Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng tài kiệt xuất của dân tộc đã ra đi ở tuổi 103, nhưng những ký ức về Đại tướng vẫn còn rõ nét trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, trong đó có các học giả, nhà sử học phương Tây, những người đã nghiên cứu rất sâu về tài năng quân sự và đạo đức của vị tướng này.
Sau khi Đại tướng qua đời, hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle (DW) của Đức đã có bài phỏng vấn chuyên sâu với nhà sử học quân sự người Mỹ Derek Frisby, người đã dày công nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng.
Nhà sử học quân sự Mỹ Derek Frisby
Cuộc phỏng vấn thú vị giữa DW và nhà sử học Frisby này đã cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về thiên tài và di sản quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới góc nhìn của học giả Mỹ.
DW: Điều gì khiến Võ Nguyên Giáp nổi trội hơn những vị tướng khác trong lịch sử?
Derek Frisby: Võ Nguyên Giáp là kiến trúc sư của Quân đội Việt Nam cũng như của một nước Việt Nam ngày hôm nay. Tướng Giáp là bậc thầy trong lĩnh vực hậu cần và phát động “chiến tranh cách mạng” với mức độ linh hoạt và khả năng ứng dụng vô tiền khoáng hậu.
"Ngọn núi lửa ẩn dưới tuyết" Võ Nguyên Giáp
Tướng Giáp có khả năng huy động không chỉ những nguồn lực vật chất của một xã hội phi công nghiệp để đáp ứng cho một cỗ máy quân sự có khả năng đánh bại cả những cường quốc hùng mạnh nhất, mà còn có thể tác động vào ý thức chính trị của nhân dân để thúc đẩy những nguồn lực này. Tướng Giáp không nổi trội quá nhiều so với những vị tướng khác trong lịch sử bởi ông vượt cao hẳn so với họ.
DW: Đâu là những điểm tài tình trong chiến lược quân sự của tướng Giáp?
Derek Frisby: Tướng Giáp là bậc thầy trong việc biến những điều không thể thành có thể. Ông đã khai thác triệt để quan điểm của các cường quốc phương Tây rằng chỉ cần hỏa lực là có thể làm nên chiến thắng. Sự tự tin thái quá và thái độ ngạo mạn của họ chính là nguyên nhân khiến họ thất bại.
Tài năng kiệt xuất của tướng Giáp được phát huy cao độ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông ấy đã thể hiện được sự linh hoạt và quyết tâm sắt đá của mình bằng cách yêu cầu bộ đội kéo pháo và súng phòng không bằng tay vào những vùng đồi núi tưởng chừng như không thể tới được.
Bộ đội Việt Nam kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ
Bằng cách biến những điều mà kẻ thù tưởng là không thể thành có thể, tướng Giáp đã đẩy quân viễn chinh Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ vào thế không thể nào chống đỡ nổi.
DW: Tướng Giáp đã chiến thắng những cường quốc phương Tây như Pháp và Mỹ như thế nào?
Derek Frisby: Đại tướng William Westmoreland, chỉ huy các chiến dịch quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn luôn tin rằng tướng Giáp là người sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh và tổn thất trong những trận chiến tưởng như không thể thắng nổi. Chính những đánh giá sai lầm như thế này đã lý giải tại sao phương Tây đã phải cúi đầu khuất phục trước tướng Giáp.
Chỉ cần bộ đội còn chiến đấu, nhân dân vẫn sẽ ủng hộ hết lòng
Tướng Giáp hiểu rõ rằng trong một cuộc chiến tranh trường kỳ sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất, nhưng những tổn thất đó không phải lúc nào cũng có thể quy thành chiến thắng hay thất bại của cả cuộc chiến.
Các con số thống kê do quân đội Mỹ đưa ra cho thấy mặc dù họ không thua trong nhiều trận đánh nhưng họ đã thua tướng Giáp trong cả cuộc chiến, bởi chỉ cần Quân đội nhân dân Việt Nam còn tiếp tục chiến đấu thì từ tận tâm khảm mình người dân Việt Nam vẫn ủng hộ bộ đội chiến đấu cho đất nước tới cùng, và đó chính là bản chất của “chiến tranh cách mạng”.
DW: Tướng Giáp đã ảnh hưởng như thế nào đến lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á?
Derek Frisby: Những chiến thắng lẫy lừng của tướng Giáp đã khiến các cường quốc phương Tây trở nên mệt mỏi với việc can thiệp vào những cuộc xung đột tương tự ở những vùng đất khác tại châu Á.
Chính điều này đã tạo điều kiện cho cả khu vực này phát triển mà không phải chịu nhiều sự can thiệp của các thế lực bên ngoài trong một vài chục năm qua.
Bản thân Việt Nam cũng đã trở thành một nước công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, và ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài tới đây để khám phá vẻ đẹp của đất nước này.
DW: Tướng Giáp sẽ được nhớ đến như thế nào?
Derek Frisby: Đối với phương Tây, di sản quân sự mà tướng Giáp để lại vẫn là một thứ mà họ phải xuýt xoa ngưỡng mộ. Mặc dù chính bản thân nước Mỹ đã trải qua một cuộc “chiến tranh cách mạng” thành công vào cuối thế kỷ 18 để giành lấy nền độc lập, họ vẫn bị thất bại trong cuộc “chiến tranh cách mạng” của nhân dân Việt Nam. Với tất cả những cuộc xung đột mà Mỹ đã can dự trong cả thập kỷ vừa qua thì người Mỹ vẫn cần phải học lại bài học từ Việt Nam.
Người Mỹ vẫn cần phải học lại bài học từ Việt Nam
Còn ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều tác phẩm viết về tướng Giáp nhưng theo tôi vẫn chưa có một công trình nghiên cứu thực sự toàn diện về cuộc đời của vị tướng tài ba này. Tôi tin rằng sau khi ông qua đời, nhân dân Việt Nam sẽ coi ông như một phần trong câu chuyện lịch sử của đất nước và đặt ông vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mọi thời đại của dân tộc Việt Nam.
Derek W. Frisby là phó giáo sư tại Đại học Bang Middle Tennessee, Mỹ, nơi ông giảng dạy về chuyên ngành lịch sử quân sự và nước Mỹ. Năm 2003, ông là nghiên cứu sinh lịch sử quân sự tại Học viện Quân sự West Point của Mỹ, và có 6 năm đảm nhiệm cương vị biên tập viên của West Tennessee Historical Society Papers. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn