Giàn khoan 981 là kế nghi binh, đảo hóa Gạc Ma mới uy hiếp ta thực sự?

Chủ nhật - 04/06/2017 01:34
Trung Quốc có lẽ không nhiều tiền nuôi giàn khoan 981 và "hạm đội" hơn 100 tàu hộ tống mãi được, chỉ e khi họ rút rồi thì đã có 1 hay 2 đảo nổi đã đắp xong.

                                 Giàn khoan 981 chỉ là kế nghi binh?

Hơn một tháng qua, dư luận trong nước, khu vực và quốc tế đặc biệt quan ngại trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, kéo tàu quân sự và máy bay uy hiếp, đâm chìm tàu cá Việt Nam, liên tục lu loa vu cáo trắng trợn Việt Nam...Người Việt và những người yêu chuộng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế không ai không phẫn nộ.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này Bắc Kinh lại âm thầm đẩy mạnh hoạt động bất hợp pháp biến đá Gạc Ma, một trong 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã cất quân xâm lược năm 1988 và chiếm giữ bất hợp pháp từ đó đến nay thành đảo nhân tạo, thiết lập căn cứ quân sự có sân bay, cầu cảng hiện đại thành 1 tiền đồn án ngữ tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới trên Biển Đông.

Sự nguy hiểm của thủ đoạn biến đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa

Philippines đã sớm phát hiện và công bố bằng chứng về âm mưu thâm độc này của Trung Quốc. Ngay cả giới phân tích, bình luận Trung Quốc và quốc tế cũng thừa nhận hoạt động này đang diễn ra.

Ngày 9/5, Trương Hoài Đông một nhà bình luận thời sự phân tích trên Đa Chiều, một khi nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Dông thì chắc chắn không phải là va chạm thông thường, quy mô có khả năng còn lớn hơn trận hải chiến 1974, 1988 Trung Quốc cất quân xâm lược Hoàng Sa và một số bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Đông lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc đã "chiến thắng" trong 2 trận hải chiến này, nhưng bây giờ thì khác. Quần đảo Hoàng Sa gần Việt Nam, nếu nổ ra xung đột thì quân đội Trung Quốc khó lòng thoát thân khỏi sự truy kích của không quân Việt Nam.

Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cất quân xâm lược năm 1988, xây dựng công sự nhà nổi kiên cố trái phép và đang có âm mưu biến nó thành 1 đảo nổi nhân tạo có sân bay, cầu cảng hiện đại, chốt chặn yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông.

Cũng tương tự như vậy, đá Chữ Thập, 1 trong 6 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc xâm lược năm 1988, chiếm đóng và xây dựng căn cứ quân sự trái phép cách điểm cực Nam đảo Hải Nam khoảng 1000 km, trong khi bán kính tác chiến của các máy bay chủ lực Su-27, J-11 Trung Quốc trong điều kiện không mang theo vũ khí đạn dược mới chỉ đạt 1500 km, quân Trung Quốc cơ động xa mỏi mệt trong khi Việt Nam ở gần chờ sẵn, một khi nổ ra xung đột rõ ràng Trung Quốc không có nhiều ưu thế.

Chính vì điều này, Trương Hoài Đông cho rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh chế tạo tàu sân bay và lấn biển biến đá thành đảo nhân tạo trên một số bãi đá họ đang chiếm đóng ở Trường Sa làm chỗ cắm chân, hình thành khả năng đối phó với không quân Việt Nam.

Alexander Neill, một chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-la cho rằng vị trí của đá Chữ Thập gần các tuyến hàng hải huyết mạch có thể phục vụ như một căn cứ hải quân chiến lược.

Một viên Đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu nói với Bưu điện Hoa Nam với điều kiện giấu tên, việc xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập sau khi biến nó thành đảo nhân tạo là bước chuẩn bị cho việc tuyên bố áp đặt (bất hợp pháp) vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Kim Lạn Vinh - một giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho hay, kế hoạch biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo sẽ tiến triển ra sao phụ thuộc vào cái gọi là "tiến độ khai hoang" đá Gạc Ma mà Trung Quốc đang tiến hành. "Đó là một dự án kỹ thuật đại dương rất phức tạp, vì vậy Trung Quốc cần phải học hỏi kinh nghiệm" từ những gì họ đang tiến hành trên đá Gạc Ma.

Ngày 8/6 chuyên gia quân sự Philippines Jose Antonio Custodio bình luận, các hoạt động của Trung Quốc biến đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa là nhằm tăng cường yêu sách đường lưỡi bò. Một khi Bắc Kinh làm được điều này, họ sẽ sử dụng các căn cứ để thiết lập một vành đai phong tỏa hiệu quả hơn nhiều, ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào của các bên liên quan, dù là quân đội, cảnh sát biển, thậm chí là ngư dân bình thường.

Đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc xây dựng công sự kiên cố bất hợp pháp và đang chở vật liệu, đất đá để biến nó thành đảo nhân tạo phục vụ dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể cắt tuyến đường chi viện của các bên liên quan cho lực lượng đồn chú chốt giữ các đảo, bãi đá ở Trường Sa sau khi hoàn thành các căn cứ đảo nhân tạo này. Trung Quốc đã không tuân thủ DOC, Custodio cho rằng Philippines cũng cần chủ động tăng cường thêm quân đồn trú các đảo, đá ở Trường Sa, bao gồm cả bãi Cỏ Mây.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã bộc lộ giàn khoan 981 chỉ là kế nghi binh đánh lạc hướng dư luận:

Ngày 7/5 Reuters dẫn lời một quan chức ngành dầu khí Trung Quốc tiết lộ, quyết định của giới chức Bắc Kinh triển khai giàn khoan 981 (trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) là một quyết định chính trị chứ không phải thương mại.

"Điều này phản ánh ý chí của chính quyền trung ương và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Nó không phải hoạt động thương mại và tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cũng không thiết lập một kế hoạch chi tiết thăm dò (trái phép) quy mô lớn tại khu vực này", quan chức giấu tên cho biết.

Tiến sĩ Gordon G. Chang, một nhà bình luận thời sự Mỹ gốc Hoa hôm 8/5 phân tích trên Forbes, đối với Việt Nam, động thái này của Trung Quốc đánh dấu 2 bước leo thang quan trọng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc kéo giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai sử dụng tàu vỏ xám, tức tàu quân sự để hỗ trợ chặt chẽ các tàu "vỏ trắng" là lực lượng Hải cảnh, Ngư chính, Hải giám để thực thi tuyên bố "chủ quyền" (bất hợp pháp) trên Biển Đông. 

Qua những thông tin này có thể thấy, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ít có khả năng có dầu khí và hiệu quả kinh tế gần như không có, nhưng lại nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa. 

Ở vị trí này, Trung Quốc sẽ thu hút tối đa sự chú ý và phản ứng của Việt Nam, nhưng lại ngăn chặn sự can thiệp của ASEAN và quốc tế, vì đây là vấn đề song phương. Đến 15/8 Trung Quốc có thể rút giàn khoan 981. Đến lúc rút giàn khoan, Bắc Kinh có thể đã cải tạo xong phần nền trong kế hoạch biến đá thành đảo ở Trường Sa. Trước sự đã rồi, phản ứng khó mang lại hiệu quả.

Nếu Việt Nam chỉ khởi kiện hành vi của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981, Bắc Kinh sẽ dễ bề lấp liếm và ngụy biện hơn bằng cách cột 2 vị trí này vào “vùng đặc quyền kinh tế” của quần đảo Hoàng Sa, và biến vụ kiện theo UNCLOS thành vụ kiện về chủ quyền để cản trở Việt Nam. Nhưng nếu khởi kiện Trung Quốc đang dùng vũ lực thay đổi hiện trạng Biển Đông, bao gồm ở Trường Sa thì Việt Nam, Philippines sẽ có nhiều lợi thế hơn, nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.

Nếu Trung Quốc có thể xây dựng được sân bay, cầu cảng cỡ lớn ở Trường Sa sau khi cải tạo các bãi đá, đây sẽ là mối nguy hiểm chiến lược về mặt quân sự - an ninh đối với Việt Nam, chặn các tuyến chi viện từ đất liền ra đảo, quấy rối các hoạt động của ta ở Trường Sa và tiến tới hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Tất nhiên với tham vọng bành trướng không cùng, bất chấp thủ đoạn, mỗi hành động của Bắc Kinh đều có thể nhằm đến nhiều mục tiêu khác nhau và giàn khoan 981 không ngoại lệ. Nhưng rõ ràng sự nguy hiểm của hoạt động biến đá thành đảo (bất hợp pháp) đang diễn ra ở Trường Sa là rất hiện hữu, rất thật, còn giàn khoan 981 Trung Quốc cắm hôm nay thì ngày mai họ có thể rút. 

Trung Quốc có lẽ không nhiều tiền nuôi giàn khoan 981 và "hạm đội" hơn 100 tàu hộ tống mãi được, chỉ e khi họ rút rồi thì đã có 1 hay 2 đảo nổi đã đắp xong ở Trường Sa, có phản ứng thì sự cũng đã rồi. Vì vậy phản ứng của ta cũng cần tính toán đến điều này, tìm ra đâu mới thực sự là âm mưu, mục đích chính của Trung Quốc để có kế sách đối phó.

                                                                                                Theo Hồng Thủy (giaoduc.net)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây