Giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, bố mẹ bị xử lý như thế nào?

Thứ sáu - 10/05/2024 07:18
Hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ” là trái pháp luật, bị nghiêm cấm.

Pháp luật quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm³. Người đủ 18 tuổi trở lên được điểu khiển xe mô tô hai bánh (xe máy) có dung tích xi-lanh từ 50cm³ trở lên. Theo đó, người mới đủ 16 tuổi thì chưa đủ tuổi để điểu khiển xe máy trên 100cm³...
 
D2024051004 1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương do Nguyễn Văn Quang Huy gây ra.
 
Thế nhưng, trong thực tế đời sống, chúng ta rất dễ bắt gặp nhiều học sinh vô tư điều khiển xe máy ra đường, đi học, thậm chí kẹp 3,4 lạng lách, đánh võng,…. Để xảy ra tình trạng này, nhiều người cho rằng, do không có sự quản lý, giám sát cần thiết và đúng mức từ phía gia đình đối với con em mình. Đặc biệt, không ít phụ huynh chủ quan hoặc do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên cũng dễ dàng trong việc này.

Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các em chưa có kiến thức lái xe, luật pháp, tính khí lại bốc đồng, thường chạy với tốc độ cao nên rất dễ gây tai nạn. Trường hợp xảy ra tai nạn thường để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân các em cũng như làm liên lụy tới những người khác đang cùng tham gia giao thông.

Con chưa có bằng lái, mẹ bị khởi tố

Mới đây, ngày 7/5/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) vừa bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Hoàng Thị Kim Lan (46 tuổi, trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế) vì có hành vi giao xe máy cho con là Nguyễn Văn Quang Huy (19 tuổi) điều khiển tham gia giao thông dù chưa có bằng lái. Trong lúc điều khiển thì Huy gây ra tai nạn giao thông làm một người chết, một người bị thương. Bản thân Huy cũng bị đa chấn thương, chấn thương sọ não.

Điều đáng nói, vụ việc này không phải hy hữu. Thời gian qua, số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, phức tạp nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh. Đồng thời, tình trạng giao, cho mượn xe mô tô, ô tô... diễn ra hết sức phổ biến trong đời sống xã hội với nhiều lý do. Trong đó dễ thấy nhất là vì tình cảm, chỗ quen biết hoặc là người trong gia đình nên giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân mượn để di chuyển dù biết rõ người đó chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp như thế bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
 
D2024051004 2
Cơ quan Công an thành phố Huế đọc lệnh khởi tố đối với bà Lan.
 
Việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả người giao phương tiện khi gây tai nạn giao thông.

Cụ thể, ngày 27/3, TAND huyện Chư Prông (Gia Lai) đã đưa ra xét xử lưu động vụ án người mẹ giao xe cho con trai lái gây tai nạn chết 4 người, diễn ra tại Nhà văn hóa xã Ia Lâu (huyện Chư Prông). Bị cáo trong vụ án là bà Rơ Ma Pil (38 tuổi), trú xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Trong phiên tòa này, tòa tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil 24 tháng tù, cho hưởng án treo.

Cũng trong tháng 3/2024, Nguyễn Thị Yến (35 tuổi, trú xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị TAND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi gây tai nạn khiến 1 người phụ nữ 79 tuổi trú thôn Hương Thọ, xã Đức Hương bị tổn thương cơ thể 74%.

Giao xe cho người không đủ điều kiện là vi phạm pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ” là trái pháp luật, bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 10 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Theo đó, nếu biết một người không đủ điều kiện để điều khiển xe cơ giới hoặc xe máy chuyên dùng (chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, hoặc không đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định) mà vẫn giao phương tiện cho người đó điều khiển tham gia giao thông thì hành vi này là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo luật sư Hùng, tại điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” sẽ bị phạt tiền từ 800 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Đối với hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” sẽ bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8- 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
 
D2024051004 3
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật Thiện Duyên
 
Luật sư Hùng cũng phân tích, theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào giao xe cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm vào “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Các loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là: Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-30 triệu đồng

Thông qua vụ việc này, luật sư Hùng khẳng định, đây là “tiếng chuông” cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta trong việc quản lý và sử dụng các phương tiện giao thông, tuyệt đối không được phép giao các phương tiện này cho những người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, để không chỉ phòng tránh tai nạn giao thông mà còn tránh được việc vi phạm pháp luật, dẫn đến phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân về vấn đề này.
 
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây