- Em báo cáo bác các mộc bản được thế giới công nhận là hay, nhưng “dân đen” như em có lẽ 70% cả nước không biết nó hay ở chỗ nào.
- Chú cứ cộng cả tớ vào là thêm 29% dân nữa không biết. Còn 1% là các nhà nghiên cứu văn tự cũ, nhưng cũng chưa thấy công bố một nội dung cụ thể nào của các mộc bản. Nhưng thôi, việc khó, quá khứ trả về cho quá khứ.
- Ca sĩ hải ngoại Chế Linh lại sắp làm Bolero ở Hà Nội. Gần đây Bolero trỗi dậy và hái ra tiền. Tâm lý khán giả đã dịu xuống như đang Rock xuống Valse, nhưng âm nhạc nước ta cần có sự cân bằng. Tchaikovsky có tuyệt phẩm “giao hưởng 4 mùa”, không có nghĩa là mỗi mùa nghe một loại nhạc, kiểu mùa đông uống cà phê nóng và ăn ngô nướng, mùa hè cà phê sữa đá.
- Chú nói thế, dân ta coi bia là đồ uống bốn mùa đấy! Hôm rồi tớ đi di sản thế giới Tràng An, thấy chỗ nào cũng có ban nhạc sống kiểu Chầu văn. Hát văn bây giờ lên ngôi ở miền Bắc như Bolero chăng?
- Văn hóa năm nay căng quá. Giải thưởng Mỹ thuật 2016 không có giải nhất, chỉ có 1 giải nhì, 3 giải ba và 2 giải loại B cho lý luận phê bình. Lý luận loại B thì sáng tác thế cũng là oách hơn.
- Đến Triển lãm 30 năm Mỹ thuật Việt Nam năm nay cũng chỉ có 50 tác phẩm của thời kỳ bùng nổ nhiều loại hình thì cũng là hẻo lắm.
- Em phục nhất là cô họa sĩ Nguyễn Thu Thủy của Hà Nội đã mang con đường gốm sứ đê sông Hồng, lá cờ gốm to nhất ở Trường Sa và trang trí gốm Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp (băng đĩa) sang Đức. Nghệ thuật công cộng của ta tại Tuần nghệ thuật Berlin (Berlin Art Week) đã khiến “cả thế giới” thán phục. Nhiều họa sĩ sẵn sàng sang Hà Nội kéo dài Con đường gốm sứ tới tận chân cầu Nhật Tân. Đã lớn nhất, dài nhất hành tinh rồi, chắc sắp tới sẽ là kỷ lục hoàn vũ!
- Chuyện đó đâu có khó. Cái khó là người mở đầu.
- Thêm một cái khó nữa là bảo quản và… giữ vệ sinh cho con đường gốm sứ. Đường bờ sông bao giờ cũng lộn xộn lắm, thiếu cả cái WC.