Lọt tội phạm trong vụ nữ đại úy công an lừa đảo ở Nghệ An?

Thứ sáu - 09/06/2017 06:51
Bản án số 64/2013/HSST đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Hà - nguyên đại úy công tác tại Phòng PC64 Công an tỉnh Nghệ An - mức tù chung thân. Song nhiều bị hại cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt vai trò đồng phạm của Nguyễn Trương Trung (chồng Hà - cáo trạng ghi là Nguyễn Trường Trung).

 

Các bị hại kháng cáo lên TAND Tối cao đề nghị hủy bản án sơ thẩm, xét xử lại trên cơ sở đưa Nguyễn Trương Trung ra truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.


Cũng theo bản án, Trung phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị hại số tiền 3,63 tỉ đồng, trong đó bồi thường riêng cho bị hại Lê Thị Hiệp 2,05 tỉ đồng. Song thực tế, hiện nay Trung đang ở đâu không ai hay biết. Bị hại đã nộp đơn kháng cáo lên TAND Tối cao đề nghị truy tố đối với Nguyễn Trương Trung ra trước pháp luật.

Tại tòa, chính Trần Thị Ngọc Hà khai nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 6.2011 đến ngày 13.10.2011, Hà đã nhiều lần vay của chị Lê Thị Hiệp số tiền 4,95 tỉ đồng. Trong các lần vay tiền, cả hai vợ chồng Trần Thị Ngọc Hà - Nguyễn Trương Trung đều ký vào giấy nhận nợ. Thế nhưng tại bản án, thẩm phán Vi Văn Chắt - chủ tọa phiên tòa - lại kết luận một câu rằng: “Sau khi vay được tiền, Trần Thị Ngọc Hà quản lý, sử dụng như thế nào Nguyễn Trương Trung không được biết”.

Đơn kháng cáo của bị hại Lê Thị Hiệp gửi TAND Tối cao khẳng định: “Tôi thấy Công an tỉnh, Viện KSND, TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đó là không xét xử Nguyễn Trương Trung về hình sự với vai trò đồng phạm của Trần Thị Ngọc Hà là không đúng quy định của pháp luật”.

Chị Lê Thị Hiệp phân tích: “Nguyễn Trương Trung có đủ năng lực hành vi. Trong quá trình vay nợ không phải một lần mà đã rất nhiều lần Trung đi cùng vợ đến gặp các bị hại để ký vào giấy tờ vay tiền. Chắc chắn, vợ chồng Hà -Trung phải có sự bàn bạc, tính toán trước.

Về mặt lý lẽ, không một người chồng nào sẵn sàng ký tên vào những giấy vay với số tiền lên tới hàng tỉ đồng cùng vợ mà lại không rõ việc vay tiền này nhằm vào mục đích gì. Chỉ có người mất năng lực hành vi mới làm như vậy. Nhưng nếu Trung mất năng lực hành vi thì điều hiển nhiên là không ai lại đồng ý cho Trung ký nhận cả.

Việc bị hại yêu cầu phải có cả hai vợ chồng đến ký vào giấy vay tiền là để khẳng định vai trò trách nhiệm của cả hai người. Do vậy, TAND tỉnh kết luận Nguyễn Trương Trung không được biết vợ sử dụng tiền vay như thế nào là hoàn toàn thiếu cơ sở, có dấu hiệu “lờ đi” và bỏ lọt tội phạm”.

Các giấy vay nợ đều có chữ ký của vợ chồng Nguyễn Trương Trung và bị hại, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại cho rằng Trung nằm ngoài vòng pháp luật theo các bị hại là chưa đúng pháp luật.

Toàn bộ hành vi lừa đảo của vợ chồng Trần Thị Ngọc Hà đối với gia đình chị Lê Thị Hiệp là rất rõ ràng. Chính Trung có quan hệ họ hàng với gia đình chị Hiệp nên đứng ra cam kết là “chú, mự yên tâm cho vợ chồng cháu vay tiền kinh doanh” nên gia đình chị Hiệp mới đưa tiền cho vợ chồng Trung vay. Trong tổng số tiền gia đình chị Hiệp bị vợ chồng Trung - Hà chiếm đoạt 8 tỉ đồng thì có 4,1 tỉ đồng Trung đã cùng vợ lên nhà chị Hiệp làm thủ tục vay mượn trực tiếp và nhận tiền ngay tại nhà bị hại (có người làm chứng).

Chị Lê Thị Hiệp cho biết: Trước khi tố cáo đến công an, chị đã trực tiếp gặp vợ chồng Trung để đòi tiền thì ngay từ thời điểm đó Trung đã cố tình không trả nợ và cho đến nay Trung bỏ đi biệt tích với mục đích trốn nợ và trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

“Nguyễn Trương Trung đã có hành vi cùng với vợ vay tiền của tôi (có thế chấp tài sản bằng cách ủy quyền cho tôi) nhưng lại làm thủ tục thế chấp ngân hàng hoặc bán đất đai cho người khác để lấy tiền. Như vậy hành vi này đủ cơ sở chứng minh Trung đã cùng vợ lừa đảo tôi ngay từ đầu”- chị Hiệp nói.

Chị Lê Thanh Thu - trú khối Nam Phượng, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò - cho biết: Chị cũng đã làm đơn kháng cáo gửi tới TAND Tối cao tố cáo về hành vi lừa đảo của Nguyễn Trương Trung. Cụ thể, trong khoản tiền vay 1,05 tỉ đồng thì Nguyễn Trương Trung biết số tiền vay 450 triệu đồng, có giấy biên nhận với chữ ký của Trung - Hà. Vì Trung và Hà nói vay để phục vụ mục đích kinh doanh nên vợ chồng chị Thu mới đồng ý “giải ngân”.

Chị Lê Thanh Thu nói: “Toàn bộ sự việc kinh doanh, vay mượn tiền bạc, mua đi bán lại đất đai giữa hai gia đình đều do Nguyễn Trương Trung quyết định. Bởi thực tế, Trần Thị Ngọc Hà khi đó đang là cán bộ Công an tỉnh, hàng ngày phải làm việc tại cơ quan nên còn đâu thời gian tham gia việc kinh doanh buôn bán.

Mặt khác, Nguyễn Trương Trung đã xin nghỉ việc tại Cty Tư vấn cầu đường bộ Nghệ An, chuyển sang kinh doanh bất động sản từ cuối năm 2010. Nguyễn Trương Trung tham gia với vai trò quyết định (chủ hộ) nhưng cơ quan điều tra, Viện KSND và TAND tỉnh Nghệ An cho rằng Trung vô can là không đúng pháp luật”.

 
Theo Anh Tuấn (Báo Lao Động)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây