Vụ thảm sát 5 phu trầm: Hé lộ nghi can thứ 4?

Thứ sáu - 09/06/2017 03:31
Tính đến ngày 7/4, tất cả 3 kẻ thủ ác thảm sát 5 phu trầm đều đã lần lượt bị bắt. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin đang hé lộ nghi can thứ 4 (?).

Hai người em gái của Hồ Văn Thành, một trong những kẻ sát hại 5 phu trầm (phía sau là di ảnh của bố anh ta, mặc sắc phục công an và biên phòng).   Ảnh: Nam Cường.

Khẩn trương xác minh

Chiều tối 6/4, trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Lê Quang Công - quyền Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đã ghi nhận lời khai của 3 anh Hoàng Lê Dũng, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Liêm (trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là những nạn nhân vào ngày 22/3 đã bị nhóm Công, Thành, Nguyên khống chế bằng súng AK khi họ đang đi tìm trầm ở một vùng rừng giáp ranh giữa Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với Tà Păng (Lào).

Hôm đó, chúng đã trói họ bằng dây phanh xe máy song 3 người đã may mắn cởi được dây trói chạy thoát. Theo lời khai của nhóm phu trầm này, nhóm gây án có 3 người.

Song theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, nhóm đối tượng có thể có 4 người, bởi đối tượng này đã trình bày với chính quyền sở tại ở Lào là có tham gia khống chế, trói và cướp tài sản của nhóm người anh Dũng, sau đó trở về bản mà không góp tay giết những người trên với các tên Công, Thành, Nguyên.

Một chi tiết nữa, vào khoảng 10 giờ ngày 23/3, đối tượng thứ 4 này sang bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để ăn giỗ, và bị một người dân địa phương đòi nợ.

Đối tượng này lúc đó đã uống nhiều rượu nên nói đã cùng Công, Thành, Nguyên bắt cóc và đòi tiền chuộc rất cao một nhóm người đi tìm trầm quê ở Quảng Bình, lúc nào lấy được tiền thì trả nợ ngay.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng thứ 4 có góp mặt vào vụ thảm sát 5 phu trầm hay không.

Dẫn độ Thạo Ngỏ về Sê Pôn.Ảnh: Phước Trung (BĐBP).

Chuyện ngang trái ở Đồn Biên phòng Cù Bai

Bố của Hồ Văn Thành từng là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai, rồi Trưởng Công an huyện Hướng Hóa. Ông mất đã lâu, nhưng trong tâm trí nhiều người, ông vẫn hiện diện như một người cán bộ tận tụy với dân, một chiến sỹ dũng cảm. Ngang trái thay, 20 năm sau, những người lính trinh sát BĐBP Cù Bai phải tham gia tổ trọng án vây bắt người con của đồn trưởng năm xưa.

Bản biên giới Nguồn Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa). Gia đình Pả Thục (tức Hồ Văn Thành), một trong ba đối tượng giết 5 phu trầm, chạy tán loạn khi chúng tôi xuất hiện. Mất khá nhiều thời gian vất vả trấn an, họ mới chịu ngồi lại bắt chuyện. Và rồi, nước mắt tuôn trào, trên gương mặt vợ dại con thơ, những người anh, người chị, cháu chắt của Thành…

Căn nhà của Hồ Văn Thành nằm chơ vơ giữa vùng thảo nguyên bao la, đóng kín cửa hơn chục ngày nay. Ngó vào qua khe liếp thấy bếp tàn, chiếu chăn lộn xộn.

Hồ Văn Khẳn, hàng xóm, nói: Cả tháng nay chưa thấy Thành về, vợ con thì sang nhà anh trai ở rồi. Khẳn nói chỉ mới biết chuyện qua tivi.

Anh rùng mình: Thành thấp bé nhẹ cân, thỉnh thoảng say rượu nhưng chưa từng gây gổ ai ở bản này. Thế mà giết một lúc 5 người, dã man quá. Tui chưa tin nổi anh ta làm được thế, bị thằng Công nó giật dây thôi.

Phó văn phòng xã Hướng Sơn Đinh Khoa Nguyên dẫn chúng tôi đến trước cửa nhà anh Pả Thiên (anh trai Pả Thục), rồi bất ngờ lùi lại sợ sệt: Nhà báo vào đi, tự mà hỏi thăm, tôi sợ lắm.

Đàn bà trong nhà Pả Thiên chạy tán loạn, trẻ con ngơ ngác. Tôi phải giải thích, trấn an mãi, chị Hồ Pí Thiên (vợ Pả Thiên, chị dâu Thành) mới chịu dẫn vào nhà. Chị Pí Thiên nước mắt ngắn dài: “Tưởng các chú đến bắt luôn vợ con Thành”.

Ba cô em gái kẻ sát nhân ở xa, nghe tin anh trai mình giết người, lặn lội hàng chục cây số về Nguồn Rào. Mấy ngày nay cả nhà thường ôm nhau khóc.

Chị Hồ Thị Tiệp, em gái út, len lén chùi nước mắt: “Tối 3/4, tui ở xã Húc (cách Nguồn Rào 50km), xem tivi thấy anh Thành bị công an còng tay. Biết anh là thủ phạm giết phu trầm dã man mà rụng rời tay chân. Sáng ra vội chạy ngay đến Nguồn Rào. Cả nhà giờ chẳng biết làm sao”.

Nghe Tiệp nói xong, mấy chị em Pí Thiện, Hồ Thị Háu, Hồ Thị Hiền lại khóc gào. Anh Pả Thiên giả vờ nằm ngủ trốn khách lúc này mới vùng dậy vằn mắt: “Khóc lóc cái gì, nó làm thì nó chịu. Nhà có thiếu ăn thiếu mặc gì đâu”. Rồi Pả Thiên nói: Tui làm anh nó, giờ chỉ cúi đầu mong được gia đình các phu trầm tha tội.

Và lúc này, trong khe cửa bếp, một cặp mắt len lén nhìn ra, run rẩy. Pả Thiên la lớn: Ra đây cho các anh hỏi chuyện. Đó là chị Hồ Thị Pê - vợ Pả Thục. Hồ Thị Pê vừa khóc vừa kể: Hồi mới cưới nhau thì chí thú làm ăn, nhưng gần đây hay đi về thất thường. Cả tháng nay hai vợ chồng không gặp nhau. Buồn lắm!

Hơn chục ngày nay, ba mẹ con Hồ Thị Pê sang nương náu tạm bên nhà anh chị Pả Thiên bởi cả nhà không còn một hạt gạo ăn. 5 năm trước, hộ của Hồ Văn Thành được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo, mới trả được 1,5 triệu.

Rẫy cà phê quanh nhà cũng do chị Pê trồng và chăm bón. Thành ngày ngày lên rừng đánh bẫy và làm bạn với Công “đại ca” ở Tà Rùng. Tôi lấy máy ảnh, mở ảnh đối tượng giết người ra cho chị Pê xem. Nhìn thấy mặt chồng mình, chị chết lặng, không thốt được lời nào. Còn cô bé 9 tuổi Hồ Thị Thơm, con gái út của Thành, sà xuống xem ảnh bố, mà không hiểu chuyện gì.

Đứa con lạc loài

Căn nhà của sát thủ Hồ Văn Thành giữa đại ngàn.
 

Trưởng bản Nguồn Rào Hồ Văn Hiến bận đi rẫy, nghe nói có chúng tôi lên, tất tả chạy về: “Tui bàng hoàng, cả thôn bàng hoàng. Trước nay tui có nghe tiếng Thành hay qua lại với Hồ Văn Công nhưng cũng chưa biểu hiện gì xấu. Tui phận làm cháu, nhỏ tuổi hơn, về vai vế kêu Thành bằng chú, nhưng vẫn phải lấy trách nhiệm trưởng thôn nhiều lần nhắc nhở Thành, bởi Hồ Văn Công thì cả vùng biên giới này biết là hắn vào rừng, giả vờ bẫy thú để trấn lột người làm trầm”.

Một cán bộ xã Hướng Sơn buồn bã kể với chúng tôi: Thật quá đau xót cho gia đình Hồ Văn Thành. Mấy anh chị em hắn đều tử tế, sống chưa gây điều tiếng gì. Riêng Thành từ ngày kết thân với thằng Công ở Tà Rùng đâm ra hư đốn. Rượu chè be bét, nhiễm tính ngông nghênh.

Vị cán bộ này tiết lộ: Bố Thành mất cách đây 20 năm. Trước đây, ông cụ là niềm tự hào của cả xã. Khởi đầu là lính biên phòng, sau ông lên chức Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai rồi sau đó là Trưởng Công an huyện Hướng Hóa.

Ông mất đã lâu, nhưng trong tâm trí nhiều người, ông vẫn hiện diện như một người cán bộ tận tụy với dân, một cán bộ biên phòng, công an dũng cảm trong công tác tầm nã tội phạm. Ngang trái thay, 20 năm sau, chính những người lính trinh sát BĐBP Cù Bai phải tham gia vào tổ trọng án vây bắt người con của đồn trưởng năm xưa.

Anh Pí Thiên nuốt nước mắt nhìn di ảnh người cha trên bàn thờ, mặc sắc phục công an, thở dài: “Thành bây giờ là đứa lạc loài trong gia đình. Nó đáng chết thì phải chết, cũng bởi bận làm nương rẫy quá mà tui không để ý đến em trai. Gần 40 tuổi đầu rồi nhưng nó còn dại dột lắm, đôi lúc hành động bột phát như con thú hoang trong rừng”.

Cảm ơn báo Tiền Phong đã thông tin chính xác, nhân văn

Ngày 5/4, thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh BĐBP, Đại tá Nguyễn Trọng Tiềng - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị đã trao thưởng nóng 25 triệu đồng cho Ban chuyên án 313G bởi đã nhanh chóng phá án thành công vụ thảm sát 5 phu trầm người Quảng Bình.

Đại tá Nguyễn Trọng Tiềng chúc mừng chiến công của tập thể ban chuyên án và cho rằng đây là vụ án làm rúng động dư luận cả nước nên việc phá được án đã làm nức lòng nhân dân.

Đại tá Tiềng cảm ơn sự tiếp cận nhanh nhạy, chính xác của các phóng viên báo chí đã thông tin về hoạt động của ban chuyên án nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng. Đặc biệt, Đại tá Tiềng cảm ơn báo Tiền Phong kịp thời thông tin một cách chính xác và nhân văn về chuyên án 313G.

Theo Nam Cường - Hữu Thành (Tiền Phong)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây