Lừa đảo tài chính là hình thức lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính liên quan đến mạo danh các tổ chức tài chính, hệ thống thanh toán và các nền tảng thương mại điện tử.
Theo báo cáo, tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính cao nhất với 141.258 vụ, sau đó là Indonesia với 48.439 trường hợp. Việt Nam và Malaysia nằm ở vị trí thứ 3 và 4 với con số ghi nhận lần lượt là 40.102 và 38.056.
Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á về tấn công lừa đảo tài chính
Singapore và Philippines là hai quốc gia ghi nhận ít vụ tấn công lừa đảo tài chính nhất với con số 28.591 và 26.080 vụ.
Như vây, Thái Lan và Singapore ghi nhận mức tăng cao nhất, lần lượt là 582% và 406% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê, các chiêu trò lừa đảo phổ biến là giả mạo thương hiệu thương mại điện tử, ngân hàng và ứng dụng thanh toán, với mục tiêu đánh cắp thông tin đăng nhập và các dữ liệu cá nhân, nhạy cảm của người dùng, doanh nghiệp.
Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tấn công phi kỹ thuật tinh vi, giả danh các tổ chức tài chính để lừa gạt, đe dọa và ép buộc nạn nhân. Nhiều trường hợp đối tượng còn mạo danh tổ chức từ thiện để dụ dỗ nạn nhân quyên góp vào quỹ giả mạo.
Theo đánh giá, hình thức tấn công lừa đảo tài chính đang tăng nhanh chóng khi tội phạm mạng không ngừng nâng cao thủ đoạn, điều chỉnh chiến thuật lừa đảo trở nên tinh vi hơn. Số cuộc tấn công đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải điều này: các nhà phân tích cho rằng sự phát triển mạnh của kinh tế số và việc tội phạm mạng ngày càng tận dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Qua đó tạo ra nội dung lừa đảo tinh vi và nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.
Theo kinhtedothi.vn