Vụ vận chuyển gần 400kg động vật hoang giả (tê tê) vừa bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường Công an Hà Tĩnh bắt giữ |
Lực lượng công an Môi trường Hà Tĩnh đã bố trí mai phục trên QL 8, địa phận xã Đức Long (Đức Thọ) ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra. Hòng thoát thân, tài xế đã nhấn ga bỏ chạy. Phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an mới bắt được chiếc xe.
Tiếp đó, khoảng 11 giờ trưa ngày 26/12, Nguyễn Văn Linh (SN 1985), trú ở xã Sơn Kim I (Hương Sơn) đã điều khiển xe ô tô tải BKS 37N – 6498 chở gần 1.900 kg động vật (rùa đá, kỳ đà hoa, rắn) “vượt” Trạm kiểm soát liên hợp Cầu Kè ở xã Sơn Diệm (Hương Sơn). Nhưng, Linh đã bị lực lượng của Đội chống buôn lậu Phòng PC46 và Trạm kiểm soát liên hợp Cầu Kè tóm gọn. Đây chỉ là 2 trong số 7 vụ vận chuyển động vật hoang dã xuất phát từ Hương Sơn chủ yếu là tê tê bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong tháng cuối năm 2011, trong đó các lực lượng hải quan, biên phòng và Công an Hà Tĩnh bắt giữ 5 vụ, còn lại là lực lượng công an của Bộ Công an và cơ quan chức năng Thanh Hóa và Ninh Bình bắt giữ.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Linh lại dám ngang nhiên dùng xe tải chở một khối lượng lớn động vật không có giấy tờ hợp pháp qua trạm kiểm soát liên ngành Cầu Kè giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy?. Liệu có sự thông đồng, bảo kê cho việc vận chuyển, buôn bán số động vật trên (?).
Lợi nhuận cao, đường vận chuyển khá thuận lợi nên nhiều đầu lậu đã móc nối mua động vật hoang dã từ Lào, Malaysia về, rồi thuê cửa vạn cắt rừng, mang vác theo đường tiểu ngạch, tránh các chốt chặn của ngành chức năng để tập kết sâu trong nội địa. Sau đó, các đầu nậu lại thuê xe máy vận chuyển đến các vị trí tập trên QL 8, đường Hồ Chí Minh ở Hà Tĩnh và Nghệ An rồi mới dùng ô tô vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc.
Có đủ loại từ xe tải, xe 4 chỗ ngồi mang biển số xanh, biển số 80 B (biển giả) được dùng để vận chuyển. Và, khi hàng hóa nằm gọn trong cốp xe, những chiếc xe này lại “hồn nhiên” lưu thông trên đường khiến việc phát hiện và bắt giữ trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, để tránh rủi ro, có đầu lậu xé lẻ hàng, thuê xe máy chở thẳng động vật hoang dã ra Hà Nội, Quảng Ninh…, một số đầu lậu ở huyện Hương Sơn đã lùng mua mua tê tê ở các cửa khẩu khác trong khu vực.
Chi cục Trưởng Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Đinh Văn Hòa phân tích: “Đây là khu vực rừng núi, lại trải dài dọc theo QL 8A khoảng 40 km, tuyến biên giới có nhiều đường tiểu ngạch. Trong khu kinh tế có nhiều tuyến đường ngang, ngõ dọc nên việc tuần tra, chốt chặn hết sức khó khăn; quân số các ngành chức năng lại mỏng, ăn ở tạm bợ (phải thuê nhà dân ở) nên thường bị “chim lợn” theo dõi kỹ. Nên việc phá các đường dây vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn là hết sức khó khăn, phức tạp”.
Trong khi đó, ông Phan Đình Tuấn, Trạm phó Trạm liên hợp Cầu Kè lại cho rằng: “Chế tài xử phạt người, phương tiện tham gia vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe cao đối với các đầu nậu. Thêm vào đó là việc kiểm tra chỉ được tiến hành khi nhận được tin báo hoặc nghi ngờ có hàng. Tuy nhiên, khó ở chỗ là Trạm chỉ có 2 CSGT nhưng mỗi ca trực chỉ có 1 người nên không thể tùy tiện dừng xe”.
Như vậy, rất khó để ngăn chặn tình trạng này, bởi lợi nhuận lớn khiến các đối tượng bất chấp tất cả. Và, cuộc chiến để giành giữ con tê tê lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn