Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 20 tuổi Phan Thoan thi đỗ Prime. Năm 1946, ông làm công nhân xưởng cơ khí thuộc Liên khu 4, rồi theo tiếng gọi của Bác Hồ ông đi bộ đội. Năm 1951 về làm cán bộ tuyên huấn huyện Đức Thọ, rồi cán bộ Sở VH-TT tin Hà Tĩnh (1956 - 1979). Ông được giao quản lý và sử dụng chiếc máy ảnh Rolexflex để ghi lại những khoảnh khắc về xây dựng và chiến đấu điển hình trong tỉnh. Từ đây ông bắt đầu tìm tòi và làm quen với nghề nhiếp ảnh, để rồi nghiệp nhiếp ảnh gắn bó với ông.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan (bên phải) xem lại tác phẩm của mình. |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với chiếc máy ảnh, ông luôn có mặt ở các trận địa pháo phòng không, những con đường huyết mạch, những mục tiêu trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ như phà Bến Thủy, ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao... Trong vô vàn cuộc hành trình đó, ông đã để lại một tác phẩm ảnh bất hủ “O du kích nhỏ” được chụp vào ngày 20/9/1965. Khi nghe tin tên giặc lái Mỹ vừa nhảy dù xuống đã bị quân và dân huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bắt sống, dù cách xa hơn 10km nhưng trên chiếc xe đạp cũ, ông cũng hì hục đi đến nơi để kịp cho ra một tác phẩm để đời. Bức ảnh đã được cố nhà thơ Tố Hữu “vịnh ảnh” thành thơ:
“O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế, to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.
Bức ảnh đã nhanh chóng truyền đi khắp thế giới, nhân dân Cuba anh em đã trang trọng phóng to bức ảnh 5m x 8m treo tại Thủ đô Lahabana. Hơn nữa, chính nhờ bức ảnh này mà sau khi hòa bình lập lại đã tạo nên một cuộc hội ngộ lý thú giữa ông Robinson - phi công lái máy bay Mỹ và O du kích nhỏ - chị Nguyễn Thị Kim Lai ngày ấy. Ông trở thành nhân vật của câu chuyện ly kỳ giữa hai thái cực, kẻ thù và người bạn, một hành xử nhân đạo của truyền thống Việt Nam.
Những bức ảnh mãi cho đến bây giờ vẫn còn giá trị nghệ thuật như: O du kích nhỏ (HCV cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Bungari (1968), Máy bay Mỹ trên bầu trời Xứ Nghệ (1972), Linh Cảm - Bến Tam Soa... đều đạt giải cao trong các lần triển lãm ảnh nghệ thuật.
Ông có 6 người con trai thì có 4 tiến sĩ, 2 người là Phó giáo sư - tiến sĩ. Cháu nội ông là Phan Linh vừa đoạt giải thi Toán châu Á - Thái Bình Dương.
Đã cập kề chín mươi mùa xuân, ông vẫn muốn được trở lại thành phố mang tên Bác. Cái duyên kỳ ngộ ấy đã đưa chúng tôi đến gặp ông vào một chiều cuối năm. Ông nói, hạnh phúc nhất của tôi bây giờ là được sum vầy bên con cháu. “Thế giờ bác có còn chụp ảnh nữa không?”, tôi hỏi. “Có chứ, không đi ra được bên ngoài nhưng thỉnh thoảng cũng lấy máy ra chụp ảnh trong gia đình”, ông cười lớn. Ánh mắt ông sáng ngời lên như thời trai trẻ. Cầm trên tay “đứa con” tuyệt phẩm của mình, ông lại hồi tưởng quá khứ.
Theo giaothongvantai.com.vnNguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn