than lên: Vận của nhà Hồ từ đây coi như đã kết thúc! Thật lạ kỳ, vừa than xong thì cửa hang bổng mở toang ra, một luồng gió lạnh buôt thịt da từ biển chợt ùa vào. Hồ Quý Ly bình thản bước ra khỏi cửa hang giơ tay cho giặc cùm lại, chịu thân lưu đày để chuốc họa chết chóc binh đao cho thần dân.

Để tưởng tưởng nhớ ơn đức của nhà vua, người dân địa phương đã cho xây đền thờ thờ Hồ Quý Ly, lập đàn tế lễ cầu quốc thái dân an và xây thêm ngôi chùa Cầm Sơn gần đó cho đời đời cầu siêu cho linh hồn của nhà vua cùng vong linh của các tướng sỹ nhà Hồ được siêu sinh về cõi Niết Bàn.

Ngày nay, đứng trên là ngọn Cầm Sơn phóng tầm mắt ra cửa biển Thiên Cầm, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hòn Én, hòn Bớc, hòn đảo Cá… như những hòn ngọc biếc lấp lánh giửa mênh mang biển, trời. Ngoài vẽ đẹp thiên tạo, quần đảo nhỏ này còn có tác dụng như những chiếc bình phong che chắn gió bão nên Thiên Cầm bao giờ cũng lặng sóng.

Với sóng nước Thiên Cầm

Bãi biển Thiên Cầm cong theo hình vòng cung như một người con gái thắt đáy lưng ong đang bước vào tuổi dậy thì, bãi cát sạch và thoải dần tới hàng trăm mét, nước biển mặn và trong đến nỗi có thể dễ dàng nhìn thấy từng hạt cát mịn li ti dưới đáy nước. Từ bãi tắm, du khách có thể lên thuyền rồng tham quan hết đảo này sang đảo khác và được nếm đủ các món đặc sản ở đó như sò đá, ốc mỡ, ghẹ vàng, mực ống mà chính tự tay du khách có thể câu, bắt và chế biến tại chỗ.

Một du khách đến từ thủ đô Viêng Chăn (Lào) nói với chúng tôi rằng: Khu Du lịch nghĩ dưỡng Thiên Cầm không những có điều kiện tự nhiên hết sức lý tưởng mà con người ở đây cũng luôn tỏ ra hết sức thân thiện, tinh thần phục vụ tốt, giá cả cũng rất hợp lý, nhưng để thuê được một phòng nghỉ vào dịp những ngày lễ quả là khó nếu như khồng đặt trước từ một đến hai tháng.

Thiên Cầm từng được người Pháp khám phá và khai thác từ những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trải qua hai bao đổi thay lịch sử tưởng chừng như bỏ quên. Mãi đến thời kỳ tái lập tỉnh, Thiên Cầm mới bắt đầu được chú ý tới nhiều hơn mặc dầu hầu hết các hoạt động du lịch ở đây còn mang tinh tự phát. Năm 2009 UBND tỉnh Hà Tĩnh mới bắt đầu phê duyệt Quy hoạch Khu Du lịch nghỉ dưỡng Thiên Cầm với tổng diện tích: 1.557ha, dự kiến sẽ xây dựng nơi đây trở thành thị xã du lịch trong tương lai.

Hiện nay Khu Du lịch nghĩ dưỡng Thiên Cầm đã được đầu tư với số vốn gần 300 tỷ đồng và đang tích cực giải phóng mặt bằng bàn giao 266ha cho nhà đầu tư Việt Kiều từ Ca Na Đa triển khai xây dựng quần thể khách sạn, nhà hàng, nhà hội nghị, khu thể thao, khu vui chơi giải trí đảm bảo đủ các điều kiện phục vụ khách trong nước và quốc tế, vốn đầu tư lên tới trên 300 triệu USD, dự kiến đến trước năm 2018 các công trình sẽ đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và nâng cao thu nhập cho địa phương.

Rõ ràng Thiên Cầm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển trở thành một trung tâm du lịch nghĩ dưỡng tầm cở Quốc gia và khu vực. Tuy vậy, trong quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt trong đó có khách sạn Sông La, một khách sạn được coi là hiện đại nhất ở Thiên Cầm lại chiễm chệ ngay đoạn eo thắt bên mép biển làm che khuất tầm nhìn của cả Khu du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều du khách còn cho rằng, khách sạn Sông La chẳng khác nào một khối u nhọt khổng lồ trên cơ thể người con gái xinh đẹp. Nếu không cắt bỏ khối u nhọt đó thì Thiên Cầm sẽ đánh mất tất cả những lợi thế của thiên nhiên ban tặng và mọi giá trị đầu tư vào đây đều trở nên vô nghĩa.

Tôi còn nhớ như in về trại viết văn năm 1996 được tổ chức ở Thiên Cầm. Thời đó ở đây chỉ lác đác chỉ có một vài nhà nghỉ, chúng tôi gần 20 hội viên được tập trung tại nhà nghỉ Công Đoàn ngày ngày ra biển dạo quanh trông gặp được vài khách du lịch để mời nghe thơ nhưng rất hiếm. Cũng có thể thời điểm chúng tôi tham gia trại viết, Thiên Cầm bắt đầu chuyển sang mùa thu, lượng khách không còn đến nhiều như những ngày nắng nóng, nhưng phải thừa nhận Thiên Cầm thời đó đẹp và lãng mạn vô cùng.

Nhắc đến Thiên Cầm, tôi càng không thể giấu được nỗi sự xúc động thương nhớ nhà thơ Hải Hà và nhà thơ Trọng Bính mới ngày nào đó thi nhau uống rượu, đọc thơ bên cánh võng Thiên Cầm dưới những gốc phi lao đầm đìa sương muối nay đã trở thành người thiên cổ. Nếu anh Hải Hà, anh Trọng Bính còn sống tận mắt nhìn thấy sự phát triển của Thiên Cầm ngày nay có lẽ họ rất vui, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng tiếc cho hình hài một Thiên Cầm hôm nay.

Từ trại viết Thiên Cầm ngày đó nhiều anh em chúng tôi đã quy hoạch ra một viễn cảnh: Từ Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiên Cầm du khách sẽ được theo tuar tham quam quần thể Khu du lịch sinh thái Bộc Nguyên - Kẽ Gỗ cách đó chừng chưa đầy 30km về hướng Tây, tham quan Khu Du lịch tâm linh đền Chiêu Trưng Đại Vương cách chưa đầy 25 km dọc theo bãi biển phía Bắc và quần thể đền thờ Bà Hải, lũy thành Đèo Ngang, Cổng Trời cách đó chừng 40-50 về phía Nam…

Nói như một khách du lịch đến từ Ca Na Đa thì muốn phát huy được tiềm năng sẵn có đối với ngành du lịch và thu hút đầu tư chung trước hết cần phải quan tâm đến vấn đề môi trường và xây dựng được hệ thống ga tàu hỏa, sân bay thì mới đáp ứng được những tiêu chí cơ bản ban đầu. Có lẽ câu nói của vị khách là quá thực tế, bởi trong những năm gần đây mặc dù được đầu tư mạnh, mỗi năm, trung bình Thiên Cầm cũng chỉ đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế là rất ít.

Nếu nhìn xa trông rộng hơn một chút thì không những Thiên Cầm mà với chiều dài bờ biển hơn 137 km Hà Tĩnh có vô số những bãi tắm đẹp có thể đồng loạt đi vào khai thác một cách hiệu quả góp phần xây dựng quê hương, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. . Đó cũng là mong muốn chung và là ước nguyện của cuối cùng của thi sĩ Hải Hà và Nguyễn Trọng Bính những người từng trăn trở với nơi này và trước khi về với cõi hư không vẫn kịp để lại cho Thiên cầm những áng thơ rứt ruột nhớ thương đầy nỗi buồn da diết luôn ám ảnh cuộc đời tôi nhất là mỗi khi tôi có dịp trở lại nơi này.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây