Hiện đã trở về an toàn ở Bắc Ireland, Wright cho biết khi đó, anh đã ẩn nấp phía trong 1 khối nhà văn phòng thuộc khu phức hợp In Amenas trong suốt 1 ngày 1 đêm cùng với 3 công nhân nước ngoài khác và 1 nhóm đồng nghiệp người bản địa.
Những người đàn ông bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong ngày đầu tiên của vụ khủng hoảng, họ chốc chốc lại nghe thấy những loạt súng rộ lên. Về đêm, khi mọi thứ yên tĩnh hơn, Wright gọi điện nhanh cho vợ mình, lúc đó đang khắc khoải chờ tin chồng ở nhà cùng với 2 cô con gái.
Cơ sỏ khí đốt Algeria, ở sa mạc Sahara |
“Cô ý hỏi tôi có muốn nói chuyện với bé Imogen và Esme hay không, nhưng tôi không có tâm trạng nào cả, … thực tình tôi không muốn qua chiếc điện thoại kết nối vệ tinh với âm thanh lạo xạo, lại đi nói dối là mình ổn trong khi chẳng có gì là ổn cả,” Wright nhớ lại.
Sáng sớm hôm sau, các công nhân Algeria trong cùng chỗ với Wright quyết định hành động, chỉ vài tiếng trước khi quân đội Algeria tiến hành đột kích vào khu nhà máy khí đốt.
“Những nhân viên người bản địa tin là, chẳng có ai đến đây và đưa chúng tôi đi, chẳng có ai sẽ cứu chúng tôi vì họ có biết chúng tôi ở đâu đâu. Nghĩ vậy, họ quyết định sẽ cắt hàng rào.”
Theo lời Wright, chuyện đi hay ở là quyết định rất khó khăn, vì “bạn không biết có gì ngoài đó, mà tụi khủng bố thì ăn vận y hệt lực lượng an ninh”.
Ban đầu Wright do dự và chỉ muốn ở lại, nhưng giữa lúc nước sôi lửa bỏng anh và các công nhân nước ngoài đã lựa chọn phương án ra đi.
Nhóm công nhân, gồm khoảng 30 người, luồn qua 2 lớp rào thép. Trong vòng nửa phút họ đã thoát ra ngoài sa mạc rồi chạy một mạch. Wright cho biết nhóm họ đi được chừng 1 cây số thì thấy xuất hiện phía trước 1 nhóm người mặc quân phục súng lăm lăm tiến về phía họ.
“Liệu đây là khủng bố hay cảnh sát vậy ta?” Wright nghĩ trong đầu. Trong độ 20 phút tiếp theo, nhóm của Wright vẫn không biết chắc.
Các con tin người Anh được thả tự do (ảnh: BBC) |
Wright kể tiếp, cả nhóm đào tẩu tự động quỳ gối và giơ tay hàng khi nhóm vũ trang tiến lại gần. Nhóm có súng gọi từng người một, khám xét rồi tách những người ngoại quốc khỏi những người Algeria.
“Chúng tôi bị gạt sang 1 bên và bắt đầu bụng bảo dạ ‘Mình mắc sai lầm lớn nhất trong đời rồi’, bởi vì bọn họ tách chúng tôi ra như thế là chỉ vì 1 lý do, những người địa phương sẽ được thả tự do,” Wright nói tiếp. “Tưởng thoát đến nơi, ai dè lại rơi vào chính tay bọn khủng bố. Coi như tiêu rồi.”
Thời khắc hãi hùng kéo dài khoảng 2 phút thì Wright thấy nhóm công nhân Algeria bắt đầu nói chuyện với nhóm vũ trang. Lúc ấy anh mới thở phào nhận ra mình đã ở trong tay quân đội chính phủ Algeria.
“Cảm giác khó tả lắm”, Wright kể. “Lúc đấy trong đầu chỉ mong gặp lại gia đình và bạn bè.”
Wright bảo cả đời sẽ mãi mang ơn các công nhân Algeria, những người hoàn toàn có thể đầu hàng bọn khủng bố và giữ an toàn cho bản thân, nhưng đã quyết định ở lại và giúp nhóm người nước ngoài trốn chạy.
Wright cho hay, tập thể công nhân ở khu tổ hợp khí đốt rất đoàn kết. Cả người nước ngoài và bản địa khi thường vẫn chơi bài và đá bóng với nhau. “Lần này thì không phân biệt đâu là đội ‘nhà’ và đâu là đội ‘khách’.”
Phóng viên có hỏi Wright liệu cuộc tấn công giải cứu của Algeria có gây ra tổn thất sinh mạng một cách không cần thiết, thì anh lắc đầu. Wright nói, “nếu đàm phán thêm, có khi lại có thêm nhiều người nữa mất mạng. Họ [quân đội Algeria] đã giải thoát được khá nhiều người…”.
Giới chức Algeria cho biết, ít nhất 23 con tin và 32 chiến binh đã chết trong vụ giam giữ con tin trong 4 ngày liên. Con số thương vong sơ bộ trên được cho là sẽ tiếp tục tăng khi họ hoàn thành dọn sạch khu nhà máy khí đốt nằm sâu trong sa mạc Sahara. Hàng trăm công nhân Algeria và lượng lớn người nước ngoài đã may mắn trốn chạy được khỏi nơi giam cầm./.
Theo vov.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn