Sở dĩ người ta nói anh kỳ dị vì ngoài cách sống rất khác biệt, anh còn có khả năng thức thâu đêm, từ đêm này qua đêm khác mà không hề mệt mỏi. Điều này xuất hiện ở anh từ bao giờ?
Câu chuyện này dài lắm, nó bắt đầu từ khi tôi còn là sinh viên (1998 - 2005). Trong quá trình học tập đó, quá trình mà tôi gọi là “chiến đấu gần như đơn độc”, tôi phải lo toan mọi thứ. Vừa lo kiếm tiền để học, vừa tự sắp xếp cuộc sống và vừa phải mày mò học tập nên áp lực bị đẩy lên cao độ. Thời gian đó, tôi nói thật là không có thời gian để ngủ, một ngày có khi tôi chỉ ngủ khoảng vài tiếng. Tình trạng đó cứ kéo dài cho đến năm 2005 thì tôi đã có thể thức xuyên đêm. Tôi thức được từ 10 đêm đến 20 đêm mà hôm sau vẫn tỉnh táo, bình thường.
Tôi thức không phải để chơi linh tinh hoặc để làm những việc vô nghĩa. Nhưng khi thức, tôi có thể đọc một cuốn sách hay, viết một bài tiểu luận, làm một việc gì đó thiết thực… Nhiều khi tôi cứ đùa với bạn bè, nếu tôi sống đến 80 tuổi thì 80 tuổi của tôi dài hơn mọi người vì tôi ngủ ít. Dù ít ngủ nhưng tôi luôn cố gắng duy trì trạng thái sức khỏe của mình tốt nhất.
Việc ngủ - nghỉ của con người dù sao cũng phải tuân theo cơ chế sinh học. Có khi nào việc anh thức thâu đêm như thế ảnh hưởng đến công việc, nhất là việc đóng phim?
Tôi có một thói quen khá tích cực đó là dù có thức cả tuần không ngủ thì tôi vẫn giữ giờ giấc sinh hoạt rất nghiêm túc. Trong ngần đấy năm gắn bó với phim ảnh, chưa bao giờ tôi đến đoàn phim trễ 5 phút dù nhà ở rất xa. Trong bất kỳ cuộc hẹn nào tôi cũng đến rất sớm. Việc thức đó có làm ảnh hưởng đến tôi chăng đó là khiến tôi đến sớm hơn mọi người (cười) chứ không gây trở ngại gì khác.
Thời sinh viên có thể anh phải thức nhiều hơn ngủ vì phải lo bươn chải, lo học tập… Nhưng nay, khi cuộc sống đã ổn định, mọi thứ không phải áp lực như trước, vì sao anh vẫn giữ thói quen sống thời sinh viên?
Tôi nghĩ rằng, cách sống của tôi trước đây và bây giờ vẫn nhất quán vì đó là cách sống tốt nhất. Nó không có sự va chạm, ồn ã hoặc phí phạm thời gian với những thứ vô bổ. Tôi rất thích câu nói trong “Người phán xử”: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không cũng không quan trọng”. Với tôi, gia đình là tất cả và như thế tôi không mất quá nhiều thời gian với những việc vô nghĩa ngoài xã hội.
Nói ra có thể không ai tin nhưng một năm có khi tôi chỉ ra ngoài gặp bạn bè khoảng vài chục lần, thời gian còn lại tôi dành cho phim ảnh và gia đình. Bây giờ thời đại đã khác, tôi không gặp bạn bè thường xuyên nhưng tôi vẫn có thể duy trì quan hệ qua các phương tiện như mạng xã hội hoặc điện thoại di động.
Có một câu chuyện rằng, cách đây mấy hôm bà ngoại tôi vừa qua đời. Khi đưa bà ra ngoài đồng tôi cứ suy nghĩ, con người ta ai rồi cũng trở về với cát bụi, vậy tại sao lại không dành nhiều thời gian cho những người thân yêu bên mình hơn. Khi đã nằm xuống rồi có muốn dành thời gian cho nhau nữa thì cũng không còn cơ hội.
Bạn đời của anh có bao giờ cảm thấy phiền bởi thói quen không ngủ của anh không?
Khi vợ tôi sinh con gái đầu lòng, cả bệnh viện đã phải ngạc nhiên vì khả năng thức thâu đêm của tôi. Thời đó, tôi gần như thức 24/24, không hề chợp mắt, không hề ngủ nghỉ, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào con. Tôi cứ nghĩ: “Thôi, để lúc khác ngủ, thời khắc này mà ngủ chẳng khác nào phí đi thời gian”.
Sau này, nửa đêm con tỉnh giấc, tôi cũng là người bế con dỗ dành. Thay tã, giặt giữ, pha sữa, nấu nướng cho con… tôi cũng làm tất. Nói chung, thức có cái hay của nó đó là làm được nhiều việc quá.
Thích chia sẻ về con gái chứ không thích chia sẻ về vợ
Nghe những gì anh chia sẻ có thể khiến nhiều người bỗng nổi lòng ganh tỵ với vợ anh vì đã may mắn gặp được một người đàn ông quá hoàn hảo. Anh nghĩ sao về điều này?
Thực ra, mọi thứ đều có nguyên nhân. Sở dĩ bây giờ tôi có thể làm tất cả mọi việc, không nề hà gì cả là vì ngày xưa tôi là con một, lại sống với mẹ nên tự lập từ bé. Mẹ làm gì cũng hướng dẫn cho tôi và tôi ý thức mình cần phải giúp mẹ nên việc gì cũng hăng say làm. Và từ những thói quen tự lập đó nó giúp tôi hình thành tính cách như bây giờ. Có một cái gì đó rất là đàn bà nhưng thực ra vẫn là đàn ông.
Nghe những gì anh tâm sự, người ta có cảm giác anh rất cảm thông và chia sẻ với vợ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, không bao giờ thấy anh chia sẻ gì về bạn đời, dù chỉ là một dòng cảm xúc trên trang cá nhân. Vì sao vậy?
Tôi phải thú thật là tôi thích chia sẻ về con gái chứ không thích chia sẻ về vợ. Vì với con gái, tôi có thể viết theo kiểu nhật ký để lưu lại những khoảnh khắc trong quá trình trưởng thành của con. Tôi cũng có thể công khai tình yêu thương của mình với con gái mà không sợ ai nói gì. Riêng vợ thì khác vì cô ấy cũng có những góc riêng và mình phải tôn trọng.
Thực ra, cũng không hẳn là tôi không chia sẻ về vợ đâu. Thỉnh thoảng, vào những dịp đặc biệt như ngày cưới, ngày sinh nhật cô ấy, ngày quốc tế phụ nữ… tôi cũng vẫn gửi lời chúc mừng đến bạn đời của mình.
Anh có nhắc đến chuyện sống với mẹ mà không thấy anh nhắc đến bố. Điều này có thể hiểu là…?
À, bố tôi thời đó đi công tác suốt. Ông là người Hải Phòng, lại sinh ra trong một gia đình đông anh em nên phải bươn chải từ sớm. Thời bao cấp, để lo được miếng ăn cho một gia đình 6 người con, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải rất vất vả. Khi có gia đình riêng, bố tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều để làm kinh tế, chăm lo đời sống cho vợ con.
Bố tôi yêu thương vợ con lắm. Tôi còn nhớ, thời xưa, bố yêu mẹ tới mức mua một tấm thảm Ba Tư về tặng mẹ mà tự tay vác tấm thảm đó từ dưới tàu về tận nhà, quãng đường đi bộ vô cùng xa. Tấm thảm đó đến bây giờ nhà tôi vẫn giữ như một kỷ vật đáng nhớ.
Bố tôi thời thanh niên là một người rất điển trai và rất mạnh mẽ. Tôi học được rất nhiều điều từ bố và từ mẹ. Có lẽ chính vì thế mà bây giờ tôi cũng là người của gia đình. Hiện tại, bố mẹ tôi đang sinh sống và làm việc ở Hải Phòng.
Tại sao anh lại không về lập nghiệp ở Hải Phòng để gần bố mẹ hoặc chọn nội thành để thuận tiện cho việc phát triển nghề nghiệp mà lại về “đóng đô” ở làng Cự Đà - một vùng quê ngoại thành Hà Nội?
Như đã nói, tôi không thích sự ồn ào, đông đúc và hào nhoáng. Cực Đà là quê ngoại của tôi. Tôi về đó vì đó là nơi đáng sống. Ở đó có con sông, cánh đồng, những ngôi nhà cổ, những gia đình làm miến gia truyền… Ở đó, sau những giờ làm việc vất vả, tôi có thể cùng anh em trong xắn quần lội ruộng bắt ếch nhái, bắt cua, bắt chuột đồng… Ở đó tôi có không gian để nuôi chó, nuôi mèo, nuôi gà, trồng rau, trồng cây ăn trái, cây cảnh… Ở đó, tôi là một người hàng xóm thân thiết hoặc một người anh em thân thiết chứ không phải một diễn viên nổi tiếng. Và những thứ đó mới thuộc về tôi.
Vậy thời gian qua anh nổi đình nổi đám với vai Bảo Ngậu thì hàng xóm láng giềng và bà con họ hàng có thay đổi cách gọi trước đây đối với anh không?
Ở làng tôi, mọi người sống với nhau thuần hậu lắm. Nhưng đúng là vai diễn Bảo Ngậu trong phim “Người phán xử” khiến mọi người thích thú lắm. Trước đây, ra đường mọi người vẫn gọi tôi là Bảo Anh nhưng bây giờ đã có người gọi tôi là Bảo Ngậu. Tôi cũng không hiểu sao mọi người lại thích vai của tôi đến thế vì thật lòng đây là vai xuất hiện rất ít, tôi hay gọi đùa là “tia chớp màn hình”.
Vừa qua có thông tin quay bổ sung thêm một số tập của phim “Người phán xử”, không biết thực hư của việc này như thế nào?
Có lẽ là trên 47 tập, riêng Bảo Ngậu quay bổ sung đến 4 lần, chưa kể một lần của nhóm diễn viên khác. Và hiện tại vẫn đang quay tiếp. Đợt rồi tôi có nghe bộ phận sản xuất bảo với tôi chuẩn bị tinh thần, có thể Bảo Ngậu sẽ phải quay tiếp nữa.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Theo Hà Tùng Long Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn