Nguyên nhân chính dẫn tới các ca tử vong do ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc là do người dân đã hít phải các hạt bụi cực nhỏ PM2.5. Đây là kết quả được Viện nghiên cứu độc lập Berkeley Earth do Bộ Năng lượng Mỹ tài trợ tài chính, công bố hôm 13/8.
Viện Berkeley Earth nhấn mạnh chính các hạt bụi PM2.5 làm gia tăng số ca đau tim, đột quỵ, ung thư phổi và hen suyễn, cướp đi sinh mạng của 1,6 triệu người mỗi năm và chiếm 17% số ca tử vong tại Trung Quốc.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại thành phố Thượng Hải hồi tháng Tư.
"Lần gần nhất tôi đặt chân tới Bắc Kinh, tình trạng ô nhiễm đã ở mức cực kỳ nguy hiểm. Mỗi giờ hít phải các chất độc hại ở Trung Quốc, tuổi thọ của tôi giảm mất 20 phút. Nó tương đương với việc một người đàn ông, phụ nữ hay trẻ em hút 1,5 điếu thuốc mỗi giờ", tờ Business Insider dẫn lời Giám đốc Viện Berkeley Earth, ông Richard Muller.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã lên tiếng thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nước này khi các đám sương mù lớn thường xuyên bao phủ nhiều khu vực bao gồm thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải trong những năm gần đây. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, chính quyền Trung Quốc đã cho áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng không khí tại mỗi khu vực cũng như lắp đặt trạm kiểm soát ô nhiễm đồng thời đóng cửa các nhà máy đốt than và di dời những cơ sở này ra khỏi trung tâm thành phố.
Ông Muller cùng nhà nghiên cứu Robert Rohde đã phân tích các dữ liệu cập nhật hàng giờ tại gần 1.500 trạm kiểm soát không khí ở Trung Quốc. Sau đó, họ sử dụng mô hình của Tổ chức Y tế thế giới để tính toán số người thiệt mạng mỗi năm do ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra cho thấy 92% người dân Trung Quốc hít phải ít nhất 120 giờ đồng hồ trong môi trường ô nhiễm không khí từ tháng 4/2014 – 8/2015.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, khoảng 90% trong tổng số 161 thành phố lắp đặt hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí hồi năm 2014, không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà chính phủ nước này đề ra.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Berkeley Earth cho thấy nguồn gốc phát tán các hạt bụi siêu nhỏ PM2.5 xuất phát từ hoạt động đốt than hàng ngày của người dân.
"Các chất gây ô nhiễm môi trường là khá lớn nhưng chủ yếu tập trung tại khu vực phía đông bắc kéo dài từ Thượng Hải tới phía bắc Bắc Kinh. Các hạt bụi có thể tồn tại trong không khí nhiều ngày, nhiều tuần và di chuyển hàng ngàn kiliomet", Viện Berkeley Earth cho hay.
Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho thấy Trung Quốc sử dụng tới 64% năng lượng là từ than đá.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn