Hiếm có tỉnh nào mà suốt chiều dài bờ biển từ đầu đến cuối tỉnh, huyện nào cũng có những bãi biển đẹp như ở Hà Tĩnh. Nghi Xuân có Xuân Thành, Lộc Hà có Thịnh Lộc, Xuân Hải; Thạch Hà có Thạch Hải, Cẩm Xuyên có Thiên Cầm, Kỳ Anh có Đèo Con, Kỳ Ninh… Những bãi tắm này, nhìn chung còn hoang sơ và đều có bãi thoải, nước trong, cát mịn, có điều kiện thuận lợi để biến thành những bãi tắm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, đa số trong số này đều được khai thác tự phát, hoặc được khai thác nhưng với tư duy cò con nên chưa thu hút được du khách. Bãi tắm Thịnh Lộc đẹp, hoang sơ với bờ dài phi lao vi vu gió hát nhưng cũng chỉ phục vụ cho nhân dân bản địa. Bãi Xuân Hải (Thạch Bằng) cũng chỉ mới khai thác ở mức tự phát với dăm ba quán lá lèo tèo. Tiếp đến, bãi tắm Thạch Hải, một bãi biển khai thác du lịch từ rất sớm, và nhờ lợi thế khá gần thành phố nên du khách rất đông, nhưng vài năm nay đành gác lại cho đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Rồi đến bãi biển Kỳ Ninh, Đèo Con ở Kỳ Anh cũng chỉ dừng lại ở mức đầu tư quy mô cấp… xã. Nhìn chung, một tiềm năng lớn các biển này đang bị bỏ ngỏ, trong khi nhu cầu tắm biển và ẩm thực đặc sản biển của người dân đang ngày càng tăng.
Cảnh nhếch nhác ở Thiên Cầm |
Nổi lên trong các bãi biển toàn tỉnh là biển Thiên Cầm và Xuân Thành. Được mệnh danh là bãi biển đẹp với bờ thoai thoải, cát mịn màng, sóng vừa phải, nước trong xanh, lại nằm gần núi Thiên Cầm, nơi có hang Hồ Quý Ly huyền thoại, gần cảng cá Cửa Nhượng với mực nhảy cá tươi, gần chùa Thiên Cầm u tịch… khu du lịch biển Thiên Cầm hội đủ các yếu tố để có thể trở thành một bãi biển nghỉ dưỡng nổi tiếng, nếu được quy hoạch và đầu tư bài bản.
Cùng với Thiên Cầm, biển Xuân Thành cũng là một bãi biển đẹp và được khai thác từ gần vài chục năm nay. Với diện tích khoảng 10km2, chiều dài bãi biển 3 km, Xuân Thành có lạch nước ngọt rộng lớn chảy qua, tạo cho khu du lịch có bãi trong bãi ngoài rất hấp dẫn. Đặc biệt, với khu vực bãi ngoài gần như được phủ kín bằng rừng phi lao hàng chục năm tuổi, khiến ta có cảm giác như rừng nằm ngay ven biển. Thế nhưng…
Cách làm “chụp giật”
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng Thiên Cẩm tồn tại quá nhiều bất cập! Bất cập đầu tiên mà chỉ những nhà làm du lịch tầm cỡ mới thấy được, đó là quy hoạch xây dựng. Trong khi, lẽ ra phía trước các khách sạn, chỉ là khuôn viên, cây cảnh với không gian mềm, hoang sơ từ khách sạn xuống bãi biển thì Thiên Cầm lại được bố trí một đường giao thông chính chạy sát ngay bờ biển. Điều này không những hạn chế hết không gian bờ bãi biển mà còn bất cập khi du khách mặc đồ tắm, từ khách sạn ra biển hoặc từ biển về lại khạch sạn, phải nhanh chân, nhanh mắt để bước qua con đường giao thông chính với xe cộ chạy ào ào, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đã thế, trong khi các nhà hàng, khách sạn khác nép mình khá xa bờ biển thì một khách sạn Sông La cao đến 5-6 tầng nằm chình ình án ngữ ngay bên mép biển. Quy hoạch lộn xộn này khiến tổng thể bị phá vỡ, rất khó chịu.
Cảnh nhếch nhác ở Xuân Thành |
Mặt khác, mặc dù đã đưa vào khai thác trên chục năm trời nhưng hệ thống cây xanh ở bãi biển này rất thưa thớt. Hệ thống nhà hàng, khách sạn chỉ được 14 nhà đầu tư bài bản, còn lại, 65 hộ kinh doanh cá thể đa số là nhà lá tạm bợ, bán buôn theo mùa vụ, trông rất nhếch nhác. Nhiều đơn vị thuê đất xong rồi vứt đấy, hoặc đầu tư theo kiểu bỏ bê, nên buộc UBND tỉnh phải thu hồi giấy phép. Thậm chí, có cơ sở của Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, mặc dù không bỏ bê nhưng xây dựng đến bốn năm trời mà vẫn chưa hoàn thiện! Dọc tuyến đường trục chính, nhà hàng tạm bợ với tranh tre nhếch nhác phơi đầy ven đường, trông thật mất mỹ quan. Đó là chưa nói đến, sát ngay một số nhà nghỉ này là các nghĩa trang của nhân dân, hiện chưa có giải pháp nào được áp dụng nên vẫn để nguyên sơ như vốn có. Nhiều du khác đêm đêm đi dạo chơi, hoặc ló đaùa ra cửa sổ khách sạn nhìn xuống, thấy nghĩa trang trắng toát sát ngay cạnh nhà mà nổi hết cả gai ốc!
Nghĩa trang sát ngay các khách sạn ở Thiên Cầm |
Biển Thiên Cầm còn đực biết đến là một “máy chém’- tính đặc trưng của kiểu làm ăn “chụp giật”. Tôm, cá, mực, ghẹ ở Thiên Cầm đều đắt hơn vài ba chục % so với nơi khác. Thắc mắc thì được giải thích là, do khách đông quá, hải sản Thiên Cầm- Cửa Nhượng không đủ nên phải lấy hàng từ xa về. Vì thế nên buộc phải bán với giá cao hơn. Còn phòng nghỉ cũng “chặt chém” không kém. Vào thời điểm đông khách, đặc biệt là các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, một số nhà nghỉ, khách sạn ở đây tăng giá lên đến 50-70% so với ngày thường. Một phòng ngủ VIP ở một khác sạn lớn nơi đây, có giá 1,2 triệu đồng/ngày/đêm, nhưng lúc quá đông khách, họ đã thẳng tay lấy đến trên 2 triệu đồng. Còn phòng thường thường khác cũng ở mức 1,5-1,8 triệu. Những nhà nghỉ, khách sạn thường thường bậc trung ở Thiên Cầm cũng sẵn sàng tăng giá từ 4-5 trăm ngàn lên 7-8 trăm ngàn trong những dịp khách đông.
Hè vừa rồi, vào dịp cuối tuần, ông bạn tôi từ Hà Nam vào, đi một vòng, thấy khách sạn nào cũng tăng giá quá đắt nhưng ông cũng đành bấm bụng thuê phòng. Có điều, ông bảo rằng, lần sau, nếu lỡ phải đi Thiên Cầm, sẽ thuê phòng trên thành phố Hà Tĩnh chứ không thèm thuê ở đây nữa. Không chỉ là nhà hàng, khách sạn tăng giá theo kiểu “chặt chém” mà thậm chí, ngay cả một số hàng nước cũng sẵn sàng “chém”. Chính tôi đã từng bị một cô bán nước tại một quán cóc gần khách sạn Công Đoàn “chém” đến 4 ngàn đồng 1 ly nước nhân trần, trong khi ly nước này chỉ bán giá thông thường 2.000 đồng. Nhiều du khách đến Thiên Cầm thừa nhận rằng, Thiên Cầm có biển đẹp, nước trong, phong cảnh hữu tình nhưng kiểu “chặt chém” cũng “rất đẹp”, nên khiến họ một đi không trở lại.
Chẳng kém cạnh Thiên Cầm, ở Xuân Thành cũng quá nhiều tồn tại, nhếch nhác với cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém. Toàn bộ khu du lịch chỉ có 4 khách sạn 1 sao, 15 nhà nghỉ, còn lại 93 hộ kinh doanh chủ yếu là nhà nghỉ tạm bợ. Cả khu du lịch có gần 30 tổ chức, cá nhân thuê đất xong rồi vứt đấy, hặc chỉ đầu tư lèo tèo để giữ đất.
Cầu bắc qua lạch ở Xuân Thành bị hỏng, không được thay thế, sửa chữa |
Tại khu vực bãi ngoài, với bãi cát thoai thoải kéo dài và rừng phi lao xanh tốt ru mình bên sóng biển, lẽ ra phải được quy hoạch hợp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản để trở thành nơi thư giản của du khách, nhưng đằng này lại toàn xây nhà nghỉ hết sức tạm bợ theo kiểu nhà trọ bình dân. Hầu hết các nhà nghỉ ở đây đều lôi thôi lếch thếch; nhiều chỗ thậm chí cỏ dại, ghét rác um tùm. Trên lạch nước chạy dọc theo khu du lịch được gọi với cái tên đầy thơ mộng là Lạch Đào, thì thực tế chẳng có chút thơ mộng nào. Trước đây có đến 13 chiếc cầu xinh xắn kiểu “cầu kiều” bắc qua lạch, nối bãi ngoài với bãi trong, nhưng nay do lâu ngày cầu bị hỏng, không được đầu tư nên chỉ còn lại 6 chiếc; trong đó có 2 cầu cũng đã hết cỡ của sự xuống cấp. Lạch nước trong xanh ngày nào, bây giờ cũng chỉ toàn rêu, rác, rất bẩn thỉu nên không thể níu giữ được du khách.
Kỳ vọng xa xôi!
Niềm kỳ vọng lớn nhất cho khu du lịch Thiên Cầm là dự án của Công ty CP Đầu tư-Phát triển Thiên Cầm với số vốn đăng ký “khủng’ đến 10.289 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2010-2013 là 289 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Dung- Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm, thì đến nay đã gần hết năm 2012 rồi nhưng Dự án vẫn đang nằm ở giai đoạn đầu của GPMB với số tiền giải ngân GPMB mới được khoảng 10%!. Không biết rồi đến bao giờ Thiên Cầm mới có được sự đổi thay ngang tầm?!
Một nhà nghỉ ở Thiên Cầm xây dở dang từ 4 năm nay |
Cũng như Thiên Cầm, Xuân Thành đang kỳ vọng vào dự án Khu du lịch biển và sân golf Xuân Thành với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng Vinh-Trưởng BQL Khu du lịch Xuân Thành cho biết, sau nhiều tháng khởi công, dự án vẫn đang nằm ở mức giải phóng mặt bằng. Nhưng, điều đáng buồn là, đến nay, nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù!.
Biển Hà Tĩnh nổi tiếng nhiều bãi đẹp, nhưng với cách đầu tư và làm ăn như hiện tại, quả giống như nàng công chúa ngủ say, vừa bị đánh thức dậy nên còn đang lơ mơ ngái ngủ! Không biết, liệu rồi nàng có trở nên tươi tỉnh, lộng lẫy để hớp hồn hoàng tử hay không, hay chỉ tỉnh dậy rồi lại lăn đùng ra… ngủ tiếp?!
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn