Siêu xe Mclaren 570S đã tìm được người rước về garage. (Ảnh: Kiến thức)
Siêu xe McLaren 570S từng gây xôn xao giới chơi xe khi được mang gói độ body kit 570-VX với các chi tiết như cánh lướt gió khổng lồ phía trước, bên hông và đuôi xe mới bằng sợi carbon.
McLaren 570S độ có màu ghi xám này cũng là chiếc McLaren 570S đầu tiên tại Việt Nam. Cường Đôla đã đưa siêu xe này về nước vào cuối tháng 6.2016. Phần ngoại thất màu xám bóng của xe cũng được dán lại thành màu vàng chrome tương tự các tay chơi Ả Rập và sau đó là màu xám xi măng.
Sau đó, Cường Đôla đem bán McLaren 570S để mua về chiếc Ferrari F12. Sau khi chia tay Cường Đôla, mẫu xe này đã được chủ mới độ lên bộ bodykit hàng hiệu từ Vorsteiner và ra biển số Sài Gòn.
Ngoài bộ bodykit đắt tiền, chiếc McLaren 570S này cũng được chủ nhân chuyển đổi từ màu xám sang màu ghi xám bằng chất liệu decal wrap.
Siêu xe McLaren 570S từng gây xôn xao giới chơi xe khi được mang gói độ độc nhất Việt Nam. (Ảnh: Kiến thức)
Được biết, chủ nhân mới cũng đã lái siêu xe Lamborghini Huracan LP610-4 màu hồng độ Novara Edizione trong ngày mua chiếc McLaren 570S. Cả hai siêu xe ngay sau đó được chở thẳng về Bạc Liêu bằng xe chuyên dụng.
Ngoài Lamborghini Huracan LP610-4 và McLaren 570S, vị đại gia Bạc Liêu này còn sở hữu thêm chiếc SUV hạng sang Range Rover mạ vàng và một chiếc Mercedes-Benz trong garage.
Cường Đôla bên chiếc siêu xe McLaren 720S màu đỏ.
Vào tháng 6.2018, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường bất ngờ chia sẻ những hình ảnh mình bên chiếc siêu xe McLaren 720S màu đỏ Memphis trên trang cá nhân của mình cùng với dòng status: "Thật". Mọi người đã gửi hàng loạt lời chúc mừng vì cho rằng anh đã tậu siêu xe giá gần 22 tỷ này.
McLaren 570S từng được Cường Đôla mang đi dạo phố Sài Gòn.
Trước đó, Cường Đôla từng sở hữu một chiếc McLaren 650S Spider nhưng đã bán lại. Cường Đôla cũng chứng minh độ “chịu chơi” của mình khi lần lượt sở hữu những chiếc xe thuộc hàng "hot" như siêu xe Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider, Audi R8, Bentley, Rolls-Royce Phantom, Porsche, Mini Cooper, Ferrari 488 GTB màu xám, Lamborghini Aventador LP700-4 mui trần, BMW M2 Coupe và BMW M3...
Bộ sưu tập xế hộp "khủng" của Nguyễn Quốc Cường thuộc hàng nhất nhì Việt Nam. Số lượng ô tô và giá tiền của từng chiếc xe trong gara của Cường Đôla cho tới nay vẫn khiến những người trong giới chơi xe phải nể phục.
Tuy nhiên, ngược với các siêu xe của Cường Đôla là những vận đen đeo bám Quốc Cường Gia Lai. Năm 2018 có thể xem là một năm "kinh tế buồn" của Quốc Cường Gia Lai với hàng loạt những biến động lớn, từ lùm xùm tại dự án Phước Kiển đến việc ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đột ngột rời "ghế nóng"...
Theo BCTC hợp nhất quý III.2018 của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), lãi ròng quý III của doanh nghiệp chỉ bằng 1% cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai giảm khoảng 30%, còn 82,5 tỷ đồng, trong đó, doanh thu mảng bất động sản giảm từ 78,8 tỷ đồng xuống còn 2,7 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh thu tài chính chỉ bằng 1% cùng kỳ năm 2017, đạt 1,7 tỷ đồng.
Dù ghi nhận số tiền 200 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư, song Quốc Cường Gia Lai cũng để phát sinh khoản chi phí tài chính tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2017, trên 6,9 tỷ đồng, với nguyên nhân chính là do chi phí lãi vay tăng cao, chiếm tới 6,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 4,3 tỷ đồng và chi phí bán hàng là 140 triệu đồng.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần và lãi ròng của Quốc Cường Gia Lai là 519 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Quốc Cường Gia Lai của Cường đô la chỉ mới thực hiện được 29% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng lên 8.378 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 94,5%.
Kinh doanh “bết bát”, năm 2018, hàng loạt các dự án BĐS của Quốc Cường Gia Lai rơi vào vòng xoáy đen đủi như bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án tại Đà Nẵng sau khi dính những dự án treo 10 năm hay buộc phải trả lại tại TP.HCM.
Đáng chú ý, trong hai khu đất Phước Kiển gây xôn xao dư luận vừa qua thì có một dự án liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang, một dự án còn "treo" công nợ gần 2.900 tỷ với Sunny Island - đang khiến doanh nghiệp của mẹ con Cường đô la ngày càng lao đao.
Theo đó, việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2theo hợp đồng ngày 5.6.2017 là không đúng với thẩm quyền quy định tại điều 3 và điều 6 Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố (Ban Thường vụ quyết định chuyển nhượng sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất).
Một góc khu đất Phước Kiển. (Ảnh: Zing)
Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá là trái với Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 của Chính phủ; không đúng với Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về giá đất.
Vì vậy, ngày 18.4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Sau đó, hai bên đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng và không gây thiệt hại kinh tế cho Công ty Tân Thuận.
Nguồn tin: (Dân Việt)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn