Cơ hội lớn cho sản phẩm OCOP Nghệ An
Hội nghị tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị và khách hàng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đơn vị được chia sẻ thông tin quan trọng về thị trường, xu hướng tiêu dùng, cũng như phương thức bán hàng hiện đại thông qua các sàn thương mại điện tử.
Các gian hàng được trưng bày tại hội nghị (Ảnh Q.A)
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định: "Nghệ An có lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền. Để phát triển bền vững, tỉnh tập trung không chỉ vào sản xuất mà còn vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Đây là nền tảng giúp các sản phẩm OCOP Nghệ An tiếp cận được nhiều thị trường lớn."
Tính đến tháng 10/2024, Nghệ An đã có 595 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó: 563 sản phẩm đạt 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Những con số này cho thấy nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời khẳng định chất lượng và vị thế của sản phẩm OCOP Nghệ An trên thị trường.
Những bước tiến trong xúc tiến thương mại
Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đã triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu biểu như: Tổ chức 3 đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Tham gia hơn 30 hội chợ thương mại trên cả nước, với hơn 130 gian hàng và 200 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu. Ngoài ra, tỉnh tổ chức 2 hội nghị kết nối cung - cầu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ…
Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất OCOP và các nhà phân phối, siêu thị lớn (Ảnh Q.A)
Những nỗ lực này không chỉ giúp sản phẩm OCOP Nghệ An mở rộng mạng lưới tiêu thụ mà còn nâng cao nhận thức của người sản xuất về nhu cầu thị trường và xu hướng hiện đại.
Dù đạt nhiều thành tựu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An vẫn đối mặt với không ít khó khăn: vì quy mô sản xuất đang còn nhỏ lẻ, liên kết chưa chặt chẽ; chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm chủ lực; trong khi số lượng sản phẩm được xuất khẩu đi các nước còn thấp, thị trường tiêu thu còn bấp bênh chưa bền vững.
Để khắc phục những hạn chế này, tại hội nghị, các chuyên gia đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất phương pháp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, và các nền tảng chuyên ngành. Đây được coi là bước đi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng trong kỷ nguyên công nghệ số.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị cũng đưa ra góp ý cho các cơ sở sản xuất để phù hợp hơn thị hiếu người tiêu dùng, cũng như làm các thủ tục pháp lý để chứng nhận chất lượng của sản phẩm,…
Kết thúc hội nghị, đã có 9 biên bản ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất OCOP và các nhà phân phối, siêu thị lớn. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong việc kết nối cung - cầu, đồng thời mở ra cơ hội lớn để sản phẩm OCOP Nghệ An vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU
Link gốc:
Thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP Nghệ An