Và khi đội Olympic Việt Nam hiên ngang tiến vào bán kết với 5 trận toàn thắng, không một lần bị thủng lưới thì sự hoài nghi đã biến thành niềm tin và hy vọng. Do đó, về tình cảm, dù có buồn khi Olympic Việt Nam thua Olympic Hàn Quốc nhưng về lý trí, chúng ta phải bình tĩnh chấp nhận bởi kết quả này phản ánh đúng đẳng cấp của 2 nền bóng đá. Thế nhưng, chúng ta có quyền ngẩng cao đầu khi Hàn Quốc đã đưa đội hình mạnh nhất thi đấu, trong đó có 3 tuyển thủ trong trận thắng Đức 2-0 ở VCK World Cup vừa qua diễn ra tại Nga cùng nhiều cầu thủ đang thi đấu ở Anh, Ý và các CLB hàng đầu ở Hàn Quốc, Nhật. Có nghĩa là Hàn Quốc rất coi trọng Việt Nam.
Sự thận trọng của Hàn Quốc có cơ sở vì Việt Nam dù bị họ dẫn 3 bàn nhưng vẫn không buông xuôi, thậm chí còn ghi được một bàn thắng từ cú sút phạt rất đẹp rút ngắn tỉ số. Nếu dứt điểm tốt hơn, Việt Nam có thể ghi thêm ít nhất một bàn thắng nữa khi đã ép sân đội bạn trong 20 phút cuối trận, lúc họ cũng rút bớt trụ cột dưỡng sức cho trận chung kết.
Đội tuyển Olympic Việt Nam với lứa cầu thủ trẻ được xem là thế hệ mới cho bóng đá Việt Ảnh: Anh Đức
Vậy chúng ta còn đòi hỏi gì nữa ở Tiến Dũng (thủ môn và trung vệ), Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Quang Hải, Văn Đức, Xuân Trường, Minh Vượng, Công Phượng, Văn Toàn... - những cầu thủ có thể khẳng định là thế hệ mới của bóng đá Việt Nam? Chính thế hệ này, dưới tài dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, đã khiến cho cả bóng đá châu Á cũng như giới truyền thông khu vực hôm nay phải thay đổi cách nhìn khi hướng về bóng đá Việt Nam. Chính thế hệ này đã toát lên hình ảnh rất đẹp của một tập thể đoàn kết, bản lĩnh, "thắng không kiêu, bại không nản" trước mọi hoàn cảnh và luôn tận hiến.
Bao năm qua, bóng đá Việt Nam cứ loay hoay mãi trong vòng xoáy làm thế nào vượt khỏi "ao làng" Đông Nam Á; làm thế nào thắng được Thái Lan, để khẳng định ngôi vị số 1 Đông Nam Á rồi mới bước lên chinh phục tầm cao mới: Châu Á! Nhưng chính thế hệ này với tài cầm quân và liệu pháp tâm lý Park Hang-seo, sau 2 thành công liên tiếp ở U23 châu Á và ASIAD, đã giúp cho bóng đá Việt Nam cùng người hâm mộ thay đổi tư duy: Bóng đá Việt có quyền mơ ước xây dựng thương hiệu ở tầm châu lục. Đó là giấc mơ mà đất nước, con người Việt Nam yêu bóng đá nồng nàn hoàn toàn có khả năng biến thành hiện thực.
Thành tích vào đến bán kết ASIAD thực chất có giá trị hơn hẳn ngôi vị á quân Giải U23 châu Á khi nhiều nền bóng đá châu lục chú trọng Á vận hội hơn là VCK một giải trẻ. Nếu thầy trò ông Park đoạt HCĐ thì không còn gì để nói nhưng nếu có thua UAE, thế hệ mới này khi trở về Việt Nam vẫn là những người hùng. Tại sao? Vì chính thế hệ này đã mở ra một trang sử mới mà ở đó, bóng đá Việt có quyền mơ chinh phục ở tầm cao châu Á nếu như những nhà làm bóng đá nước nhà biết biến "hiện tượng U23", "hiện tượng ASIAD" thành "hiệu ứng U23", "hiệu ứng ASIAD".
Tác giả bài viết: Hoàng Tú
Nguồn tin: Nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn