Trước sự việc trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - Bộ LĐTBXH đã yêu cầu Cty cổ phần Vạn Xuân (Vivaxan) và Cty cổ phần thương mại tổng hợp Vũng Tàu (Getraco) báo cáo. Tuy nhiên, với những diễn biến cho thấy xuất hiện dấu hiệu lừa đảo đưa người ra nước ngoài trái phép.
Người nhà nói có, doanh nghiệp bảo không
Ngày 15.2.2012, bà Nguyễn Thị Bính (mẹ lao động Toại) đã gửi đơn đến Cục QLLĐNN, cho biết con bà là Nguyễn Thị Toại - sinh năm 1980, quê tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, xuất cảnh đi Saudi Arabia làm giúp việc gia đình từ ngày 5.9.2009. Theo bà Bính thì chị Toại được bà Trần Thị Khánh Ninh - GĐ chi nhánh Cty cổ phần Vạn Xuân (Vivaxan) Hà Nội (có địa chỉ tại số 9, ngõ 176 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đưa đi. Cũng theo bà Bính thì ngày 14.2.2012, bà đã đến văn phòng Cty Vivaxan yêu cầu bà Ninh điện thoại sang Saudi Arabia để nói chuyện với con gái. Tuy nhiên sau khi nói chuyện thì bà Bính khẳng định người nghe điện thoại ở nước ngoài không phải con gái bà.
Cùng với thông tin này, thời điểm đưa chị Toại đi làm việc ở Saudi Arabia thì bà Ninh đang làm việc tại Getraco và là người trực tiếp đưa đoàn lao động Việt Nam, trong đó có chị Toại xuất cảnh tại sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, ngoài thông tin trên do bà Bính cung cấp thì gia đình không có giấy tờ, hợp đồng nào liên quan đến việc chị Nguyễn Thị Toại đi xuất khẩu lao động.
Để làm rõ thông tin này, Cục QLLĐNN đã có văn bản yêu cầu Cty Vivaxan và Getraco làm rõ, báo cáo và giải quyết dứt điểm. Ngày 15.2 vừa qua, 2 Cty trên đã có văn bản chính thức báo cáo kết quả xác minh thông tin liên quan đến lao động Nguyễn Thị Toại và khẳng định rằng họ không tuyển chọn và đưa chị Toại đi làm việc ở Saudi Arabia.
Trao đổi trực tiếp với PV Lao Động ngày 20.2, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó TGĐ Cty CP thương mại tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu - Getraco khẳng định: Chi nhánh của Getraco tại Hà Nội không có chức năng ký hợp đồng và làm thủ tục cho lao động xuất khẩu, mà là Cty mẹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Dung một lần nữa khẳng định: “Trong tất cả các hồ sơ người lao động được đưa đi làm việc tại Saudi Arabia mà Cty đang quản lý, không có trường hợp lao động Nguyễn Thị Toại quê Cẩm Xuyên, Nghệ Tĩnh!”. Theo bà Dung thì ông Lê Đức Tuấn - GĐ chi nhánh Cty tại Hà Nội – cũng khẳng định không hề ký kết với lao động Nguyễn Thị Toại.
Có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép
Theo đại diện Cục QLLĐNN cho biết, qua tiếp xúc với người nhà lao động, cục thấy đây là vụ việc phức tạp có dấu hiệu lừa đảo. Phân tích ban đầu của cơ quan này đưa ra là có thể chị Toại đã đi lao động mà không qua hệ thống của DN XKLĐ do cục quản lý. Do vậy, cơ quan này đã có công văn gửi Ban Quản lý lao động VN tại Saudi Arabia liên hệ với các cơ quan chức năng của phía Saudi Arabia, đặc biệt là với chủ sử dụng lao động, kiểm tra hồ sơ lưu giữ tại Đại sứ quán VN tại đây (nếu có) để thu thập tài liệu, báo cáo về cục.
Tuy nhiên, diễn biến bất thường trong vụ này là theo báo cáo thì lao động Toại đi không có hợp đồng, không biết đi bằng đường nào và hiện không có những giấy tờ liên quan. Đại diện Cục QLLĐNN cho biết vụ việc mang tính chất lừa đảo cá nhân, vì thời điểm đó cả 2 Cty là Vivaxan và Getraco không có giấy phép và cũng không có trong danh sách tuyển lao động đi giúp việc gia đình tại Saudi Arabia. Như vậy, có thể khẳng định rằng cả Vivaxan và Gentraco đều không được phép đưa lao động đi làm giúp việc tại Saudi Arabia.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho rằng, từ trước đến khi dừng hoạt động chi nhánh tại Hà Nội (tháng 5.2011) thì Getraco chỉ có 2 địa chỉ chi nhánh: Đầu tiên chi nhánh đặt tại số 25 Linh Lang (Q.Ba Đình - Hà Nội). Tới năm 2009 thì chi nhánh rời đến số 506 nhà 7 tầng C3, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội. “Cty không có quyết định nào cũng như không có cơ sở nào đặt tại số 9, ngõ 176 phố Mai Dịch cả! Ông Tuấn là GĐ chi nhánh nhưng cũng không có thẩm quyền để lập trung tâm đào tạo trực thuộc chi nhánh!” - bà Dung nói
Với những diễn biến này thì Cục QLLĐNN cho rằng đây là vụ việc có dấu hiệu cá nhân lợi dụng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân ra nước ngoài trái phép. Do vậy, cục này đã có công văn gửi Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) làm việc với các đơn vị phía Saudi Arabia thông qua đường ngoại giao để xác định hiện tại chị Toại có ở Saudi Arabia hay không? Nếu xác minh chị Toại đang ở Saudi Arabia thì đề nghị tạo điều kiện giải quyết thủ tục để chị Toại về nước an toàn.
Đại sứ quán Việt Nam khẩn trương tìm kiếm thông tin. Ngày 20.2, một quan chức Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cho hay, ngay sau khi biết tin lao động Nguyễn Thị Toại tại Saudi Arabia mất liên lạc với gia đình suốt 27 tháng qua, ĐSQ cử ngay người xuống tận khu vực được cho là nơi chị Toại làm việc tại Saudi Arabia; đồng thời liên hệ với mọi đầu mối thông tin để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin thêm về vụ việc. Quan chức trên cho hay khi đưa chị Toại sang Saudi Arabia, cơ quan lao động chịu trách nhiệm về lao động này không báo cáo cho ĐSQ biết và chỉ đến khi gia đình chị Toại làm đơn kêu cứu, ĐSQ mới biết tin để triển khai các công tác giúp đỡ. Theo quan chức này, hiện tượng các công ty lao động đưa người Việt Nam sang Saudi Arabia làm việc mà không báo cáo cho ĐSQ sở tại... là khá phổ biến, do đó gây rất nhiều khó khăn cho ĐSQ trong công tác bảo hộ công dân. T.T |
Theo Laodong.vn