Có một căn bệnh vô phương cứu chữa ở người Việt, nguy hiểm hơn cả ưng thư, đó là “bệnh cả nể”. Biểu hiện của nó là sợ động chạm, sợ mếch lòng, hoặc xa hơn sợ tai bay vạ gió…!

Phê bình và tự phê bình là nguyên tắc tối quan trọng trong mọi cơ quan nhà nước. Điểm thuận lợi của nguyên tắc này là…người Việt rất thích phê phán, chỉ trích nhau; nhưng cái dở là ngại đối diện, thành ra phê và tự phê lắm khi biến tướng thành “đâm bị thóc chọc bị gạo”.

Gần đây, phê và tự phê lại gặp trục trặc, đó là tình trạng “cả họ làm quan” sinh ra từ nhân sự “cây nhà lá vườn”, chuyện này không mới nhưng nó phát tác ra vô số thứ rất mới không dễ đối phó.

Trong một hệ thống điển hình như Hà Giang, toàn “con ông cháu cha” nắm giữ các chức vụ chủ chốt một cách đáng nghi ngại thì ai sẽ là người “dũng cảm” đứng ra phê bình nếu có sai trái?

Và, có chút hy vọng nào để những người “một giuộc” đứng ra nói thẳng vào nhau những lời chối tai? Hay họ sẽ cố kết nhau thành một khối để dung túng cho những sự việc kinh thiên động địa. Đấy, nâng điểm thi, phá hoại ngành giáo dục; tham nhũng đất đai ở TP HCM… là những ví dụ.

Một thời gian nở rộ tình trạng “ông trẻ”, “ông trời con” khiến dư luận phẫn nộ, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói đến cơ chế “lồng nhốt quyền lực”.

Nếu vẫn còn cả nể, không dám đối diện thì hãy giao nhiệm vụ đó cho nhân dân, ai tốt, ai chưa tốt cứ hỏi dân sẽ rõ. Không gì tốt hơn là công bố quy hoạch nhân sự cấp chiến lược để nhân dân, đảng viên giám sát.

200 ủy viên Trung ương giống như hạt mầm, họ là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, các Bộ ngành. Nếu hạt giống tốt sẽ lan tỏa để địa phương tốt, Bộ ngành tốt và ngược lại.

Những gì xảy ra với nhiều vị Đại biểu quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành vừa qua cho thấy không để người dân tham gia giám sát cán bộ là điều rất đáng tiếc. Nhân dân - họ tuy không nhận một xu thù lao nào, nhưng họ là lực lượng mạnh nhất, có trách nhiệm nhất với đất nước.

Bài học nghe dân, tin dân, yêu mến dân luôn luôn cần thiết. Nhà nước hiện đại, kiến tạo là nơi có cửa rộng cho người dân cất lên tiếng nói phản biện, đóng góp ý kiến, và việc giám sát theo dõi những người được phó thác quyền lãnh đạo là một điều tất yếu.