Xét xử “đại án” Huyền Như cùng đồng bọn lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: Có dấu hiệu tội “tham ô tài sản”

Thứ sáu - 09/06/2017 07:23
Ngày 6.1, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, chi nhánh TPHCM) cùng 22 đồng bọn, lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng. Các luật sư đề nghị triệu tập các quan chức của VietinBank và cựu lãnh đạo ngân hàng ACB.


Huyền Như tại phiên tòa. Ảnh: Phùng Bắc

Cần thiết sẽ triệu tập “quan chức” ngân hàng!
Ngay phần đầu phiên xử, các luật sư đã đồng loạt cho rằng, cần hoãn phiên tòa, đưa ra đề nghị triệu tập nhiều quan chức của VietinBank cũng như cựu các quan chức Ngân hàng ACB, gồm các vị là CTHĐQT, Tổng GĐ, kế toán trưởng của Vietinbank. Lý do mà luật sư nêu : “Do Cơ quan điều tra xác định Huyền Như không có trách nhiệm quản lý tiền, cần xác định trách nhiệm quản lý tiền gửi tại VietinBank, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Huyền Như cũng như các cá nhân có liên quan đến việc giả chứng từ, rút tiền, chuyển tiền. Đồng thời, xác định các khoản tiền gửi của khách hàng là do VietinBank huy động hay Huyền Như huy động?”. 

Luật sư Trần Đức Hùng cho rằng: “VietinBank cũng đang bị ACB yêu cầu tòa buộc phải trả lại tiền. Hiện tại, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, VietinBank được triệu tập ra tòa thuộc nhóm liên quan đến việc Huyền Như chi trả các khoản nợ, như vậy là chưa đủ. Đề nghị tòa triệu tập GĐ Chi nhánh VietinBank - chi nhánh TPHCM - ông Nguyễn Văn Sẽ, các phó GĐ: Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương, kế toán trưởng”. Theo luật sư, mục đích triệu tập các “quan chức” VietinBank là để làm rõ về việc VietinBank hạch toán các khoản tiền gửi như thế nào, chi lãi suất vượt trần như thế nào, trách nhiệm quản lý tiền gửi tại VietinBank. 

Các nhân viên ACB đều ký hợp đồng tiền gửi và chuyển tiền cho VietinBank chi nhánh TPHCM, nhưng hành vi chiếm đoạt của Huyền Như lại diễn ra tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị triệu tập nguyên là cán bộ lãnh đạo của ACB, gồm: Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang, bởi các cá nhân này đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm trái để Huyền Như rút tiền, gây thiệt hại cho ACB. 

Vụ án này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm hình sự và dân sự của các cá nhân này. Do đó, việc triệu tập các cá nhân này ra tòa sẽ đảm bảo sự khách quan. Tuy nhiên, sau khi HĐXX xem xét, tòa quyết định không hoãn phiên tòa, còn khi nào cần thiết thì tòa sẽ triệu tập các “quan chức” như ý kiến của luật sư.

Chuyên gia lên tiếng!

Liên quan đến phiên tòa, chúng tôi được biết, luật sư Đinh Văn Quế - nguyên thẩm phán, Chánh tòa hình sự TAND Tối cao, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lý luận và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực hình sự-tố tụng hình sự - có văn bản kiến nghị gửi đến TAND TPHCM, Viện KSND TPHCM và HĐXX vụ “đại án” Huyền Như. 

Luật sư Đinh Văn Quế cho biết: “Sau khi nghiên cứu cáo trạng, các kết luận điều tra, các tài liệu về vụ án Huyền Như bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tôi xin có một số ý kiến như sau: Về tội danh đối với Huyền Như, trong vụ án này, các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như làm giả giấy tờ để họ chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ định của Như, sau đó Như chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố là chính xác. 

Tuy nhiên, đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại VietinBank từ một hợp đồng hợp pháp, trong đó có khoản tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB. Sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ VietinBank thì hành vi của Huyền Như không là hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mà hành vi này có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản”.

Luật sư Đinh Văn Quế cho rằng: “Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng, thì ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng và có nghĩa vụ trả lãi cho khách hàng theo thỏa thuận. VietinBank là DN nhà nước;  Huyền Như được bổ nhiệm làm Quyền GĐ Phòng giao dịch thuộc VietinBank, có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ. 

Do có chức vụ, quyền hạn này nên đương nhiên Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của VietinBank. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội “tham ô tài sản”. Tham ô chính là “trộm cắp, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý”.

Ông Đinh Văn Quế nhận định: “Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của VietinBank do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội “tham ô tài sản”, chứ không phải là hành vi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản”.

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 25.1. Hôm nay (7.1), phiên tòa bước vào phần xét hỏi.

Theo Phùng Bắc Lao động

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây