Dùng nước lã, phụ gia, chế nước mắm 'giàu đạm'

Thứ tư - 11/09/2019 08:42
Chủ cơ sở thừa nhận đã mua nước mắm “xá” (loại nước mắm ít đạm - PV) với giá khoảng 4.000 đồng/lít rồi về pha chế với nước lã và phụ gia là caramel để nước mắm thành phẩm có màu đẹp, rồi tung ra thị trường.

Sau thời gian dài theo dõi, đêm 6.9, lực lượng công an thuộc Phòng 7 - Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C05), Bộ Công an phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 7 - Cục QLTT Bình Dương và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản, Thuỷ sản Bình Dương tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Phúc Khang.LT (tại khu phố Bình Đức 2, phường Lái Thiêu, Thị xã Thuận An, Bình Dương). Hộ kinh doanh này do bà Đoàn Kiều Anh (33 tuổi, ngụ TPHCM) làm chủ, có ngành nghề sản xuất nước mắm.

Dùng nước lã, phụ gia, chế nước mắm 'giàu đạm'
Cơ quan chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Phúc Khang (Bình Dương).

Nước mắm “xá” + nước lã + caramel = nước mắm giàu đạm

Tại thời điểm kiểm tra, trong cơ sở chỉ có ông Nguyễn Đặng Hoàn Phúc (39 tuổi, ngụ TPHCM, chồng của chủ cơ sở) đang sang chiết, đóng gói dở dang hàng trăm chai nước mắm. Tại căn nhà sản xuất, tổ kiểm tra phát hiện đặt nhiều bồn lớn chứa nước mắm nguyên liệu, được đấu nối ống nhựa thiết kế chạy khắp nhà. Hệ thống ống nhựa dẫn nước mắm nguyên liệu đi qua các bồn lọc rồi cho chảy vào bồn chứa lớn đặt giữa nhà. Nước mắm được sang chiết, đóng chai, dán nhãn ngay tại nhà với các máy móc thủ công. Thậm chí, hệ thống lọc nước lã dùng pha chế nước mắm cũng được lắp ngay trong nhà vệ sinh. Tại đây còn có nhiều thùng nhãn mác được ghi ngày sản xuất trước khi sản xuất, đóng chai sản phẩm... tới hai tháng. Qua kiểm đếm, tại cơ sở còn hơn 550 lít nước mắm nguyên liệu. Ông Phúc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu nước mắm.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Phúc thừa nhận đã mua nước mắm “xá” (loại nước mắm ít đạm - PV) từ một cơ sở sản xuất nước mắm dưới Bà Rịa - Vũng Tàu với giá khoảng 4.000 đồng/lít. Sau đó pha chế, đóng chai thành 5 loại sản phẩm với các quy cách: Can 5 lít, 900ml, 650ml, 500ml và 200ml. Theo đó, các loại sản phẩm: 5 lít, 900ml, 500ml thì ông Phúc pha chế theo công thức: 20 can (20 lít/can) nước mắm “xá” pha với 6 can nước lã (20 lít/can) và pha thêm phụ gia là caramel để nước mắm thành phẩm có màu đẹp. Riêng loại 200ml và 650ml thì không pha chế mà chỉ đóng chai rồi bán cho người tiêu dùng. Theo ông Phúc, việc ông pha nước lã vào nước mắm là để bớt độ mặn, cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Mỗi ngày hộ kinh doanh Phúc Khang sản xuất hàng trăm chai nước mắm dãn nhán nước mắm cá cơm “giàu đạm” theo công thức nước mắm “xá” + nước lã + caramel” và tung ra thị trường.

Ông Phúc cũng cho biết giá bán tại gốc sản phẩm nước mắm của cơ sở mình với giá khá rẻ. Theo đó, loại chai 5 lít có giá 35.000 đồng; 900ml giá 5.500 đồng; 500ml giá 5.000 đồng, 200ml giá 4.500 đồng và 650ml giá 12.000 đồng. Sản phẩm nước mắm của hộ kinh doanh Phúc Khang.LT được bán chủ yếu về khu vực đông công nhân và người lao động tại khu vực các quận: 2, 12, Hóc Môn, Gò Vấp (TPHCM).

Dùng nước lã, phụ gia, chế nước mắm 'giàu đạm'
Sang chiết, đóng chai nước mắm tại cơ sở Phúc Khang.LT Ảnh: Lam Thiên

Quá trình theo dõi, trinh sát phát hiện nước mắm tại cơ sở Phúc Khang.LT được giao về các địa điểm như: quán ăn bình dân trên đường Trần Não (quận 2), quán tạp hoá trong chợ dân sinh trên đường Trịnh Thị Miếng (ấp Trung Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TPHCM) và một căn nhà ở khu “nhà giàu” Thảo Điền.

Lập biên bản xử lý hàng loạt vi phạm

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chủ hộ kinh doanh sử dụng nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm (nước mắm) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra còn phát hiện khu vực chứa đựng, kho bảo quản tại hộ kinh doanh không có giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình chế độ vệ sinh theo đúng quy định. Không bố trí riêng biệt nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, nơi rửa tay… theo quy định. Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm (hệ thống lọc gắn trong toilet). Chủ hộ sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Phúc Khang.LT về các hành vi vi phạm nêu trên. Đồng thời tiến hành thu giữ hơn 550 lít nước mắm nguyên liệu không rõ nguồn gốc tại cơ sở này để bảo quản, chờ xử lý theo đúng quy định.

Năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã từng kiểm tra hộ kinh doanh Phúc Khang.LT. Tổng số tiền xử phạt các hành vi vi phạm của cơ sở này là gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động trong một tháng, buộc tiêu huỷ 2.400 lít nguyên liệu nước mắm và hàng trăm chai nước mắm nhĩ cá cơm mang nhiều hương vị như: Phú Quốc, Nha Trang được phát hiện tại đây.

Theo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây