Điển hình ngày 15-5-2012, xẩy ra cháy xe ô tô khách 54 chỗ ngồi thuộc Công ty TNNH MTV Hữu Tùng tại công trình Cảng Sơn Dương xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) thiêu rụi toàn bộ chiếc xe; nguyên nhân cháy do chập điện trong xe ô tô.
Vụ cháy 3 xe ô tô khách từ 25 đến 29 chỗ ngồi tại nhà ông Trần Mạnh Hồng, thị trấn Hương Khê gây thiệt hại lớn cho gia chủ. Ảnh: qdnd |
Ngày 26-7-2012, tại khu vực bãi nguyên liệu thuộc Công ty CP VLXD Hà Tĩnh ở xã Kỳ Phương xẩy ra cháy xe ô tô tải biển kiểm soát 38C-00750; nguyên nhân do lái xe nâng ben chạm vào hệ thống điện cao thế làm chập điện gây cháy làm lái xe bị thương nặng, xe cháy hoàn toàn.
Mới nhất là vào hồi 1 giờ ngày 27-11-2012, xẩy ra vụ cháy tại nhà ông Trần Mạnh Hồng, thị trấn Hương Khê, thiêu rụi 3 xe ô tô khách từ 25 đến 29 chỗ ngồi, 3 xe máy và 1 căn nhà gỗ cùng tài sản trong nhà, làm bị thương 1 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 3 tỷ đồng... ; nguyên nhân xẩy ra cháy theo cơ quan điều tra ban đầu xác định do chập dây dẫn điện từ bình ắc quy cấp đến khóa xe ô tô gây cháy.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng qua các vụ cháy xe ô tô trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua chủ yếu là do kiến thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lái và chủ xe chủ chưa cao, lúng túng trong công tác cứu chữa, không biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, quá trình cháy gây ra nổ các thiết bị, nhiên liệu như xăng dầu, nếu dùng nước để chữa cháy sẽ gây cháy lan lớn hơn; quá trình vận hành chủ xe ít kiểm tra tình trạng kỷ thuật, do xe đã quá cũ; lực lượng PCCC dân phòng không phát huy được hiệu quả chữa cháy khi có cháy xẩy ra trên địa bàn; bến bãi, nơi đỗ xe không đủ điều kiện về PCCC và CNCH nên khi xẩy ra cháy gây cháy lan lớn, khó khăn cho công tác cứu chữa và thoát nạn...
Qua các vụ cháy nêu trên tại địa bàn tỉnh ta, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh đã đúc rút và khuyến cáo người dân một số bài học là cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về cháy nổ đối với phương tiện giao thông, đặc biệt các phương tiện chở khách, hàng hóa; tại các bến, nơi dừng đỗ xe, tập trung đông người phải thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC, nghiêm cấm việc sử dụng các loại nguồn nhiệt tùy tiện; việc bốc dỡ hàng hóa hàng hóa đúng nơi quy định; sắp xếp, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, có thể cơ động dễ dàng; trang bị những phương tiện PCCC, niêm yết nội quy, tiêu lệnh biển cấm; lập và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ theo đúng quy định.
Cần củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ, lái và chủ xe phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC như: tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH để xử lý kịp thời, có hiệu quả khi có cháy xẩy ra, biết sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị chữa cháy. Các trung tâm đào tại lái xe cần đưa chương trình huấn luyện nghiệp vụ PCCC vào chương trình đào tạo chính khóa theo đúng quy định tại khoản 2, mục XVII thông tư 04/2004/TT-BCA của Bộ Công an (người đứng đầu cơ sở đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên có trách nhiệm đưa nội dung kiến thức PCCC vào trong chương trình đào tạo); lái xe phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC khi lưu thông trên đường.
Phương tiện giao thông phải được bảo dưỡng, bảo trì, sữa chữa khắc phục kịp thời tình trạng kỹ thuật như hệ thống dây dẫn điện không để phát sinh tia lửa, nứt dây cao áp, lỏng đầu chụp bugi; hệ thống nhiên liệu phải đảm bảo không rò rỉ, phụ tùng phải đồng bộ, rõ nguồn gốc, chất lượng đảm bảo; không lắp thêm hệ thống bảo vệ, đèn, còi có công suất lớn hơn và các thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất... trang bị các loại bình chữa cháy phù hợp với từng loại xe, lái xe phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC trước khi được bàn giao xe.
Khi mua nhiên liệu phải mua ở những đại lý lớn đáng tin cậy, khi bơm rót nhiên liệu phải theo dõi, không để đỗ rơi vãi; không để các chất dễ cháy bám trên ống xả và các thiết bị sinh nhiệt và kiểm tra tình trạng kỷ thuật và vệ sinh sạch sẻ trước khi khởi động máy. Chủ phương tiện tham gia mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại nghị định 130/2006/NĐ-CP của chính phủ để khi có cháy xẩy ra gây thiệt hại được hỗ trợ phục vụ công việc tái hoạt động trở lại. Khi có sự cố xẩy ra cháy phải khẩn trương thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và mọi người biết xử lý và tổ chức chữa cháy.
Nếu mọi người đều ý thức được hậu quả thiệt hại do cháy nổ gây ra và nâng cao ý thức đề phòng, cảnh giác thì sẽ hạn chế được tối đa các vụ cháy xẩy ra góp phần đảm bảo ANTT của địa phương, hạn chế được thiệt hại của nhân dân, đồng thời góp phần rất lớn vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn