Sữa giả tràn lan: Dân không cần biết ai chịu trách nhiệm, chỉ cần sự an toàn

Thứ sáu - 18/04/2025 03:58
Sau vụ sữa giả tràn lan được phơi bày ra ánh sáng, giờ đây, sự an toàn chính là mối bận tâm lớn nhất đối với người tiêu dùng.
Vụ việc sản xuất và lưu hành gần 600 loại sữa giả, với doanh thu ước tính lên đến 500 tỷ đồng, bị phanh phui bởi Bộ Công an mới đây làm rúng động dư luận.

Đường dây “giết người” gián tiếp này do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group điều hành. Nhóm khách hàng mà các doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm sữa "bẩn" nhắm đến phục vụ là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người bệnh tiểu đường và suy thận, với chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với công bố. Đúng là tận cùng của sự khốn nạn.

Hàng chục triệu lon sữa giả đã được tiêu thụ trong suốt 4 năm mà không bị phát hiện, gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng.
 
d20250411806
Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô 500 tỷ đồng. (Ảnh: VTV)

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi phạm tội kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế nhiều bộ ngành, tổ chức sẽ cùng phải chịu trách nhiệm, ở những mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng làm rõ trách nhiệm, các cơ quan chức năng lại rơi vào vòng xoáy đổ lỗi, “đá bóng” trách nhiệm, khiến người dân càng thêm hoang mang và mất niềm tin.

Đây có thể xem là điển hình của đổ lỗi, của sự thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Bộ Công Thương khẳng định họ không quản lý trực tiếp các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, mà trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế.

Trong khi đó, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng việc quản lý an toàn thực phẩm được phân công cho nhiều bộ, bao gồm Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và UBND các cấp, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Bộ Y tế cũng cho rằng cơ chế tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp nhằm giảm thủ tục hành chính, nhưng trách nhiệm hậu kiểm thuộc về địa phương.

Không chỉ sữa giả, vấn đề “đá bóng” trách nhiệm cũng xuất hiện trong các vụ thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng. Trong khi đó, dư luận bức xúc khi các sản phẩm giả mạo, không chứa thành phần như công bố (tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca) lại dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, được quảng cáo rầm rộ bởi người nổi tiếng và tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này nằm ở sự thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm. Các bộ lần lượt khẳng định trách nhiệm quản lý thực phẩm bẩn là “trách nhiệm liên ngành”, dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm chính.

Từ đây cũng nhìn thấy những lỗ hổng, chứ không còn là kẽ hở, rất lớn của pháp luật. Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, chỉ yêu cầu kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ mà không kiểm nghiệm mẫu sản phẩm trước khi cấp phép. Điều này, dù giúp giảm thủ tục hành chính, lại trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp như Rance Pharma và Hacofood Group lợi dụng, công bố sai sự thật về chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, người tiêu dùng là đối tượng thiệt thòi nhất, phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích rõ ràng. Sữa giả có thể khiến trẻ em chậm phát triển, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng trí não, còn thai phụ có nguy cơ sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân. Người bệnh tiểu đường, suy thận sử dụng sữa giả có thể làm bệnh nền trầm trọng hơn.

Với gần 600 loại sữa giả, hàng chục triệu lon đã được tiêu thụ, quy mô thiệt hại về sức khỏe và kinh tế là không thể xác định ngay lập tức. Người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, chỉ mong muốn được sử dụng sản phẩm an toàn, nhưng thay vào đó, họ trở thành nạn nhân của sự vô trách nhiệm trong quản lý.

Người dân đâu cần biết đến ai phải chịu trách nhiệm mà chỉ cần được sống trong môi trường an toàn, trong đó an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Trách nhiệm tạo ra môi trường đó là các cơ quan thực hiện chức trách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực liên quan.

Đây là lúc họ (các bộ) cần dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm chứ không phải dành thời gian nghĩ lý do đổ lỗi. Nếu là lỗ hỗng pháp lý thì ngay lập tức đề xuất các cấp có thẩm quyền. Nếu là trách nhiệm của mình thì nhanh chóng vào cuộc khắc phục hậu quả. Đó mới là những cán bộ có trách nhiệm với công việc chứ chưa nói đến cái tâm với đất nước, với Nhân dân.

Vụ sữa giả là hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết của việc tinh gọn bộ máy Nhà nước. Một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm chính là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng “đá bóng” trách nhiệm.

Để giải quyết triệt để vấn đề, chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cần phải được thực thi nghiêm khắc trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đây chính là tinh thần “5 rõ” của Thủ tướng – rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Đồng thời, cần hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các quy định về hậu kiểm, để bịt kín kẽ hở mà các doanh nghiệp lợi dụng. Bộ Y tế và Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự và tăng chế tài xử phạt, nhưng điều này cần được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
Hồng Khanh
Theo VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây