Kết thúc điều tra vụ phá rừng VQG Vũ Quang: Truy tố 4 bị can

Thứ sáu - 09/06/2017 07:10
Sáng 27/11, Thượng tá Phạm Văn An - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý về kinh tế và chức vụ (Công an Hà Tĩnh) cho biết, Cơ quan CSĐT vừa hoàn tất quá trình điều tra, chuyển hồ sơ, vật chứng vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vườn quốc gia Vũ Quang đến Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 4 bị can.
Bắt đối tượng Trần Đình Phú (SN 1987), trú tại xã Phúc Đồng (Hương Khê)...

Theo đó, Nguyễn Đình Lê (SN 1972), trú tại thị trấn Vũ Quang, nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Hải và Lê Văn Vĩnh (SN 1966), trú tại thị trấn Vũ Quang, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Văn Thanh (SN 1981), trú tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Trần Đình Phú (SN 1987), trú tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê bị truy tố tội “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, vào khoảng tháng 6/2012, lợi dụng việc khảo sát xây dựng cột mốc 500 biên giới Việt - Lào, một số người dân được thuê khuân vác vật liệu vào khu vực biên giới nên phát hiện tại tiểu khu 204 thuộc địa phận xã Hòa Hải (Hương Khê) và tiểu khu 198 thuộc địa phận xã Hương Quang (Vũ Quang), là 2 tiểu khu liền kề thuộc lâm phần quản lý bảo vệ của Vườn quốc gia Vũ Quang. Tại khu vực này có nhiều cây gỗ pơ mu thuộc nhóm IIA là loại gỗ có giá trị kinh tế cao trên thị trường và rất dễ tiêu thụ.

Tuy các tiểu khu này được xếp loại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng việc bảo vệ quản lý bảo vệ của chủ rừng mà trực tiếp là Trạm Kiểm lâm Hòa Hải rất lỏng lẻo nên tại địa bàn 2 xã Hòa Hải và Phúc Đồng (Hương Khê), một số chủ “đầu nậu” buôn bán gỗ đã tổ chức thuê người (chủ yếu là người dân tộc Mày tại hai huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa - Quảng Bình) đột nhập vào rừng thuộc 2 tiểu khu nói trên để khai thác, vận chuyển gỗ đưa đi tiêu thụ.

Qua điều tra xác định, từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2013, tại hai tiểu khu 198 và tiểu khu 204 có 464 cây gỗ pơ mu bị triệt hạ để lấy gỗ với tổng khối lượng là 689,4m3. Trong đó, tại tiểu khu 198 có 73 gốc cây pơ mu bị khai thác trái phép với tổng khối lượng là 174,72m3 gỗ và tại tiểu khu 204 có 391 cây gỗ pơ mu bị khai thác trái phép với tổng khối lượng là 514,68 m3 gỗ.

Tiểu khu 204 có 391 cây gỗ pơ mu bị khai thác trái phép với tổng khối lượng 514,68 m3.

Trong 464 gốc với khối lượng 689,4m3 gỗ đã điều tra làm rõ 53,13m3 do Trần Đình Phú (SN1987) trú tại xã Phúc Đồng (Hương Khê) cấu kết với Nguyễn Văn Bình (SN 1981) trú tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tổ chức thuê và đưa người vào rừng khai thác gỗ pơ mu tại tiểu khu 204 vào hai đợt với số lượng lớn.

Đợt 1 khoảng đầu tháng 12/2012, Nguyễn Văn Thanh điện thoại cho Trần Đình Phú thỏa thuận việc tổ chức khai thác gỗ. Sau khi thống nhất với nhau về giá cả, chủng loại gỗ cần khai thác và địa điểm bàn giao gỗ, Phú đã cho Thanh tạm ứng trước số tiền là 3 triệu đồng để mua sắm lương thực, thực phẩm phục vụ cho việc khai thác gỗ.

Thanh đã thuê 4 đối tượng là người dân tộc thuộc bản Kai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) để khuân vác gỗ cho y trong quá trình tập kết vận chuyển gỗ với tiền công 100.000đ/người/ngày. Việc khai thác do Thanh thực hiện, sau đó vận chuyển đến chân đập Đá Hàn (Hòa Hải - Hương Khê) để bàn giao cho Phú và được thanh toán 12,6 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Văn Thanh (SN 1981), trú tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tra tay vào còng

Cuối tháng 1/2013, Thanh đặt vấn đề tiếp tục tổ chức khai thác gỗ pơ mu để bán cho Phú như lần trước. Thanh thuê thêm 6 người dân tộc, cùng ở bản Kai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa làm “nhiệm vụ” khai thác. Ngày 25/1/2013, Thanh cùng 6 người trên đến nhà ông Trần Đình Vọ (bố đẻ của Phú) tại xóm 10, xã Phúc Đồng (Hương Khê). Tại đây, Phú cho Thanh tạm ứng 3 triệu đồng để mua sắm lương thực, thực phẩm đóng gùi phục vụ cho việc khai thác gỗ, sau đó dùng xe lôi chở cả nhóm vào bờ đập Đá Hàn để vào rừng khai thác gỗ.

Từ ngày 27/1/2013 đến ngày 2/2/2013, Thanh dùng cưa xăng triệt hạ 17 cây gỗ pơ mu tại tiểu khu 204 với tổng khối lượng là 36,67m3, 3 cây gỗ tùng khối lượng 8,46m3 nhưng mới vận chuyển được 0,93 m3 gỗ xẻ đến tiểu khu 181 thì bị Bộ đội biên phòng bắt giữ.

Tài liệu của cơ quan công an cũng chứng minh việc làm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang.

Tiểu khu 204 có trên 100 ha rừng cây gỗ pơ mu thuộc nhóm IIA, được xếp vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nhưng do ngại khó khăn, vất vả nên cả năm 2012, Trạm Kiểm lâm Hòa Hải không chủ động tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc tại tiểu khu này được lần nào nên không biết tại tiểu khu này có rừng gỗ pơ mu.
Với cương vị được giao Nguyễn Đình Lê là người trực tiếp phân công chỉ đạo, đôn đốc và thực hiện 10 nhiệm vụ của trạm kiểm lâm địa bàn, nhưng do thiếu trách nhiệm nên kể từ khi được bổ nhiệm chức vụ Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Hải (từ năm 2009 đến tháng 1/2013), Lê đã không thực hiện hết nhiệm vụ như: không phân công nhân viên kiểm lâm của trạm kiểm soát người, phương tiện vào ra cửa rừng; không tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc tại các tiểu khu thuộc khu vực sát đường biên giới Việt – Lào; không mở sổ nhật ký tiểu khu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên toàn bộ lâm phần được giao quản lý, bảo vệ.

Đặc biệt, cuối năm 2012, tình hình xâm phạm tài nguyên rừng đặc dụng có nhiều diễn biến phức tạp, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang đã lập kế hoạch phối hợp với Bộ đội Biên phòng chốt chặn tại Khe Thui, khu vực ngã ba Long Vương - điểm xung yếu vào ra các tiểu khu 198, 204, 205, 206 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, giao trách nhiệm Lê chủ trì triển khai thực hiện trong thời gian là 2 tháng và phải báo cáo thường xuyên với Ban giám đốc và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vườn biết để kịp chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng chỉ được thực hiện 13 ngày do trời mưa nên tổ công tác đề xuất tạm dừng, đến khi thời tiết thuận lợi, Lê vẫn không tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch và vẫn không tổ chức kiểm tra rừng ở những điểm theo thông báo của lãnh đạo về việc đã phát hiện rừng thuộc các tiểu khu sát đường biên giới có hiện tượng khai thác lâm sản trái phép. Vậy mà hàng tháng, Lê vẫn báo cáo là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, không có hiện tượng khai thác lâm sản trái phép…

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013, tại tiểu khu 204 thuộc lâm phần quản lý bảo vệ của Trạm Kiểm lâm Hòa Hải, các đối tượng đã triệt hạ 391 cây gỗ pơ mu có tổng khối lượng là 514,68m3, nhưng trong suốt thời gian trên Lê hoàn toàn không biết.

Lê Văn Vĩnh – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang là người trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Hạt trưởng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn nhưng chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Lê Văn Vĩnh không kiểm soát được tình hình để kịp thời chấn chỉnh dẫn đến hậu quả rừng bị xâm hại nghiêm trọng mà không biết, để ngăn chặn xử lý.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Vĩnh là người trực tiếp xây dựng và tham mưu quản lý bảo vệ rừng, kế hoạch truy quét, kế hoạch bảo vệ rừng hàng tháng, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, một số trạm kiểm lâm địa bàn hoạt động kém hiệu quả nhưng Lê Văn Vĩnh chưa kiểm tra chỉ đạo sát sao để kịp thời chấn chỉnh.

Trạm kiểm lâm Hòa Hải là điểm nóng về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép xâm hại tài nguyên rừng thì lẽ ra cần phải thận trọng kiểm tra ấn chỉ, sổ nhật ký công tác của trạm để nắm bắt việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy chế quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, trong đó việc tổ chức kiểm soát người, phương tiện vào ra cửa rừng, kiểm tra rừng tận gốc, lên lý lịch tiểu khu để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, nhưng do buông lỏng quản lý và chủ quan tin tưởng vào báo cáo của cấp dưới nên Vĩnh chỉ chú trọng truy quét vòng ngoài, chạy đua theo các vụ việc thu giữ gỗ tập kết trong lòng hồ đập Đá Hàn, chưa thực sự chú trọng kiểm tra đôn đốc các mặt công tác khác nên trong suốt thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2013 tại các tiểu khu 198 và 204 đã bị các nhóm đối tượng đã triệt hạ 464 cây gỗ pơ mu.

Trước đó, liên quan đến vụ phá rừng, có 8 cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang đã bị kỷ luật./.

Theo Xuân Lý – Đình Vũ baohatinh.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây