Tuy nhiên, cái chết của bà Hoa dư luận nhiều chiều đối với người dân trên địa bàn. Điều đáng lưu ý, trong mớ bòng bong dư luận đan xen, có rất nhiều câu hỏi nghi vấn về cái chết của bà Hoa! Có hay không một kịch bản được dựng sẵn đằng sau cái chết cho đến bây giờ vẫn được xem là bí ẩn này?
Từ cái chết bất thường
Trong ngôi nhà vẫn còn chìm trong không khí tang thương, anh Ngô Sỹ Mỵ, chồng chị Hoa nghẹn ngào hồi tưởng về cái chết của vợ một cách đau đớn. Lấy nhau từ năm 1983, anh chị lần lượt có 2 người con trai. Mặc dù những ngày đầu đầy vất vả, thế nhưng ngôi nhà nhỏ hạnh phúc luôn đầy ắp tiếng cười. Các con lớn dần, kinh tế ổn định vì cả hai vợ chồng được tin tưởng giao phó nhiều vị trí quan trọng. Trước khi chết, chị Hoa đang là kế toán trưởng bệnh viện Yên Thành, còn anh Mỵ là Phó Quản đốc Nhà máy xi măng Hoàng Mai!
Hai con trai của anh chị chăm ngoan và học giỏi có tiếng cả vùng. Con đầu, Ngô Anh Tuấn hiện đang du học ở Hàn Quốc, và, đúng ngày mẹ mất, anh Tuấn nhận được học bổng du học do chính phủ Mỹ tài trợ để du học ở Mỹ; con trai kế, Ngô Sỹ Vinh hiện đang làm việc cho một công ty kiểm toán nước ngoài tại Hà Nội.
Vì công tác xa nhà, cuối tuần anh Mỵ mới về thăm vợ, thế nhưng anh cho biết, lần về thăm vợ gần nhất, trước khi xẩy ra cái chết của vợ 2 ngày, anh cũng không phát hiện điều gì bất thường ở vợ mình. “Vợ tôi là người ít nói nhưng sống rất tình cảm. Quá trình chung sống vợ chồng không xẩy ra mâu thuẩn gì, vợ tôi cũng không có biểu hiện gì bất thường về mặt tâm lý…Chiều hôm tôi ra cơ quan, vợ tôi còn gói thức ăn cho chồng mang đi…!”, anh Mỵ nghẹn ngào kể lại!
Về dư luận cho rằng chị Hoa tự tử vì nợ nần, anh Mỵ khẳng định: “Về kinh tế, gia đình chúng tôi không hề nợ nần ai. Công ty làm ăn được, thu nhập của tôi ổn định, đủ lo cho vợ con. Bên cạnh đó, các cháu đã trưởng thành, đủ khả năng lo lắng cho bản thân. Vợ tôi không cờ bạc lô đề, không có mâu thuẫn gì với ai…”.
Về khía cạnh tâm linh, có dư luận cho rằng chị Hoa bị “vong nhập” do gia đình đi áp vong tìm mộ liệt sỹ, dẫn đến tâm thần hoang tưởng, anh Mỵ bác bỏ: “Cách đây gần 2 năm, gia đình chúng tôi có đi áp vong tìm mộ cho người anh trai của tôi. Thế nhưng lần đó vợ tôi không đi, chỉ ở nhà lo cơm nước. Ai đó nói rằng vợ tôi tự tử do áp vong là điều bịa đặt!”
Sau đó, chúng tôi tìm đến Bệnh viện huyện Yên Thành, lãnh đạo Bệnh viện cho biết, bà Đào Thị Hoa là người sống rất tình cảm, không có mâu thuẫn nặng nề gì đối với anh chị em đồng nghiệp. Trong công việc thì hết sức chu toàn, không để ra sai sót gì. “Không có việc chị Hoa tự tử vì thất thoát tiền của cơ quan bệnh viện. Các cơ quan chức năng và lãnh đạo Bệnh viện đã kiểm tra tài chính và kết luận rõ vấn đề này.”, ông Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Bệnh viện huyện Yên Thành khẳng định thêm.
Nhiều câu hỏi cần được làm rõ
Như vậy là đã quá rõ ràng, cái chết của bà Đào Thị Hoa không liên quan đến vấn đề tâm linh, tiền bạc và mâu thuẫn ái tình như dư luận đang đồn thổi. Tuy nhiên, từ những điều quá “bất thường” tại hiện trường vụ việc, dư luận còn đặt dấu hỏi: Có hay không một kịch bản được dàn dựng phía sau cái chết này?!
Hiện trường là một sườn đồi hoang vu, ít người qua lại, cách đường lớn khoảng 1km. Chị Hoa chết ngồi quỳ, hai đầu gối gần chạm đất, hai tay để ngay ngắn, đầu cúi xuống phía trước. Điểm buộc dây thừng để thắt cổ là chạc ba của cây thông khá lớn, cách mặt đất khoảng 3m. Vấn đề đặt ra là liệu với độ cao như vậy, một người phụ nữ to béo (chị Hoa khoảng 55kg) như chị Hoa có thể tự mình trèo lên buộc dây thừng để thắt cổ tự tử?
Theo những người có kinh nghiệm, dây thừng được bện từ sợi nhựa tổng hợp rất trơn, nếu muốn không tụt mối thắt, cần phải ràng buộc hết sức công phu?. Nếu đúng chị Hoa một mình tự trèo lên cây thông cao đến 3m để buộc mối dây thừng một cách bài bản như thế, thì tay chân phải bám chắc vào thân cây với thời gian khá lâu, và điều này sẽ để lại dấu vết vật chất như vỏ cây, nhựa cây dính vào áo, quần, vào móng tay, hoặc bàn chân, bàn tay. Thế nhưng, theo anh Mỵ, chồng chị Hoa, vấn đề này khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã không đề cập đến?
Một yếu tố nữa cũng được dư luận hết sức quan tâm, đó là nếu chị Hoa thắt cổ tự tử, thì theo bản năng, khi diễn ra sự ngạt hô hấp, tay chân của nạn nhân sẽ quẫy đạp để phản ứng. Với khoảng cách rất gần giữa dây thắt với thân cây như vậy, chắc chắn nếu không ôm lấy thân cây, tay chân của nạn nhân cũng sẽ chòi đạp mạnh, vì thế sẽ để lại dấu vết ở tay và chân. Và một người thắt cổ tự tử, hơn một ngày sau mới tìm được, liệu tư thế chết có ngay ngắn một cách đáng ngờ như hiện trường để lại: chân quỳ đầu gối gần chạm đất, hai tay đặt ngay ngắn phía trước!?
“Vợ tôi không biết trèo, và cũng chưa khi nào đi lên cái sườn đồi ấy cả. Hơn nữa, đôi dép của vợ tôi được phát hiện cách nơi treo cổ hơn 300m, không thể đi chân không lên đến điểm treo cổ mà không bị cây rừng, gai góc đập vào bàn chân! Hiện nay gia đình tôi đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét lại cái chết bất thường của vợ tôi” anh Mỵ nói thêm!
Những nghi vấn của dư luận và của gia đình nạn nhân rõ ràng là có cơ sở pháp lý. Thiết nghĩ, để trấn an dư luận, cũng như có câu trả lời thỏa đáng hơn đối với cái chết của chị Đào Thị Hoa, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ!
Theo Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn