Hiện trường vụ đánh chết người ăn trộm chó tại xã Ngọc Sơn, Đô Lương (Nghệ An) ngày 27/6/2012. Vào 5h sáng ngày 27/6/2012 người dân thôn 2 xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vây bắt 2 đối tượng trộm chó. Một người chạy thoát, người còn lại bị đánh chết, xe máy bị đốt thành tro. Đối tượng bị đánh chết là Nguyễn Văn Lượng, 32 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên.
4h ngày 29/6, tại xóm 6, xã Nghi Kim, TP Vinh, dân vây bắt Nguyễn Văn Hiền (1987), xóm 2, xã Nghi Trung về hành vi câu trộm chó. Hậu quả, Hiền bị đánh hội đồng trọng thương, xe máy bị đốt cháy.
Chưa bao giờ mà nạn thanh niên đi xe máy bắt trộm chó để bán (nhiều người gọi là “cẩu tặc”) trở thành tệ nạn nhức nhối như hiện nay, cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức xã hội.
Dĩ nhiên chúng tôi, cũng như bất cứ người nào khác, đều không đồng tình với hành vi này và muốn những người vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, việc người dân tổ chức vây bắt (có nơi còn lập rào chắn “giới nghiêm” như một số xã ở Nghi Lộc, Nghệ An) rồi đánh đập, lột quần áo, giết chết người ăn trộm chó, đốt xe máy là hành vi tàn ác, cần phải khẩn cấp có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không thể để nó lan thành “dịch” đồng hành với nạn trộm chó.
Các bị cáo Cương, Tình, Thắng, Thiện (xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội giết chết hai thanh niên ăn trộm chó (nguồn: internet). |
Điều nguy hiểm là có sự “bật đèn xanh”, thậm chí cổ vũ, khuyến khích cho hành vi phạm pháp, đối xử tàn ác với kẻ cùng đường, coi rẻ tính mạng con người. Chúng tôi không bảo vệ cho hành vi trộm cắp, song không vì thế mà đồng tình với hành vi đánh giết người, lăng nhục con người, huỷ hoại tài sản, nấp sau tấm bình phong “cả làng”.
Chỉ vì mấy con chó mà người ta nỡ/dám ra tay lấy mạng người, nghe thật chua xót. Hành vi đám đông hò hét dồn kẻ cùng đường vào chỗ chết có cái gì đó man rợ, đê hèn, trái ngược với truyền thống nhân văn, cao thượng của dân tộc. Xét cho cùng, đây chỉ là hành vi mang tính kích động, manh động nhất thời của đám đông. Kẻ ăn trộm con chó thì bị truy đuổi, đánh đập đến chết, còn có nhiều kẻ “ăn trộm” lượng của cải rất lớn (tham nhũng), thì không thấy có thái độ gì, chỉ cam chịu hoặc mặc kệ. Người xưa đã đúc kết: “Mèo tha miếng thịt xôn xao. Kễnh (cọp) tha con lợn thì nào thấy chi” hay “Mèo tha thịt mỡ thì la. Kễnh tha con lợn cả nhà im hơi!”, xem ra thật chí lí.
Một bộ phận người Việt xưa là thế, chỉ hành vi nào động chạm trực tiếp đến quyền lợi của mình (dù rất nhỏ) thì mới phản ứng, còn những mối nguy hại lớn đối với cộng đồng thì “kệ cha ma trơi với đuốc” (không chấp).
Không thể nói cộng đồng nào đó là văn minh, dân trí cao, nếu còn ứng xử như vậy!
Một nghịch lý là chính hành vi trái quy định của pháp luật (thả rông chó) của người dân đã góp phần tiếp tay cho nạn trộm chó. Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ NNN&PTNT “Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật” quy định: “Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng”. Nếu không chấp hành quy định trên, người nuôi chó có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010).
Nếu người dân tuân thủ các quy định trên đây, không thả rông chó thì nạn “cẩu tặc” hết đất sống.
Việc người dân tùy tiện vây bắt, đánh giết người trộm chó nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho những hành vi phạm pháp nhân danh số đông, tập thể, tạo ra kiểu hành xử thiếu nhân tính, vô cảm trong cộng đồng. Xét cho cùng, đây là biểu hiện của cách nghĩ, cách làm mang đậm màu sắc tiểu nông, làng xã, tưởng đã vĩnh viễn lùi vào quá vãng. Người Việt xưa quan niệm, cái gì mà “cả làng” đều có, đều làm thì không xấu, không còn đáng trách: “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt riêng mình em đâu”.
Một số cơ quan bảo vệ pháp luật cũng còn có phần nương nhẹ, bỏ qua với hành vi này, coi hậu quả mà những thanh niên ăn trộm chó phải chịu là “đáng đời”. Nếu quyết liệt điều tra, sẽ không khó để tìm ra những người phải chịu trách nhiệm. Tại sao những vụ nhiều người dân đốt xe công an thì đều điều tra có kết quả, còn nhiều vụ dân đánh chết kẻ trộm thì lại không tìm ra manh mối? Quan niệm này vô hình trung khuyến khích cái ác và việc bất chấp pháp luật trong cộng đồng.
Việc công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tích cực điều tra, buộc một số đối tượng đánh chết kẻ trộm chó tại xã Xuân Giang vào tháng 8/2009 phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật là một việc làm tích cực, cần được triển khai nhân rộng.
Để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi trộm chó cũng như những hành vi phạm pháp, tiêu cực khác, thiết nghĩ cần tiến hành song song biện pháp “chữa triệu chứng” và “chữa gốc bệnh”. Đó là sự vào cuộc đều tay của các cơ quan bảo vệ pháp luật và toàn xã hội, xử lý nghiêm những hành vi phạm pháp, cảm hoá, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho những kẻ cùng đường, đồng thời phát huy cách ứng xử văn minh, truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc.
Theo Tamnhin.net