Đêm Liên hoan dân ca Ví Giặm thành công xứ Hà

Thứ tư - 05/07/2017 12:12
Năm 2013, Lễ đón Bằng công nhận dân ca Ví Giặm là di sản văn hoá quốc gia và Liên hoan Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Tĩnh. Hà Tĩnh đã sẵn sàng cho hai sự kiện lớn này sẽ diễn ra vào đêm nay 17/8.

Liên hoan CLB Dân ca Ví Giặm TX Hồng Lĩnh tháng 7/2013.

Để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ lần II, thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức Liên hoan CLB Dân ca Ví, Giặm vào ngày 11/7. Kế hoạch Liên hoan được phổ biến đến cơ sở vào giữa tháng 4. Mỗi đơn vị tham gia phải có 15 diễn viên, chương trình có ít nhất ½ thời lượng là các tiết mục dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh lời cổ hoặc phục cổ, thời gian biểu diễn trong 25 - 30 phút.

Người dân đến xem, cổ vũ rất đông, xuất hiện nhiều nhân tố mới, có triển vọng; có 21 tiết mục dàn dựng khá công phu và 100 thành viên CLB tham dự liên hoan, nhiều thành viên còn rất trẻ, nhưng đã nắm vững, thành thục nhiều làn điệu dân ca. Trong đó nổi lên một số gương mặt triển vọng, vừa rất đam mê, nhiệt tình với Ví Giặm như anh Văn Sang (Bắc Hồng), chị Lộc (Nam Hồng), chị Thuỳ (Trung Lương)…  

Chị Nguyễn Thị Xoan, Giám đốc Trung tâm VHTTDL thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Liên hoan là bước chuẩn bị để chúng tôi tham gia Liên hoan Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ lần II. Năm ngoái đoàn Hồng Lĩnh đạt giải Ba, năm nay chúng tôi sẽ cố gắng đạt giải cao hơn”.

Sau khi có kế hoạch chuẩn bị Liên hoan Dân ca Ví Giặm lần II của tỉnh, Trung tâm Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn hướng dẫn các huyện thị về nội dung chuẩn bị. Theo đó, mỗi địa phương tổ chức Liên hoan cấp huyện, chuẩn bị nội dung tiết mục, kịch bản cho Liên hoan cấp tỉnh. Ý tưởng, tiết mục được gửi trước cho TTVH tỉnh để duyệt, góp ý nhằm tránh trùng lặp. Những tiết mục đã tham gia Liên hoan lần thứ nhất tại Nghệ An không được sử dụng lại.

Các địa phương khôi phục không gian diễn xướng theo đặc trưng, bản sắc vùng miền, các ngành nghề truyền thống. Cụ thể: TP Hà Tĩnh khôi phục phường dệt Thạch Đồng; Nghi Xuân gắn với phường nón, trò Kiều; Kỳ Anh khôi phục đối đáp o Nhẫn, Giặm xay lúa, Vũ Quang thì tìm về với ví trèo non…Các địa phương tích cực sưu tầm các làn điệu gốc để tham gia Liên hoan.

Cùng với Hồng Lĩnh, các địa phương khác như Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Đức Thọ…đều đã bắt tay vào cuộc và tích cực chuẩn bị.

Bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh thông tin:

“Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Chúng tôi đã làm việc với nhạc sĩ An Thuyên, Tổng đạo diễn chương trình Lễ khai mạc và đón bằng công nhận di sản quốc gia. Kịch bản tổng thể đã chuẩn bị xong, kịch bản phân cảnh cơ bản đã thống nhất. Các thành viên Ban giám khảo cũng đã thống nhất danh sách, kế hoạch làm việc. Việc bố trí sân khấu, đón tiếp các đại biểu, bố trí các địa điểm giao lưu, công tác hậu cần…đều đã có sự phân công cụ thể.

Theo kế hoạch, sẽ tổ chức đêm giao lưu tại Cẩm Xuyên, Can Lộc và TX Hồng Lĩnh (ở Nghệ An giao lưu tại Diễn Châu và TP Vinh). Các địa phương có trách nhiệm chuẩn bị sân khấu, hậu cần và tuyên truyền cho buổi giao lưu”.

Công tác tuyên truyền cho Liên hoan được tiến hành từ năm 2012 đến nay bằng nhiều hình thức. Thông qua các phương tiện thông tin địa chúng, nhất là đài truyền hình và báo Hà Tĩnh, cùng với các hình thức khác như trên loa truyền thanh, băng rôn khẩu hiệu, các cụm cổ động, các chương trình ngoại khoá trong các trường học…, những nội dung về dân ca Ví Giặm và liên hoan được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Công tác kêu gọi tài trợ cũng đã có kết quả  bước đầu, dự kiến huy động được khoảng 40% kinh phí tổ chức Liên hoan (1,7 tỷ/4,2 tỷ đồng) từ nguồn xã hội hoá.   

Trong đợt kiểm kê di sản lập hồ sơ trình UNESCO, Hà Tĩnh hiện có 12 CLB dân ca Ví Giặm với hơn 500 thành viên, 25 thành viên được Hội VNGD Việt Nam phong tặng nghệ nhân dân gian, hàng trăm thôn, làng xã có sinh hoạt dân ca Ví Giặm (hiện hai tỉnh có 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư có dân ca Ví Giặm được lưu truyền). Đây là cơ sở, tiềm năng để tổ chức Liên hoan dân ca Ví Giặm xứ Nghệ lần thứ II.

“Hoạt động này nhằm hướng tới sự kiện UNESCO công nhận Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hai tỉnh, đặc biệt là Hà Tĩnh đang có sự chuẩn bị tích cực, chu đáo để bảo đảm sự kiện diễn thành công, có sức hấp dẫn, lan toả. Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chính, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đang tích cực phối hợp với Nghệ An, với các địa phương trong tỉnh, đôn đốc các cơ quan chuyên môn để hoàn thành kế hoạch, bảo đảm không có sai sót. Quan trọng hơn, là sau khi được quốc gia và quốc tế công nhận, hai tỉnh có chương trình hành động để bảo tồn và phát huy vốn di sản quí giá của cha ông.

Thực hiện mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả cộng đồng”, bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chia sẻ.     

Theo Trần Quang Đại (Tầm nhìn)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây