Cười bể bụng với Tây Du Ký 1986

Thứ tư - 05/07/2017 11:52
Trong số những tập phim của "Tây Du Ký", tập 5- Đấu phép hạ tam quái được coi là hài hước và dí dỏm nhất. Tiết lộ hậu trường của phim sẽ cho khán giả thấy ngay điều này.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này.

Tập phim Đấu phép hạ tam quái được đoàn Tây Du Ký thực hiện vào tháng 8, tháng 9 năm 1985, bối cảnh quay được chọn là chùa Giới Đài, mộ Thất Vương và một vài địa điểm khác ở Bắc Kinh.

Đây được coi là một trong những tập phim đặc biệt nhất của Tây Du Ký, đó là không hề có cảnh giao đấu, đấm đá nào. Từ khi khởi quay cho đến khi kết thúc, về cơ bản đều tập trung vào việc đấu trí, sự khôn khéo  giữa thầy trò Đường Tăng và bai yêu đạo là Hổ lực, Dương lực và Lộc lực. Phần này đã thể hiện hàng loạt những cảnh phim hài hước, vui nhộn, mang lại cảm giác hưng phấn và tươi vui.

Một cảnh quay trong tập 15 được thực hiện ở mộ Thất Vương, Bắc Kinh. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Tập 15 là tập duy nhất không có cảnh giao chiến mà là đấu trí và sự khôi hài.

Nữ hoàng tiểu phẩm vào vai vương hậu

Trong tập này, nhân vật vương hậu nước Xa Trì được giao cho nữ diễn viên nổi tiếng của loại hình nghệ thuật Bình kịch (thể loại tuồng ở vùng Hoa Bắc và Đông Bắc của Trung Quốc – pv), nghệ sĩ biểu diễn các tiểu phẩm hài và là vua các tiểu phẩm truyền hình gia đình nổi tiếng, ngôi sao tiểu phẩm hài Triệu Lệ Dung. Sự góp mặt của bà được coi là một điểm sáng của tập 15 - Đấu phép hạ tam quái lần này.

Triệu Lệ Dung và đạo diễn Dương Khiết vốn là bạn bè thân hữu, quen biết lâu năm. Hai người quen nhau từ hồi Dương Khiết thường ghi hình các tiết mục văn nghệ ở đoàn kịch Bình của Triệu Lệ Dung, từ đó cả hai trở nên thân thiết như những người bạn thân. Khi khởi quay tập phim Đấu phép hạ tam quái, Dương Khiết đã cho mời Triệu Lệ Dung thể hiện vai vương hậu nước Xa Trì.

Nghệ sĩ Triệu Lệ Dung (phải) và đạo diễn Dương Khiết (trái) vốn là bạn bè thân thiết lâu năm. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Mặc dù vai diễn của bà không phải quan trọng nhất trong tập phim, chỉ là một vai diễn phụ nhưng Triệu Lệ Dung vẫn cảm thấy rất vui mừng. Bà đã thể hiện thực sự tròn vai, để lại dấu ấn sâu sắc cho khán giả.

Điều đáng nói, đây là lần đầu Triệu Lệ Dung được mời đóng phim. Từ trước đến nay bà chỉ đóng kịch trên sân khấu và đóng những tiểu phẩm như tiểu phẩm hài trên truyền hình.

Bản thân Triệu Lệ Dung là một nghệ sĩ vô cùng giản dị, thật thà, hòa đồng và dễ gần, vì vậy trong đoàn ai nấy đều kính trọng. Có lần, sau khi Triệu Lệ Dung hóa trang và tiến hành quay xong cảnh đầu tiên, đạo diễn Dương Khiết liền vẫy vẫy bà lại để xem những thước phim vừa mới quay xong: “Hoàng hậu này, đến mà xem chị có đẹp không này?”. Triệu Lệ Dung vội chạy đến phía trước máy quay để xem lại những cảnh vừa quay, bà vui sướng cười ha hả vui sướng nói: “Mọi người làm tôi trẻ quá đi mất!”.

Vương hậu và quốc vương nước Xa Trì của Triệu Lệ Dung và Triệu Ngọc Tú. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Dù giờ đây nghệ sĩ Triệu Lệ Dung đã rời xa trần thế (bà qua đời năm 2000), mỗi khi nhớ lại gương mặt vui tươi và hài hước, dí dỏm của bà cũng như những vai diễn, cảnh quay đầy màu sắc, người hâm mộ và những người bạn từng gắn bó với bà thêm nhớ da diết.

Quốc vương không phải nghệ sĩ tướng thanh

Vai diễn quốc vương nước Xa Trì được giao cho nghệ sĩ Triệu Ngọc Tú đến từ Đoàn văn công Chiến hữu của quân khu Bắc Kinh đảm nhiệm. Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông cũng như người hâm mộ vẫn nhầm vai diễn quốc vương nước Xa Trì do nghệ sĩ  tướng thanh/tấu hài (một loại khúc nghệ của Trung Quốc dùng những câu nói vui, hỏi đáp hài hước để gây cười, phần nhiều dùng để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt)  Lý Văn Hoa đảm nhiệm.

Triệu Ngọc Tú (ngoài cùng bên phải) trong vai quốc vương nước Xa Trì. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Trên thực tế, vai diễn này do nghệ sĩ Triệu Ngọc Tú thể hiện. Trong tập phim này, ngoài vai quốc vương nước Xa Trì, ông còn thể hiện vài lão hòa thượng. Vì vai diễn này không hóa trang với râu tóc cầu kỳ nên hiếm người nhận ra đó lại chính là Triệu Ngọc Tú.

Đạo sĩ trọc đầu hóa thành hòa thượng

Trong tập Đấu phép hạ tam quái, nhân vật Dương lực đại tiên do nghệ sĩ Thái Du Ca, diễn viên hạng A của Trung tâm phim truyền hình Trung Quốc thể hiện. Ông với đạo diễn Dương Khiết vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè..

Thái Du Ca được Dương Khiết giao cho vai diễn Dương lực đại tiên và vai Ngộ Không hóa thân Dương lực đại tiên. Với vai diễn Ngộ Không hóa thân Dương lực yêu đạo, Thái Du Ca đã thể hiện được thần thái của một con khỉ hết sức hài hước khiến khán giả khi xem ai cũng phải bật cười.

Nghệ sĩ, đạo diễn Thái Du Ca trong tạo hình nhân vật Dương lực đại tiên. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Nghệ sĩ Thái Du Ca hiện tại

Trong cảnh quay tiểu đạo sĩ bị biến thành hòa thượng được thực hiện quay trong một “chiếc tủ” mở toang cửa. Cảnh này yêu cầu có một màn cạo đầu ngay trước ống kính máy quay. Diễn viên vào vai nhân vật đạo sĩ bị biến thành hòa thượng do diễn viên phụ của đoàn, nam diễn viên Từ Lôi, từng là diễn viên của Đoàn Kinh kịch Vân Nam, bạn của Dương Bân (đóng vai Na Tra) giới thiệu.

Mới đầu, Từ Lôi nghĩ đạo diễn Thái Du Ca sẽ tự tay cạo đầu cho anh nên tỏ ra khá lo lắng vì nghĩ rằng Thái Du Ca không có chứng chỉ hành nghề cũng như kinh nghiệm cắt tóc, ngộ nhỡ sẩy tay lại phạm một đường trên đầu thì khốn.

Trên thực tế, công đoạn này đã được đạo diễn Dương Khiết sắp xếp từ trước. Đợi khi đến cảnh quay Ngộ Không hóa thân thành Dương lực đại tiên và lọt vào tủ cạo đầu cho đồ đệ, màn cạo đầu được giao cho một chuyên gia húi tóc thực hiện. Người này được hóa trang y chang nhân vật Dương lực đại tiên (thực ra chỉ quay hai bàn tay đang cạo trên đầu Từ Lôi chứ không quay toàn bộ cơ thể của người thợ cạo).

Thái Du Ca (phải) và Từ Lôi trong chiếc tủ mở toang và cảnh quay cạo đầu. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Thông thường, người bị cạo tóc sẽ được bôi một lớp xà phòng lên để việc cạo được dễ dàng mà không bị đau rát. Thế nhưng với cảnh quay này, đạo diễn yêu cầu người diễn có cảm xúc thật, vì vậy đã quyết định không bôi bất kỳ chút xà phòng nào trước khi tiến hành nhát cạo đầu tiên. Những lần sau, Từ Lôi được bôi xà phòng nên công đoạn cạo cũng diễn ra khá trơn tru và nhanh chóng.

Chuông đồng hóa áo nhà sư

Một cảnh đấu trí giữa thầy trò Đường Tăng và ba yêu đạo hòng lấy được dấu ấn để lên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Trong cảnh Ngộ Không và Dương lực đại tiên thi triển tài phép để đoán biết vật dụng được vương hậu Xa Trì cất trong tủ là vật gì. Phía ba yêu đạo từng thua “sát nút” thầy trò Đường Tăng qua các phần thi như quả đào biến thành hột đào, tiểu đạo sĩ hóa thành tiểu hòa thượng, còn lần này lại là bộ y phục hoàng cung biến thành một chiếc chuông mẻ.

Cảnh quay lần đầu biến bộ y phục hoàng cung thành quả chuông mẻ.

Đoàn phim Tây Du Ký trước khi thực hiện cho tập phim này cũng đã nghiên cứu kỹ câu chữ trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, đồng thời yêu cầu tổ đạo cụ chuẩn bị một chiếc chuông để cho vào trong tủ.

Năm 1988, khi tập 15 được phát sóng rộng rãi ở Trung Quốc, đạo diễn Dương Khiết lập tức nhận được thư phản hồi từ khán giả xem phim đã nhận ra “sạn” trong một chi tiết mà đoàn phim chưa lý giải hết ý nghĩa câu chữ trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân.

Khán giả này cho rằng, từ “quả chuông” vốn nghĩa cổ của nó còn để chỉ một loại trang phục có dáng hình loe như chiếc chuông, đồng thời cũng là tên gọi một trang phục của các tăng ni phật tử. Do đó khi đoàn sử dụng quả chuông để minh họa là một sai lầm nghiêm trọng.

Đạo diễn Dương Khiết khi đọc được thư góp ý của khán giả trên cảm thấy vô cùng cảm kích và trân trọng ý kiến đóng góp này. Nữ đạo diễn liền cho tập hợp đoàn phim và quyết định tiến hành quay lại chi tiết chiếc chuông bị cho là hiểu lầm nguyên tác của đoàn, bộ áo nhà tăng trong tủ sẽ vẫn được giữ nguyên, cảnh quay lại sẽ được đổi thành, quả chuông biến thành bộ áo nhà tăng, đúng như giải thích câu chữ mà vị khán giả nọ góp ý cho đoàn.

Theo Long Hy (Khám phá)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây