Theo thống kê, gần 3.000 trẻ đến độ tuổi mầm non nhưng chưa được bố trí nhập học chủ yếu là trên địa bàn huyện, thị xã Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh. Trong đó, số trẻ ở thị xã Kỳ Anh gần 2.000 trẻ, huyện Kỳ Anh hơn 600 trẻ nhưng do phòng học thiếu, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp...nên chưa thể bố trí. Để tạo điều kiện trước cho các cháu được đến lớp, nhiều nhà trường đã đưa ra giải pháp tình thế buộc phá vỡ quy định về số lượng trẻ/lớp theo chuẩn.

 gần 3.000 trẻ đến độ tuổi mầm non nhưng chưa được bố trí nhập học khi ngày khai giảng cận kề (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tại trường Mầm non Hoa Mai (phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh) theo điều lệ mầm non quy định 25 cháu/lớp mẫu giáo và 20 cháu/lớp nhà trẻ nhưng nhà trường buộc phải bố trí tăng lên 35 - 38 cháu. Phòng học chật, số cháu đông khiến giáo viên không đủ để đảm bảo các điều kiện giảng dạy và chăm sóc các cháu...

Ngay ở TP. Hà Tĩnh, hiện vẫn còn hơn 300 trẻ chưa được nhập học vào các trường mầm non công lập bởi không thể bố trí lớp cho các em. 

 Nhiều trường mầm non công lập tại TP. Hà Tĩnh vẫn chưa thể bố trí nhập học cho hàng trăm trẻ đến tuổi

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Kỳ Anh Nguyễn Thị Hải Đường cho biết: Nhiều trường mầm non ở các xã như: Kỳ Phong, Kỳ Phú, Kỳ Văn, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng… đã sử dụng các phòng chức năng để làm phòng học, thuê giáo viên hợp đồng và cấp kinh phí hỗ trợ lương nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài, vì cơ sở vật chất và chuyên môn của giáo viên hợp đồng tại các trường không thể đảm bảo cho các em học trong cả năm học.

 Nhiều giải pháp tình thế được đưa ra nhưng chưa thể giải quyết triệt để vấn đề, khiến phụ huynh có con em đến tuổi đi học lo lắng

Ông Phan Duy Vĩnh -Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Mặc dù biết là không đúng với quy định nhưng để gỡ khó cho nhà trường, đồng thời đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường, chúng tôi đã chỉ đạo ngành giáo dục tạm thời bố trí ở bậc học mầm non 3 giáo viên phụ trách 2 lớp. Mặt khác, thị xã cũng đã đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành liên quan sớm bổ sung, bố trí số lượng giáo viên còn thiếu, nhằm đáp ứng việc giảng dạy trong năm học tới.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Lương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh cho hay: "Thành phố cũng chỉ đạo các trường có sự ưu tiên đối các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Cùng với đó, thành phố cũng đã đề xuất tỉnh, các sở ngành liên quan bổ sung giáo viên, bổ sung lớp để đảm bảo việc dạy và học”.

 
 Vận động cho trẻ sang trường tư thục được xem là một giải pháp nhằm đảm bảo cho trẻ được đến trường nhưng cũng chỉ áp dụng được với các gia đình có điều kiện về kinh tế

Việc vận động cho trẻ sang trường tư thục cũng được xem là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo cho trẻ được đến trường. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp không thể theo kịp với tỷ lệ gia tăng số học sinh và mức đóng góp các trường tư thục còn cao so với thu nhập của số đông người dân nên việc vận động cũng chỉ áp dụng được với các gia đình có điều kiện về kinh tế.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài để đảm bảo 100% học sinh được đến trường.

Đặng Thùy