Bắt nhà ngoại giao Ấn "cởi đồ", Mỹ gánh hậu quả

Chủ nhật - 04/06/2017 00:11
Ấn Độ đe dọa sẽ có thêm nhiều biện pháp trả đũa nếu như Mỹ vẫn quyết tâm truy tố đến cùng nhà nữ ngoại giao Khobragade.
Ngày 8/1, Ấn Độ đã ra lệnh cho đại sứ quán Mỹ tại New Delhi đóng cửa một câu lạc bộ dành riêng cho người Mỹ ở thủ đô Ấn Độ, một động thái làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước xuất phát từ vụ bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ Devyani Khobragade tại New York.

Vụ bắt giữ, còng tay bà Khobragade và bắt cởi đồ để khám người này đã khiến dư luận Ấn Độ nổi giận, và nước này đã phản ứng bằng cách tước bỏ nhiều đặc quyền đối với các nhà ngoại giao Mỹ.

Bà Khobragade, tâm điểm khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ

Gần một tháng sau, cuộc tranh cãi ngoại giao trên bắt đầu ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong quan hệ giữa hai nước, khi chuyến thăm của một quan chức cấp cao của Mỹ tới Ấn Độ bị hủy bỏ, và kế hoạch công du Ấn Độ vào tuần tới của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cũng đã bị trì hoãn sau quyết định đóng cửa câu lạc bộ sứ quán Mỹ của phía Ấn Độ.

Trong khi đó, cả hai bên đều tuyên bố rằng quan hệ giữa hai nước là rất quan trọng và không thể để bị hủy hoại, khi Washington cần sự hậu thuẫn của New Delhi khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan cũng như trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á. Hàng triệu người Ấn Độ cũng đang định cư tại Mỹ, và giá trị thương mai song phương của hai nước lên tới 100 tỉ USD mỗi năm.

Thế nhưng những lùm xùm quanh vụ Khobragade đã khiến quan hệ ngoại giao hai nước rơi vào một cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi Ấn Độ thử hạt nhân vào năm 1998. Một số chuyên gia lo ngại rằng cuộc khủng hoảng này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Hôm thứ Tư, Ấn Độ đã gia tăng sức ép lên phía Mỹ trong bối cảnh bà Khobragade có thể sẽ phải hầu tòa vào ngày 13/1 tới đây bằng cách yêu cầu đại sứ quán Mỹ tại Delhi “cấm cửa” những người không phải nhân viên ngoại giao tới một câu lạc bộ của đại sứ quán vốn rất nổi tiếng với người Mỹ sinh sống ở Ấn Độ.

Trong hàng chục năm qua, người Mỹ làm việc ở Ấn Độ thường xuyên lui tới nhà hàng và hồ bơi bên trong câu lạc bộ này, và các mặt hàng ở đây được chính phủ xếp vào diện ngoại giao và ưu tiên miễn thuế. Tuy nhiên có vẻ như chính phủ Ấn Độ đang muốn chấm dứt đặc quyền này dành cho người Mỹ.

Trước đó, Ấn Độ cũng đã hạn chế các đặc quyền đối với nhân viên ngoại giao Mỹ xuống mức ngang hàng với các đại diện ngoại giao của Ấn Độ ở Mỹ. Từ hồi tháng 12, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ cũng bắt đầu bị kiểm tra hành lý tại sân bay, và hầu hết các nhân viên lãnh sự đều bị giảm bớt quyền miễn trừ.

Cảnh sát Ấn Độ cũng dỡ bỏ các chướng ngại vật an ninh trên con đường phía trước đại sứ quán Mỹ ở New Delhi nhằm trả đũa việc đại sứ Ấn Độ tại Washington bị mất chỗ đậu xe.

Nhân viên an ninh Ấn Độ bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại New Delhi

Ấn Độ cũng đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với trường học của đại sứ quán ở New Delhi khi họ nghi ngờ ngôi trường này thuê một số giáo viên không có visa lao động.

Trước đây, Ấn Độ và Mỹ đã từng có lịch sử không tin tưởng lẫn nhau, bởi một số quan chức ngoại giao Ấn Độ từng làm việc trong thời kỳ Ấn Độ là đồng minh thân cận của Liên Xô, và đến nay họ vẫn không tin rằng Washington là một đồng minh đáng tin cậy. Họ vẫn cho rằng Mỹ đã từng ủng hộ kình địch của Ấn Độ là Pakistan, và Washington coi sự vươn lên của Ấn Độ như một mối đe dọa.

Trong khí đó, nhiều nhà ngoại giao Mỹ lại tố cáo Ấn Độ không nhiệt tình ủng hộ Mỹ trong các vấn đề như Iran hay Afghanistan cũng như không tạo nhiều điều kiện tiếp cận thị trường trong nước cho các doanh nghiệp Mỹ.

Để tháo gỡ ngòi nổ cuộc khủng hoảng, Ấn Độ muốn Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn quyết định điều chuyển bà Khobragade tới sứ bộ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc ở New York nhằm đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ cho bà này.

Một quan chức Ấn Độ cho biết nếu Mỹ không phê chuẩn quyết định này trước khi bà Khobragade ra hầu tòa vào tuần tới, Ấn Độ đe dọa sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp trả đũa.

Trong một bài xã luận xuất bản tuần này, Bộ trưởng Nhân lực Ấn Độ Shashi Tharoor  đặt câu hỏi: “Phải chăng kỷ nguyên cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã kết thúc? Quan hệ hai nước được củng cố nhờ vào cam kết chung về nền dân chủ, quan ngại chung về Trung Quốc, và quan tâm chung về thương mại và đầu tư.”

Ông kết luận: “Thế nhưng qua vụ việc Khobragade cho thấy tất cả những điều này vẫn là chưa đủ, bởi hơn hết thảy, một quan hệ chiến lược bền lâu đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên.”

Theo Trí Dũng (khám phá/ Reuters)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây