Biến tướng để... vớt vát
Sau một thời gian đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Nay Nhung về xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai sinh sống. Vốn khỏe như con bò tót, gương mặt thanh tú lại thêm mác “Việt kiều” nên Nhung được nhiều cô gái theo đuổi, đòi “bắt” về làm chồng. Trong đó, Ksor Blun - ngụ xã Ia Rmok, huyện Krông Pa - đẹp người đẹp nết nên Nhung ưng chịu.
Sau hơn một năm thương nhớ, Blun bày tỏ với bố là ông Nay Klút: “Con muốn sang bắt Nhung về làm chồng”. Ngay hôm sau, ông Klút cùng người thân sang nhà Nhung để hỏi chồng cho con gái.
Dù Nay Nhung làm việc quần quật đã 4 năm nhưng vợ chồng anh vẫn chưa trả hết nợ thách cưới
Gia đình ông Ksor Chon, bố của Nhung, vốn nghèo khó nhưng do nghĩ con mình “trai đẹp” lại là “Việt kiều” nên thách cưới 9 con bò sống và 1 bò, 1 con heo đã giết thịt. Gia cảnh cũng khó khăn nên ông Klút xin hạ đồ thách cưới nhưng không được, đành kéo anh em trở về.
Mấy ngày sau, Nhung bỏ ăn để gây áp lực với gia đình. “Em bảo rằng nếu không lấy được Blun thì sẽ không ăn uống gì hết cho chết luôn. Thấy em gầy đi, mắt trũng sâu, gia đình mới đồng ý” - Nhung kể. Đồ thách cưới được hạ xuống còn 4 con bò sống, 1 con bò và 1 con heo đã giết thịt, gia đình Blun lập tức chấp nhận.
Đến nay, vợ chồng Nhung - Blun đã có cô con gái 4 tuổi nhưng vẫn còn nợ 2 con bò thách cưới. “Nếu em lười làm, hay uống rượu thì gia đình nhà gái sẽ trừ nợ này. Nếu vợ chồng em ra ở riêng thì phải tự trả. Hai con bò ấy nếu không trả thì bên nhà trai sẽ đòi cho bằng được” - Nhung giải thích về luật tục của người Jrai.
Không phải cô gái nào bị nhà trai thách cưới cao cũng xin giảm được. Bà Phan Thị Anh Vũ, cán bộ văn hóa thông tin xã Ia Rmok, đưa chúng tôi tới căn nhà lụp xụp của Ksor H’N. - người vẫn chưa hết u uất vì nhà nghèo mà bị gia đình nhà trai thách cưới quá cao nên không “bắt” được chồng.
Nhắc đến chuyện này, H’N. rầu rĩ: “Buồn lắm! Nhà mình nghèo thế này thì cả đời chắc cũng không thể bắt được ai về làm chồng”. Trong một lần đi chơi, cô quen một thanh niên ở xã Ia H’Dreh, huyện Krông Pa rồi thường xuyên hẹn hò, nảy sinh tình cảm. Khi gia đình H’N. đến hỏi cưới thì nhà trai thách đến 13 con bò, 3 con heo. Nhà chỉ có 2 mẹ con, quanh năm bữa no bữa đói, không đáp ứng được nên họ đành trở về. Từ đó, cặp đôi lặng lẽ chia tay nhau. “Bao nhiêu lời hứa bên con sông Ba với mình, giờ chắc nó quên hết” - H’N. chán ngán.
Sông Ba cũng từng chứng kiến những lời tình tự, thề non hẹn biển của Ksor Kpet và Kpah H’Yui. Khi H’Yui về nói với gia đình sang “bắt” Kpet thì bố mẹ cô đồng ý ngay vì chàng trai này vốn khỏe mạnh lại tốt bụng. Song, gia đình Kpet thách cưới đến 30 triệu đồng, 5 con bò, 1 con heo và đồ truyền thống. Không có tiền, gia đình H’Yui đành tiu nghỉu quay về…
Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, cho biết trước đây, khi hỏi cưới, nhà gái chỉ đơn thuần tặng nhà trai một số quần áo, vòng đeo tay. Khoảng 7 năm nay, việc thách cưới đã biến tướng. “Nhà trai không lấy vòng tay, quần áo nữa mà đòi tiền bạc, heo bò. Chuyện thách cưới kiểu này là do du nhập từ một số địa phương khác. Bà con quan niệm rằng nhà trai nuôi con đến khi khôn lớn, nhà gái lại bắt về làm chồng để đi làm nên mới thách cưới cao nhằm vớt vát” - ông Run lý giải.
Ngủ bậy, lăng nhăng…: Phạt ngay!
Ksor Viêng và Ksor Bút là anh em bà con, ở cùng buôn và là cán bộ xã Ia H’Dreh nên rất thân thiết. Một lần, Viêng sang nhà Bút chơi thì chỉ thấy vợ anh này ngồi co ro bên bếp lửa sưởi ấm. Sẵn có ít thịt bò hun khói, 2 người mang ghè rượu ra uống. Khi ghè rượu cạn, cả 2 lảo đảo dìu nhau lên giường ngủ.
Đứa con trai lớn của Bút về nhà, chứng kiến cảnh 2 người đang nằm ngủ liền tức tốc đi gọi cha. Khi Bút về nhà thì Viêng đã đi từ bao giờ, chỉ còn lại người vợ đang nằm ngủ vẫn nồng nặc men rượu.
Trong cuộc họp làng sau đó, Viêng khăng khăng cho rằng mình say quá “không biết gì và chưa làm gì” vợ Bút. Tuy nhiên, trước lời kể của con Bút và lời thú nhận của cô vợ, già làng quyết định xử phạt 5 con bò nhưng Viêng không chấp nhận.
Thế là 2 ông cán bộ xã vốn thân thiết tranh cãi nảy lửa. Nghe đầu đuôi câu chuyện, ông Ksor Lây, Bí thư Đảng ủy xã Ia H’Dreh, quyết định phạt 2 con bò theo luật làng và Viêng đồng ý. Ông Lây giải thích: “Viêng uống rượu, không làm chủ được hành vi đã nằm ngủ trên giường với vợ Bút, như vậy là vi phạm”. Điều đáng nói là Bút “khẳng khái” tuyên bố nếu Viêng không chịu nộp phạt thì phải lấy luôn vợ, nuôi con cho anh!
Sau đó, một con bò được giao cho gia đình Bút nuôi, con còn lại mổ đãi buôn làng. Hôm ấy, Viêng và Bút mỗi người ôm một ghè rượu ngồi uống với nhau, hứa quên hết mọi chuyện. “Từ đó, Viêng không dám uống rượu say nữa. Dân làng cũng nhìn tấm gương ấy để sống tốt hơn, không uống rượu say xỉn” - ông Lây cho biết.
Không chỉ ngủ bậy, đàn ông nào được “bắt” làm chồng mà lười nhác, chơi bời, lăng nhăng cũng bị phạt vạ. Năm 2012, Kpah H’Dương ở xã Ia Rmok và Ksor Luka ở xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa lấy nhau. Lúc đầu, Luka còn chịu khó làm ăn nhưng chẳng mấy chốc đã đổi tính, cả ngày chỉ thích uống rượu, về nhà mẹ ruột hoặc đi chơi với bạn gái.
Buồn tình, H’Dương sang nhà chồng kéo Luka về nhưng được mấy bữa thì anh này lại đi. Đến khi H’Dương chán nản, quyết định chia tay thì Luka hứa sẽ thay đổi. Gia đình Luka còn cam kết nếu con trai “tái phạm” sẽ đền 30 con bò.
Chưa được bao lâu, Luka lại chứng nào tật đó. Nghĩ quẩn, H’Dương tự tử nhưng được gia đình phát hiện kịp thời. Anh em của cô liền kéo sang nhà Luka bắt nộp phạt 30 con bò. Bố mẹ Luka tiếc của nên báo chính quyền xã Chư Đrăng. Khi lực lượng chức năng có mặt hòa giải, 2 bên thống nhất giảm còn 15 con bò.
“Lúc bắt Luka về làm chồng H’Dương, nhà mình phải nộp nhiều bò và ghè rượu. Giờ 2 đứa nó lùm xùm thì mình bắt đền nhiều để bù vào” - mẹ H’Dương phân trần.
Cũng ở xã Ia Rmok, không ai là không biết chuyện nhà Nay V. phải nộp phạt 80 triệu đồng và 8 con bò cho nhà H’Oeng. V. hiện là bác sĩ tại một bệnh viện ở Krông Pa. Khi vừa học hết lớp 12, V. lấy H’Oeng và có một cô con gái. Tuy nhiên, khi học trung cấp y tại TP Pleiku, V. quen cô bạn cùng lớp ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa, sau đó cả 2 tiếp tục theo học ĐH ở Huế. Ra trường về công tác tại Krông Pa, V. và cô này tổ chức đám cưới.
Biết chuyện, gia đình H’Oeng họp làng đòi phạt V. 200 triệu đồng và 8 con bò cho công sức chăm lo lúc anh này đi học và để nuôi con gái tới 18 tuổi. V. không đồng ý. Khi ra tòa, V. bị HĐXX buộc nộp 80 triệu đồng để nuôi con tới năm 18 tuổi.
Cho rằng như thế là quá nhẹ, gia đình H’Oeng tiếp tục đòi xử theo luật tục của làng. Sau nhiều lần hòa giải, già làng A Win “tuyên án”: V. phải trả cho vợ cũ 8 con bò là tiền công nuôi dưỡng trong thời gian ăn học, đồng thời nộp 80 triệu đồng để nuôi con gái đến năm 18 tuổi!
“Việc xử phạt theo luật tục vẫn còn do đồng bào Jrai cho rằng xử phạt theo luật pháp là không có lợi. Theo bà con, xử theo luật làng càng nặng thì tính răn đe càng cao. Tuy nhiên, việc phạt vạ ấy thường là theo khả năng, hoàn cảnh, ít khi bằng tiền mà bằng các con vật như trâu, bò…” - ông Phùng Anh Kiểm, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Krông Pa, nhận xét.
Chị mất, em “nối dây” Năm 2010, Kpah H’Ring ở xã Ia H’Dreh dắt 5 con bò cùng quần áo truyền thống sang làng bên “bắt” Ksor Then về làm chồng. Sau khi sinh bé H’Trang, H’Ring mắc bệnh, phải nhập viện điều trị. Đàn bò chật chuồng đã bán gần hết mà bệnh ngày càng thêm nặng, cuối năm 2013 thì H’Ring qua đời. Ksor Then (trái) kể lại chuyện “tình chị, duyên em” Theo phong tục của người Jrai ở đây, khi con gái mất thì gia đình có trách nhiệm nuôi cháu, chia tài sản để con rể ra đi hoặc cho chị em gái chưa chồng thế chỗ. Với vợ chồng H’Ring, tài sản gần như đã khánh kiệt vì lo chữa bệnh và làm lễ bỏ mả. Không có tiền chia cho con rể, gia đình H’Ring thống nhất để cô con gái út là Kpah H’Ming còn đang đi học thay chị làm vợ Then. Sẵn quý mến Then, H’Ming vui vẻ chấp nhận. “Lúc ấy, em chỉ quý Then như anh trai, anh rể thôi nhưng sau này làm vợ, ngủ chung với nhau rồi thì mới bắt đầu yêu. Hơn nữa, nếu em không lấy anh ấy thì bé H’Trang sẽ không có bố chăm sóc” - H’Ming bày tỏ. Còn Then thì tâm sự: “Lúc đó, em chỉ thương con gái thường xuyên đau ốm. Nếu em đi lấy vợ khác thì sẽ không được chăm sóc con nữa”. Năm 2014, khi vừa thi trượt tốt nghiệp THPT, H’Ming chính thức về chung sống với Then. Theo ông Phùng Anh Kiểm, tục “nối dây” của người Jrai vốn rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người tuổi đã già nhưng khi vợ mất, vì gia đình bên vợ không muốn chia tài sản nên chấp nhận gả cho cô em còn rất trẻ. Nhiều người có chức trách, địa vị nhưng vì không muốn phân chia tài sản cũng theo luật tục này. “Hiện nay, nhờ tuyên truyền, giáo dục nên tục lệ này đã giảm nhiều” - ông Kiểm cho biết. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn