Chủ tịch, bí thư, cán bộ địa chính, kế toán đều bất ngờ bệnh tật
Người dân trong xã có thể kể rõ vanh vách những gia đình, dòng họ có người chết nối tiếp nhau do ung thư: Dòng họ Hoàng ở thôn 1 Thanh Mỹ, dòng họ Trần tại thôn 1 Thanh Tân; các cặp vợ chồng ông Trần Bình - bà Nguyễn Thị Em, anh Nguyễn Văn Sum - chị Lê Thị Phới; anh em ông Hoàng Nâm, Hoàng Càng, Hoàng Sô, Hoàng Quang Sỹ, Hoàng Quang Định…
Nơi bị một số người cho rằng “san lấp làm gãy long mạch làng” |
Cụ Nguyễn Xuân Kình (83 tuổi) một cao niên ở thôn 2 Thanh Mỹ chép miệng: “Xưa ung thư trong xã có đâu, khoảng hơn mươi năm trở lại đây người chết ung thư mới liên tục. Chẳng ai hiểu do làm cái gì, ăn uống cái gì mà sinh ra như vậy. Cứ nghe ai chết là bà con lại kháo nhau hỏi ung thư gì?”.
Thống kê của trạm y tế xã Thanh Thuỷ cho thấy số lượng người chết vì ung thư trong những năm qua tăng lên gấp bốn lần so với những năm trước năm 2000. Chiếm đại đa số là những cái chết do ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày.
Không tìm đến những cách lý giải khoa học, một số người ngay lập tức "vin" vào chuyện… tâm linh.
Ngược dòng thời gian, vào những năm 1999 - 2000, cán bộ xã khi ấy muốn tận dụng mặt tiền đường Quốc lộ 1A đoạn từ chợ Cưỡi lên cầu Đôi, đã có sáng kiến cho xe chở cát về đổ nền ven hai bên đường bán đấu giá. Những khu vực đó vốn là một vùng trũng bùn lầy ngập ngụa bèo dâu, người dân không trồng lúa được.
Sáng kiến đổ cát để bán đấu giá nền đất được Hội đồng nhân dân xã nhất trí thông qua. Một ngày nọ, khi các xe cát đang nối đuôi nhau đổ đất lên các vùng bùn trũng ấy, một ông già ăn mặc rách rưới không rõ từ đâu đến, qua đây chợt đứng lại nhìn, bâng quơ nói:
“Mấy người lấp đất chỗ ấy, sau này kiểu gì vùng này cũng có lắm người chết”. Nói rồi ông cụ bỏ đi, mà người ta cũng chẳng cần để ý đến những lời nói vu vơ của ông lão rách rưới ấy.
Một năm sau đó, căn bệnh ung thư chết người bắt đầu hoành hành, “mở màn” là ca ung thư gan với anh Dương Văn Xuý tại thôn 2 Thanh Mỹ, tiếp đến lan ra khắp các thôn 1, thôn 2, thôn 3 Thanh Tân. Từ ung thư gan, rồi đến ung thư phổi, ung thư cuống họng, ung thư dạ dày...
Nguồn nước tại địa phương bị nhiễm phèn nặng |
Chết từ chồng sang vợ, từ anh sang em, cha sang con và dần dần lan ra với cả dòng tộc. Người ta bắt đầu nhớ lại lời ông lão rách rưới đó.
Điều gây ra hoang mang cho nhiều người dân trong xã chính là những cái chết của những cán bộ xã đã có ý tưởng, tổ chức lấp đất san nền. Sau khi san nền tổ chức bán đấu giá các lô đất, lần lượt các vị nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên bí thư Đảng uỷ xã đột ngột mắc bệnh ung thư, gia đình chạy chữa thuốc khắp nơi đều không qua khỏi.
Tiếp đó là một cán bộ địa chính và một kế toán xã cũng lần lượt qua đời vì ung thư. Một số người khi ấy cho rằng chính quyết định lấp đất san nền của những người này đã làm “gãy long mạch”, bị “thần thổ địa trừng phạt”.
Con số chết vì ung thư cứ thế kéo dài ra mãi cho đến hôm nay. Điều làm nhiều người băn khoăn là Thanh Thuỷ vốn là địa phương có môi trường xanh sạch trong lành, không ô nhiễm bụi khói mịt mù, không nhiều nhà máy xả chất độc hại…
Nữ sinh viên tự lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm
Không nghĩ như những người mê tín, nhiều người nghi ngờ nguyên nhân do nguồn nước, bởi y học đã chứng minh, ung thư gan là căn bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng người dân địa phương, đều chủ yếu do nguồn nước sinh hoạt không tốt.
Nữ sinh tự mang các mẫu nước đi kiểm nghiệm. |
Một số ý kiến trình lên lãnh đạo xã yêu cầu phải kiểm tra nguồn nước. Trước kiến nghị của UBND xã, năm 2009, một đoàn công tác huyện đã về lấy 7 mẫu nước tại địa phương để đưa đi xét nghiệm. Người dân khấp khởi vui mừng chờ đợi kết quả trả về, nhưng mãi đến nay vẫn chẳng thấy.
Khảo sát của Xa lộ Pháp luật tại một số giếng nước sinh hoạt của các hộ gia đình tại địa phương này, nguồn nước giếng ở đây bị nhiễm phèn rất nặng. Người địa phương cho hay, sau những đợt lũ lụt liên tiếp ập đến vào năm 2000, các giếng nước bắt đầu bị nhiễm phèn trầm trọng. Không cải tạo được, một số gia đình đã dùng phương pháp nối ống ngầm trực tiếp ra các cồn cát để lấy nước, một số vẫn chấp nhận dùng nguồn nước nhiễm độc.
Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội Đông y xã Thanh Thuỷ cho rằng, việc lấp đất san nền tại khu vực đường Quốc lộ 1A cũng có phần ảnh hưởng đến việc người dân mắc bệnh ung thư, nhưng chắc chắn không phải do “gãy long mạch” như đồn đoán.
Đó là do khi lấp đất, vô tình đã làm ngưng tụ nước lũ. Nước lũ không thoát được, lâu ngày sinh ra phèn nặng, nhiễm đủ thứ tạp chất, đầu độc nguồn nước sinh hoạt của mọi người, gây ra các bệnh trên.
Một nguyên nhân nữa theo bà Bé nhận định, đó là do thói quen ăn uống cẩu thả mất vệ sinh của một số người, trong khi nguồn thực phẩm ngày càng bị tiêm nhiễm các hoá chất độc hại, ăn uống lâu ngày tích tụ chất độc trong cơ thể.
Cuối năm 2011, Phan Quỳnh Mai, sinh viên chuyên ngành Sư phạm Hoá của Trường Đại học Sư phạm Huế, do trăn trở trước những cái chết vì ung thư tại địa phương đã tự mình thu thập 3 mẫu nước khác nhau, gửi đi kiểm nghiệm tại phòng Hoá - Quang Phổ (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam).
Nữ sinh này cho biết, qua phân tích các mẫu nước, cho thấy nồng độ pH và các chất oxy hoá đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư hay không, cán bộ xét nghiệm chưa thể khẳng định, nhưng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, có nguy cơ mắc nhiều thứ bệnh.
Những nhận định nêu trên đã khẳng định những lời đồn đoán ung thư tại địa phương do lấp đất san nền làm “gãy long mạch” là không chính xác, mê tín dị đoan, thiếu hoa học.
Theo Pháp luật Việt Nam
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn