Đối phó TQ, Nhật giúp Úc đóng tàu ngầm

Chủ nhật - 04/06/2017 01:18
Thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm sẽ được đặt lên bàn nghị sự giữa Nhật Bản và Úc trong tuần này. Đây là cuộc gặp quyết định đến việc củng cố quan hệ quân sự giữa hai nước nhằm đáp ứng lại những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật - Mỹ - Úc đang xích lại gần nhau

Món quà khiến Úc phải bỏ thái độ nửa vời với Trung Quốc

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera sẽ tiếp hai người đồng cấp phía Úc Julie Bishop và David Johnston tại Tokyo vào thứ 4 tới đây. Cuộc đàm phán theo công thức "2 +2" lần này giữa Nhật và Úc được đánh giá là rất quan trọng

Theo AFP, chương trình nghị sự sẽ tập trung thảo luận về chuyển giao công nghệ tàu ngầm Nhật Bản tới Úc, trong lúc chính quyền Canberra cần phải thay thế hạm đội tàu ngầm tàng hình của minh trong những năm tới với chi phí báo cáo lên đến 37 tỷ USD.

Sự kiện này mang tính lịch sử vì lần đầu hai nước được coi là cường quốc hải quân trong khu vực Thái Bình Dương chia xẻ với nhau về công nghệ quân sự bí mật mang tính quy mô như vậy. Trước đó vào tháng 4, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký một hiệp ước thương mại tự do và một thỏa thuận an ninh.

Giới chuyên gia Nhật cho rằng ông Abe đã đi một nước cờ cao trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế và quân sự với Úc. Bằng cách này, Nhật đã lôi kéo Úc ngả về phía họ trong việc cạnh tranh với Trung Quốc. Trước giờ, Úc giữ thái độ thận trọng với Trung Quốc và đứng ngoài các tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Nhật cũng đau đầu vì cách hành xử của Trung Quốc trên biển
Nhưng tại hội nghị Shangri-La cách đây một tuần, cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnton đều chi trích những hành động đơn phương gây căng thẳng trên biển Đông. Đây có thể coi là lần hiếm hoi Úc chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc đến mức Phó tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung phải tức giận nói rằng “ngạc nhiên khi Úc và Nhật sử dụng chung một số từ (chỉ trích Bắc Kinh)”.

Trên thực tế, chính Trung Quốc đang gây sóng gió trong khu vực khi đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam. Tại hội nghị Shangri-La, không chỉ Úc và Nhật mà cả Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel còn chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ đang phá hoại an ninh khu vực.

Tăng cường hợp tác với ASEAN để đảm bảo an ninh

Ngoài ra, việc hợp tác quốc phòng giữa Nhật và Úc cũng giúp Nhật có cơ hội phát triển công nghiệp quốc phòng vốn bị kìm hãm sau thế chiến thứ hai. Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho rằng ông Abe muốn phát triển ngành công nghiệp quân sự thể hiện mục đích hai trong một của Nhật vào thời điểm này: tăng cường vị thế trên cả kinh tế và ngoại giao. Khi Úc xích lại Nhật thì Bắc Kinh sẽ phải lo lắng hơn trước một nước Nhật đang rất tích cực trên khu vực và thế giới.

Chuyện này dĩ nhiên nhận được tín hiệu đèn xanh từ Mỹ. Dưới sự khuyến khích của Mỹ thì Nhật và Úc đang hợp tác chặt chẽ về mặt quân sự để làm đối trọng chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên biển trong thời gian gần đây. Liên minh mà Mỹ xây dựng đối phó với Trung Quốc không chỉ gồm Nhật – Úc dù đây là hai thành viên then chốt.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng nhóm hiệp ước quân sự gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ là rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở Đông Á. Ngoài ra, Nhật cũng thúc đẩy mối quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam vì đây là hai nước có thái độ mạnh mẽ trong việc bảo vệ chủ quyền và tự do hàng hải trước yêu sách hung hăng của Trung Quốc.
Anh Tú (theo AFP)


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây