Cuộc sống khủng khiếp bên trong trại cải tạo lao động ở TQ

Thứ bảy - 03/06/2017 23:06
“Họ hét lên như những con thú bị thương và đầy sợ hãi, tiếng kêu của họ khiến tôi ớn lạnh tới tận xương tuỷ…”.

Theo văn kiện cải cách mới nhất được đưa ra Hội nghị Trung ương Trung Quốc, chế độ cải tạo lao động tại nước này sẽ được bãi bỏ sau khoảng nửa thế kỉ tồn tại. Từ tháng 1/2013, các trại này đã không còn nhận thêm phạm nhân.

Luật cải tạo lao động tại Trung Quốc quy định, những cá nhân "chống đối cách mạng" và gây rối trật tự xã hội nhưng không quá nghiêm trọng để cấu thành tội hình sự sẽ được đưa tới các trại cải tạo, thậm chí là không cần phải qua xét xử. Họ sẽ phải dành 3 tiếng mỗi ngày để học về các quy tắc và luật lệ và làm việc ít hơn 6 tiếng/ngày.

Khối lượng công việc dành cho các phạm nhân phải được điều chỉnh dựa vào tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khoẻ và các kĩ năng. Các trại cải tạo Trung Quốc cũng phải từ chối các đề nghị tận dụng sức lao động của phạm nhân.

Tuy nhiên, theo một bài báo đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn Cầu tháng 4/2013, hệ thống trại cải tạo lao động Trung Quốc đã bị chỉ trích là công cụ để cảnh sát kết án người dân tới 4 năm tù mà không cần qua xét xử. Đối với các phạm nhân, trại cải tạo đã trở thành cỗ máy in tiền và thực sự là một địa ngục.

Vui mừng như đi đám cưới vì được nghỉ làm sớm

Khi bị đưa vào trại cải tạo Dalianshan tháng 11/2009 vì liên tục đòi bồi thường ngôi nhà bị chính quyền địa phương phá dỡ, ông Teng Xiaoming đã 61 tuổi. Ông không hề được hưởng bất cứ chế độ ưu đãi nào cho tuổi già, ngược lại, ông phải làm việc tới tận đêm muộn để đạt đủ chỉ tiêu thắt quai túi mỗi ngày.

Trả lời tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Teng nói rằng, ông thường xuyên bị gọi tới xưởng vào giữa đêm để hoàn thành chỉ tiêu. "Rất khó để có thể được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tôi dậy vào khoảng 5 rưỡi sáng và làm việc ít nhất là tới 10 giờ tối mỗi ngày".

Các phạm nhân trại cải tạo đang làm việc dưới sự giám sát của nhân viên trại.

Trại cải tạo Dalianshan nằm tại quận Jiangning (Nam Kinh), được xây dựng từ năm 1970 và tới tháng 4/2013, trại này có khoảng 135 phạm nhân. Trại được chia làm 3 khu chính: ký túc xá, xưởng sản xuất cho phạm nhân, toà nhà văn phòng cho cảnh sát và trung tâm huấn luyện cho quản giáo.

Li Long, tư vấn viên pháp lý miễn phí cho những phạm nhân bị đưa vào trại cải tạo, người trước đây cũng từng phải sống trong trại, cho biết: "Tôi hiếm khi thấy họ đóng cửa nhà máy sớm, về cơ bản, chúng tôi làm việc tới tận 9 - 10 giờ tối mỗi ngày. Mỗi khi nhà máy ngừng làm việc sớm, chúng tôi đều vui mừng như thể chúng tôi dự tiệc cưới".

“Những con thú bị thương và sợ hãi”

Tang Shuxiu, 53 tuổi, một thời là công nhân gương mẫu tại Tổ hợp Tập đoàn điện máy và tuabin Nam Kinh (Giang Tô), không bao giờ nghĩ rằng những kĩ năng công việc của mình một ngày nào đó sẽ hữu dụng trong trại cải tạo lao động.

"Có khoảng 40 người trong một tổ làm việc, lao động quần quật tại các dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu. Chúng tôi cần phải làm ra 900 chiếc quần bò mỗi ngày, nhưng theo lời các quản giáo, mỗi chiếc chỉ được bán với giá nhỉnh hơn 3 nhân dân tệ một chút".

Tang phải sống 1 năm trong trải cải tạo lao động dành cho nữ giới ở Giang Tô sau khi không ngừng kiến nghị đòi được cấp một căn hộ tại trung tâm thành phố Nam Kinh như đúng lời công ty cô đã hứa.

Tuy nhiên, điều vẫn ám ảnh Tang cho tới giờ là cách mà phạm nhân mới bị "ma cũ" đánh đập chỉ vì làm chậm dây chuyền sản xuất. Tâm sự với phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu, cô nói: "Tôi vẫn nhớ những tiếng gào thét của phạm nhân tại trại khi họ bị những phạm nhân lớn tuổi hơn, những kẻ buôn ma tuý, đánh đập. Họ hét lên như những con thú bị thương và đầy sợ hãi, tiếng kêu của họ khiến tôi ớn lạnh tới tận xương tuỷ".

Phạm nhân bị bắt để đủ chỉ tiêu cho cảnh sát?

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ông Li đã nghe một quản giáo tại trung tâm nói rằng nhân viên tại văn phòng công an thành phố cũng cần phải hoàn thành chỉ tiêu mỗi tháng - đó là việc đảm bảo ổn định nguồn cung lao động giá rẻ cho các trại cải tạo, nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng từ bên ngoài.

Nữ phạm nhân đi lại dưới sự giám sát gắt gao của quản giáo

Xu Chuanzhu, 41 tuổi, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một phạm nhân. Là nhân viên môi giới bất động sản, Xu đã không may dính dáng tới một vụ tranh chấp nợ với một trong số những khách hàng của mình năm 2011. Một người thân của Xu đã đánh khách hàng này, tuy nhiên cả 2 bên đã đi tới thống nhất rằng sẽ không có kiện cáo gì.

Xu nói với phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, chỉ một tháng sau đó, 6 cảnh sát mặc thường phục tự xưng là nhân viên quận Xuawu ở Nam Kinh đã tới văn phòng nơi cô làm việc, đánh một nhân viên của cô rồi đưa cô vào trại giam mà không hề có lệnh bắt giữ. Xu đã phải ở trong trại cải tạo 40 ngày mà không được sử dụng điện thoại. Sau đó, cô bị chuyển tới trại cải tạo lao động nữ vì lí do gây chiến với khách hàng vào tháng 1/2012.

Xu bị ốm suốt 4 tháng ở trại cải tạo nhưng không bao giờ được nghỉ ngơi. Quản lý trại bắt cô phải đứng làm việc từ sáng đến tối. "Tôi chỉ có nửa ngày nghỉ mỗi tuần bởi chúng tôi phải giặt quần áo. Có 300 người một nhóm và có tất cả 7 nhóm ở trại. Chúng tôi phải xếp hàng để nhận đồ ăn. Sau khi ngồi xuống, chúng tôi chỉ được ăn trong 15 phút", cô phàn nàn với phóng viên tờ Hoàn Cầu.

Xu nói rằng cô đang kiện cảnh sát địa phương vì những hành động vô lý của họ: "Tôi không biết vì sao tôi lại ở trong trại. Trường hợp của tôi chỉ là vụ việc dân sự và chúng tôi đã thoả thuận xong".

Về phần mình, Ren Jianyu, 25 tuổi, bị bắt năm 2011 vì phát tán và bình luận vào hơn 100 tin tức tiêu cực trên mạng, cũng rất bức xúc vì khối lượng công việc nặng nhọc mà cậu không thể nào hoàn thành nổi.

Một tháng sau khi Ren bị bắt, cậu bị kết án 2 năm tù cải tạo vì tội danh "kích động lật đổ chính quyền" mà không được trải qua quá trình tố tụng. Ren được trả tự do vào tháng 11/2012 sau khi thụ án 1 năm.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Ren đã rất may mắn vì được sự giúp đỡ từ cộng đồng, còn đa phần các phạm nhân đều bị xử lý trong im lặng, không có bất cứ công tố viên hoặc toà án nào sẵn sàng vào cuộc. Không ít các phạm nhân ở Nam Kinh đã gửi hàng chục bức thư tới toà án địa phương nhưng đều bặt vô âm tín.

Theo Tri thức trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây