Nhiều bất thường tố tụng trong vụ án con dâu tranh chấp với "nhà chồng"

Thứ sáu - 09/06/2017 12:32
Trước việc phải hầu tòa, đôi vợ chồng già ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, yêu cầu lên TAND TP Hà Tĩnh nhưng chỉ nhận được những bản trả lời, tư vấn lạ từ vị thẩm phán.
Làm khó đương sự bằng mức phí lạ lùng

Qua nhiều lần làm việc với Tòa án, hai cụ Nguyễn Doãn Đống (87 tuổi) và Nguyễn Thị Nhỏ (77 tuổi) ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn không hiểu nổi việc con trai mình đi lao động nơi xứ người trở về, lập gia đình và xây nhà, khi đã mất được 4 năm thì mới đây đột nhiên xuất hiện một món nợ lớn khó hiểu, có nguy cơ phải bán nhà trả nợ.

Trước sự việc đó, hai cụ đã liên tiếp gửi nhiều đơn đến TAND TP để đề nghị tòa trưng cầu giám định chữ ký của anh Nguyễn Doãn B. trong hợp đồng thế chấp nhà đất mà nguyên đơn lấy làm căn cứ để yêu cầu bán nhà trả nợ cho người đã mất.

Với đề nghị này, ngày 12/10 vừa quaTAND TP Hà Tĩnh do Thẩm phán Trần Đức Chính ký đã ra thông báo số 144/TB-TA, cho “Ông Nguyễn Doãn Đống và Bà Nguyễn Thị Nhỏ biết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này phải đến đến TAND TP Hà Tĩnh để làm thủ tục nộp tiền tạm ứng chi phí giám định số tiền 10 triệu đồng”.

Bản thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí giám định TAND TP Hà Tĩnh gửi đến vợ chồng cụ Đống.

Tuy nhiên, điều khiến bố mẹ người đã mất và phóng viên không khỏi băn khoăn là căn cứ vào đâu để Thẩm phán Trần Đức Chính yêu cầu hai cụ già ở tuổi gần đất xa trời phải nộp tạm ứng chi phí giám định một chữ ký của người đã mất trong hợp đồng thế chấp là 10 triệu đồng - một khoản tiền quá lớn?!

Trong khi đó, tại Thông tư số 50/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính về “Quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí giám định Tư pháp trong lĩnh vực kĩ thuật hình sự” quy định mức thu phí giám định chữ viết, chữ ký đối với một mẫu giám định là 1.820 ngàn đồng (một triệu, tám trăm hai mươi ngàn đồng) và Thông tư cũng nêu rõ “mức thu trong biểu phí không phụ thuộc vào số lượng mẫu so sánh mà tổ chức, cá nhân trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp. Việc cung cấp 01 mẫu so sánh hay nhiều mẫu so sánh không làm thay đổi mức thu phí”. Khi đương sự đưa băn khoăn trên để hỏi, Thẩm phán Trần Đức Chính trả lời: “Đây là Công an thu chứ Tòa nỏ (không – PV) thu nửa xu…”

Bên cạnh đó, theo Điều 58, Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, đương sự trong vụ án dân sự có quyền “Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá” (điểm d, khoản 2, Điều 58) và “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập”. Do vậy, Cụ Đống và cụ Nhỏ đã có đơn đề nghị TANDTP Hà Tĩnh sao chụp giúp tài liệu do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án và các tài liệu mà Tòa án thu thập, do điều kiện tuổi cao sức yếu không thể tự mình thực hiện được. Mọi phí tổn, 2 cụ xin thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán tư vấn đương sự ra toà nước ngoài mà xét xử!

Sau khi nhận được đơn của ông Đống, bà Nhỏ, ngày 2/11 vừa quaTAND Hà Tĩnh trả lời bằng văn bản số 156/2015/VP-TA do Thẩm phán Trần Đức Chính ký: “Theo Điều 17, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì: “Tòa án cung cấp cho đương sự những tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp theo yêu cầu của họ để họ thực hiện việc ghi chép, sao chụp bằng máy ảnh hoặc phương tiện kĩ thuật khác của họ”; “Trong trường hợp đương sự không có máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác để tự mình thực hiện việc sao chụp và nhờ Tòa án sao chụp giúp thì tùy theo các điều kiện cụ thể, lực lượng cán bộ của Tòa án mà có thể sao chụp giúp được thì đương sự phải trả chi phí sao chụp theo quy định chung. Việc sao chụp có thể được thực hiện ngay hoặc có thể trong một thời hạn hợp lý do Tòa ấn định”.

Dựa theo quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên, TAND TP Hà Tĩnh lại trả lời rằng: Hiện nay TAND TP Hà Tĩnh không có lực lượng cán bộ và phương tiện để sao chụp tài liệu giúp đương sự”(?!)

Thẩm phán Trần Đức Chính.

Văn bản này cũng nêu tiếp: “Đã hết thời hạn 10 ngày theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh chi phí giám định mà ông bà không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định thì coi như ông bà đã từ bỏ yêu cầu giám định”; ‘hơn nữa ông bà cũng không nộp tài liệu so sánh để giám định do vậy Tòa án không thực hiện việc trưng cầu giám định”.

Như vậy, bằng văn bản số 156/2015/VP-TA, TAND TP Hà Tĩnh đã chính thức từ chối việc cung cấp hồ sơ vụ án cho bị đơn và từ chối việc trưng cầu giám định chữ ký của người đã mất.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm đến TAND TP Hà Tĩnh để liên hệ làm việc. Trao đổi về những văn bản trên, Thẩm phán Trần Đức Chính cho rằng: "Tất tần tật mọi việc chúng tôi đã trả lời bằng văn bản cho ông Đống và bà Nhỏ rồi. Từ việc cung cấp hồ sơ, photo tài liệu, chi phí giám định... đều có văn bản trả lời gửi ông bà. Ông Đống, bà Nho phải cung cấp cho các anh, các anh không phải đến đây hỏi nữa". Bên cạnh đó, khi phóng viên đề cập việc Tòa án đã ra thông báo số 144/TB-TA, yêu cầu ông Đống và bà Nho nộp 10 triệu đồng tiền chi phí giám định chữ ký, ông Chính đã đề nghị không làm việc nữa.

Khi cụ Đống và cụ Nhỏ nhờ người gọi điện xin ý kiến Thẩm phán về việc hai cụ xin nhận phần thừa kế được hưởng bằng nhà đất để làm nơi thờ tự người đã mất, vị Thẩm phán đã trả lời đại ý rằng: “Làm gì có cái chuyện xin hưởng bằng nhà đất, đi Tòa nào chứ Tòa Việt Nam này không có đâu, Tòa Thành phố này không có đâu”.

(Còn nữa)

Theo Ngọc Tuấn - Thúy Nga ĐSPL

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây