Cơ hội làm dâu Hàn không của riêng ai
Th. dặn đi dặn lại: “Chị phải có mặt đúng ngày đấy. Mối này là “người nhà” của họ, trắng trẻo, cao to lại có điều kiện. Họ “nhắm” cho chị rồi nên chị phải chắc chắn đi không em mất uy tín lắm. Em giới thiệu cho chị vì đám cưới vừa xong của em với một người Hàn Quốc cũng là qua mối này đấy”.
Tới gần ngày rể về ra mắt, Th. ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện nhắc nhở để tránh trường hợp người đi tuyển vì công việc mà quên. Thông qua người mai mối, mỗi người đi tuyển còn phải photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình và xin giấy xác nhận từ phía công an xã về tình trạng hôn nhân cũng như lý lịch bản thân để họ mang đi dịch trước sang tiếng Hàn Quốc, làm hồ sơ giữ chân người đi tuyển theo mối của riêng họ cho tới khi “ván đóng thuyền”.
8h sáng, tôi có mặt tại địa điểm đã được hẹn trước để xem mặt “chồng tương lai”. Cứ ngỡ rể này đã được đóng đinh cho mình nhưng khi bước chân vào phòng chờ, tôi không khỏi ngạc nhiên vì có hơn chục cô gái đã ngồi sẵn ở đó, cũng đang hồi hộp chờ rể “trắng trẻo, cao to lại có điều kiện” tới. Mỗi người mỗi vẻ. Họ đưa mắt nhìn tôi rồi lại nhanh chóng trở về với câu chuyện đời, chuyện người mà mình đang bàn tán với những người xung quanh.
Trong lúc chờ đợi chàng rể "trắng trẻo, cao to lại có điều kiện tới" các cô gái tranh thủ buôn đủ thứ chuyện. |
Quay sang phía bà mối định hỏi nhưng tôi chỉ nhận được cái hất hàm: Những người này họ cũng đi tuyển, đợi tầm nửa tiếng nữa thì sẽ có hai rể tới. Mối còn rỉ tai tôi: “Khi họ hỏi vì sao lại đi lấy chồng Hàn Quốc đã biết trả lời thế nào chưa?”. Tôi lắc đầu. Bà mối lại liến thoắng: “Cứ bảo vì trai Việt Nam nghèo và hay đánh vợ là được”.
Nói tới đây, bà mối lại tíu tít với những cuộc điện thoại mà người gọi là những cô gái tới tuyển chồng Hàn nhưng chưa tìm được địa chỉ. Cuộc điện thoại này chưa dứt lại có cuộc điện thoại khác. Cô gái nào gọi điện hủy lịch sẽ nhận về cho mình những lời mắng mỏ. Các bà mối cũng chia thành các cấp. Ở cấp nhỏ hơn, mỗi người sẽ đi kèm theo 1 đến 2 cô gái.
Trong số những cô gái tới đây, có những người đã ở cái tuổi gần 40, có những người vừa tốt nghiệp cấp 3; nhiều người ở tận Quảng Ninh, Thái Bình… cũng bắt xe khách vượt chặng đường xa hàng trăm cây số sang tận Hải Phòng để tham gia buổi tuyển chồng.
Có chị quê ở Thái Bình mặt xanh như tàu lá chuối vì… say xe nhưng vẫn cố tỏ ra vui vẻ để không làm mất lòng bà mối. Những cô gái có mặt trong buổi tuyển hôm đó, hầu hết họ đều qua những người đã từng đi tuyển trước “dẫn lối đưa đường” để gặp các Tú bà. Họ “nhắm mắt đưa chân”, tự đặt cược số phận mình trong mỗi lần đi tuyển như thế mà không biết tương lai sẽ đưa đẩy mình theo con đường như thế nào.
Những lần đeo bám, những cuộc hội ngộ
Tôi từ chối làm dâu Hàn để lại tiếp tục “phiêu” ở những địa điểm khác vì theo thông tin từ chính những người có kinh nghiệm đi tuyển thì “Bây giờ khó khăn hơn ngày trước thật đấy nhưng ngày nào cũng có ấy đợt tuyển ấy mà, chỉ có điều họ không báo trước địa điểm cho mình thôi”.
Tôi yên tâm ra về và không quên để lại số điện thoại cho một bà mối. Vừa bước chân khỏi “lãnh địa” ấy, tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một bà mối. Lại là những lời ngọt ngào, những câu tâm sự chân thành như chị em. Một bức tranh hoàn hảo về cuộc sống nơi xứ Hàn, một mẫu chồng lý tưởng được bà mối vẽ ra về chàng rể mà tôi đã từ chối… Khi nhất quyết “cho mình cơ hội lần sau”, tôi đã nhận được không ít lời mắng không mấy thiện chí của bà mối.
Những tưởng mọi chuyện sẽ đi vào “ngõ cụt” nhưng buổi tối hôm đó tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo địa điểm và giờ giấc cho cuộc tuyển chồng sẽ diễn ra ngay ngày hôm sau. Vẫn là những câu từ ngọt ngào để giữ chân người tham gia tuyển.
Có mặt trong một buổi tuyển khác, tôi tình cờ gặp lại một vài gương mặt đã cùng mình tham gia “tuyển chồng” trong buổi hôm qua. Quan sát, tôi thấy nhiều người cũng đang cười nói vui vẻ với nhau bởi cuộc hội ngộ “không hẹn mà tới”. Lúc này, câu chuyện cuộc đời được họ trải lòng hơn vì dù sao cũng đã một lần gặp gỡ lại cùng cảnh ngộ bị… trượt.
Nhà hàng Th.V (Thủy Nguyên, Hải Phòng) hôm nay đông hơn mọi ngày vì có tới gần 50 cô gái “dập dìu” đi tuyển chồng ngoại. Mỗi người một câu chuyện, nhà hàng trở nên ồn ào. “Hôm nay là ngày thường chứ vào thứ 7, chủ nhật lượng này còn tăng hơn” – nhún vai, H. tâm sự.
Trong phòng của nhà hàng Th.V (Thủy Nguyên, Hải Phòng) một nhóm cô gái và những người mai mối đang hồi hộp chờ tới lượt mình. |
H. cũng ở cái tuổi “bom nổ chậm”, cô không đếm được mình đã tham gia bao nhiêu lần tuyển chồng. Cũng đã có lần “lọt mắt xanh” của một trai Hàn gần 50 tuổi nhưng H. không ưng vì tính ra như thế rể chỉ kém bố H. một tuổi. Từ chối “vận may” vừa đến, cô lại tiếp tục “đánh võng” cùng các Tú bà trong những lần tuyển khác để đánh cược cho hạnh phúc của mình. Đã có lúc H. nản và muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ tới cuộc sống gia đình ngột ngạt của mình hiện tại, H. lại nhắm mắt đưa đôi tay mình để các bà mối dẫn đi.
Hai người bước vào trong ra mắt rể Hàn, bên ngoài các cô gái và bà mối cũng hồi hộp, đứng chen chân ngay trước cửa để nghe ngóng. Họ vô tư cười nói khiến cả căn phòng ồn ào. Ở một khu khác của Th.V, một nhóm hơn 20 cô gái Việt và bà mối cũng đang ngồi chờ bên ngoài để tới lượt mình vào xem mặt. Cứ một người bước ra lại một vài người xúm tới hỏi han: “Rể thế nào?”, “Họ có ưng mình không?”, “Già hay trẻ?”…
Trong khuôn viên nhà hàng, một nhóm người khác hơn 20 người cũng đang hồi hộp không kém để chờ ra mắt một rể khác |
Cơ chế “loại trực tiếp” khiến nhiều cô gái buồn bã ra về. Một người được chọn thì có tới mười Tú bà vây xung quanh hết tư vấn lại hỏi han rồi khuyên bảo, cốt sao để cô gái đồng ý. Như thế coi như cuộc “đưa người qua sông” của họ đã thành công.
Xe dựng chật sân, những cô gái không trúng tuyển buồn bã ra về. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn