Tin vui mới nhất từ Dân trí, đó là lô vắc xin Covid-19 đầu tiên được nhập khẩu chính thức về Việt Nam vào sáng 24/2. Đây là niềm hi vọng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19.
Hiện nay, trên thế giới có 4 đơn vị phát triển vaccine Covid-19, trong đó, vacxin Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford có hiệu quả vượt mức mong đợi của WHO với tác dụng từ 62-90% tùy liều lượng.
Các kết quả cho thấy, vắc xin này không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào sau khi được tiêm liều thứ 2.
Vắc xin AstraZeneca chính là loại vắc xin vừa về đến Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm 2021 mới đủ cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng (mỗi người tiêm 2 mũi).
Phải khẳng định, việc cung cấp vắc xin miễn phí là nỗ lực rất lớn của Chính phủ bởi với ngân sách eo hẹp như của Việt Nam chúng ta, nó là một số tiền khổng lồ. Hiện, chưa có giá chính thức, song theo một số thông tin, giá của vắc xin sẽ là khoảng vài trăm ngàn đồng/liều.
Nếu xét vài trăm ngàn với một cá nhân, nhất là với những người có điều kiện thì đó không phải là khoản tiền lớn. Song, nếu nhân với 150 triệu liều thì nó là cả "một núi tiền".
Trong khi đó, việc xét nghiệm Covid - 19 số tiền cũng không nhỏ, gần 240 ngàn/mẫu với tet nhanh và trên 730 ngàn với xét nghiệm Real- time PCR. Trong khi mỗi ổ dịch, con số xét nghiệm lên tới hàng ngàn, chục ngàn mẫu.
Biết rằng sức khỏe là trên hết, mạng sống không mua được bằng tiền nhưng không có tiền thì sẽ không mua được thuốc và không mua được thuốc thì làm sao phòng chống được dịch. Tiền không là gì nhưng không có tiền thì không làm được gì.
Do đó, bài toán đặt ra ở đây là làm sao để phòng chống dịch hiệu quả nhất và đỡ tốn kém nhất? Đặc biệt là làm thế nào để trang trải số tiền khổng lồ này mà ít ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của đất nước bởi ngân sách "như một cái chăn hẹp, nơi này co thì nơi kia mất phần".
Theo thông tin từ Dân trí, gần đây, một số doanh nghiệp tư nhân đã tuyên bố sẽ tự chi tiền để mua vắc xin Covid-19.
Trong đó, một trường đại học đã lên kế hoạch mua 100.000 liều vắc xin Covid-19 cho toàn bộ cô thầy giáo/cán bộ và sinh viên của trường, chi phí dao động từ 3-4 triệu USD.
Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) để đăng ký mua vắc xin Covid-19 cho 8.000 cán bộ nhân viên cùng người thân và gia đình.
Trên mạng xã hội, một số người đã đề xuất tự trang trải kinh phí xét nghiệm cũng như bỏ tiền mua vắc xin, một mặt gánh đỡ cho ngân sách, một mặt có thể việc xét nghiệm sẽ nhanh chóng hơn và được chọn vắc xin theo ý của mình.
Đây là những ý kiến rất đáng hoan nghênh, thể hiện tinh thần chung sức, chung lòng trong phòng chống đại dịch.
Vì thế, các cơ quan chức năng nên tham khảo các cách làm này để tìm ra phương pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất và cũng đỡ tốn nhất cho ngân sách.
Tất nhiên, đây phải là tự nguyện bởi theo Điều 60 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm qui định, kinh phí chi trả gồm ngân sách nhà nước, vốn viện trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Song, nó sẽ hiệu quả hơn nhiều một khi có sự sẻ chia, đóng góp tự nguyện từ cộng đồng, phải không các bạn?