| ||
|
Sau khi đường dây ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường bị cơ quan Công an triệt phá, Xiêng My (em họ của Xiêng Phênh) - một “bố già” khét tiếng trên đất Lào đã thiết lập một đường dây buôn “cái chết trắng” mới chuyển hướng xuống phía Nam Lào để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ qua hai cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) và Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Với tham vọng trở thành một "bố già" độc quyền phân phối hêrôin trên tuyến vận chuyển ma túy mới mở này, chỉ trong thời gian ngắn, Xiêng My và đồng bọn đã đưa vào Việt Nam tiêu thụ ít nhất 140 bánh hêrôin. Đường dây ma túy “khủng” này đã bị lực lượng phòng chống ma túy Công an Hà Nội phát hiện, triệt phá đúng vào thời điểm làm ăn phát đạt nhất của các ông trùm…
Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) chiều tối ngày 9/4/1997. Những chiếc ôtô xếp hàng chờ làm thủ tục để nhập cảnh vào Việt Nam. Trong số đó có một chiếc xe tải Zin 130 BKS Lào 0563. Ngồi trên cabin là hai người đàn ông mang quốc tịch Lào: Bua Phẳn Trang Tha La Xỷ (54 tuổi, ở bản Phoa Viêng, Phu Cút, Xiêng Khoảng, Lào) và Phou Viêng Keo Keo My Say (57 tuổi, ở bản Xay Khu, quận Xay Tha Ny, TP Viêng Chăn, Lào). Sau khi kiểm tra theo thủ tục, chiếc xe tải lăn bánh, hướng về phía thị trấn Hương Sơn.
Khi xe qua cửa khẩu một đoạn thì có hai người đàn ông trông dáng dấp giống khách buôn vẫy xe xin đi nhờ. Bua Phẳn và Phou Viêng đồng ý cho họ lên ca bin ngồi cùng. Dọc đường đi, bốn người nói chuyện với nhau khá vui vẻ.
Đi khoảng gần chục cây số, xa xa trước mặt họ là Trạm kiểm soát lâm nghiệp Hương Sơn, có barie gác chắn ngang đường. Xe tải giảm tốc độ và dừng lại trước barie để chấp hành việc kiểm tra. Bua Phẳn và Phou Viêng tỏ ra khá bình tĩnh. Dường như họ đã quen với việc kiểm tra này, vì cả hai sang Việt Nam rất nhiều lần. Tuy nhiên, không giống với những lần kiểm tra trước, lần này Bua Phẳn, Phou Viêng được mời về trụ sở Công an huyện Hương Sơn cùng với chiếc xe ôtô.
Tại sân trụ sở Công an huyện, chiếc xe tải được kiểm tra khá kỹ lưỡng trước sự chứng kiến của hai người Lào. Lần lượt thành xe, thùng xe, các vách ngăn cabin được lật ra. Bình xăng cũng được tháo ra. Không phát hiện điều gì khả nghi, thái độ của Bua Phẳn và Phou Viêng vẫn bình thản như không có chuyện gì. Họ rút thuốc lá ra hút và chờ đợi. Nhưng đến khi một cán bộ công an vòng ra phía sau xe, tiến hành kiểm tra phần xắt-xi thì khuôn mặt hai người Lào chợt biến sắc.
Kiểm tra xắt-xi bên phải, khi nắp xắt-xi tháo tung, một cán bộ thò tay vào khoang trống và rút ra một đoạn vải có hình dáng như ruột tượng, được thắt nút thành từng đoạn. Chiếc nút thắt đầu tiên của ruột tượng được tháo ra, 2 bánh hêrôin rơi bịch xuống sân. Bua Phẳn và Phou Viêng ngồi bật dậy và… ngoan ngoãn tra tay vào còng số 8. Chiếc ruột tượng giấu trong xắt-xi được tiếp tục kéo ra. Tổng cộng 20 bánh hêrôin giấu trong đó được lấy ra lần lượt, xếp trước mặt hai kẻ vận chuyển. Khi đặt số ma túy này lên cân, kim đồng hồ chỉ 7,2kg.
Hai đối tượng vận chuyển ma túy Bua Phẳn và Phou Viêng bị bắt cùng tang vật. |
Sau khi ký vào biên bản quả tang, Bua Phẳn và Phou Viêng được tách ra để ghi lời khai. Và người hỏi cung họ, chính là hai vị khách đã đi nhờ xe từ cửa khẩu Cầu Treo. Hiểu rằng hành tung của mình đã bị Cơ quan Công an Việt Nam phát giác, hai tên thành khẩn khai nhận số ma túy trên là của ông trùm Xiêng My thuê chúng vận chuyển từ Lào sang Việt Nam tiêu thụ.
Những giao dịch bất minh
Mười lăm năm đã trôi qua, Thượng tá Trần Hữu Viễn, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an Hà Nội, là một trong số hai vị khách đi nhờ năm xưa, kể lại: Thời điểm đầu năm 1997, sau khi Công an Hà Nội triệt phá đường dây ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường là đường dây vận chuyển ma túy lớn nhất ở tuyến Tây Bắc tại thời điểm đó, qua công tác nắm tình hình cho thấy giá ma túy vẫn khá ổn định, không có dấu hiệu tăng giá.
Trước thông tin trên, đã đặt ra câu hỏi cho lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy Công an Hà Nội: Tại sao giá ma túy không tăng khi ta đã đánh mạnh và triệt phá các đường dây ma túy lớn như vậy? Phải chăng vẫn còn một đường dây ma túy lớn khác tiếp tục đưa ma túy vào địa bàn Hà Nội? Nhiệm vụ này được giao cho Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an Hà Nội (tiền thân của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy sau này).
Tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định tại khu vực ngõ Chợ Khâm Thiên thuộc phường Trung Phụng (quận Đống Đa), nơi tập trung những đối tượng đầu nậu lớn buôn bán ma túy như anh em nhà Đoàn Văn Cường (Cường “Toe”) và Đoàn Văn Việt (Việt “Toe”), xuất hiện Nguyễn Đình Lợi (46 tuổi, ở 93A Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An). Nguyễn Đình Lợi sinh ra trong một gia đình có "truyền thống" về buôn bán ma túy. Mẹ của Lợi là Bùi Thị Hường là người đàn bà "có số má" về tội ma túy, từng bị bắt giữ, ngồi tù nhiều lần. Năm 1987, người đàn bà này tiếp tục bị Công an Hà Nội bắt giữ trong một vụ buôn bán thuốc phiện với số lượng lớn từ Nghệ An ra Hà Nội.
Chiếc ôtô tải các đối tượng dùng để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. |
Có một người mẹ bất hảo như vậy nên những đứa con của bà Hường cũng lần lượt "nối nghiệp" mẹ. Anh trai của Lợi là Nguyễn Chiến Thắng sau này trở thành trùm ma túy quốc tế trong đường dây vận chuyển, mua bán hơn 1.000 bánh hêrôin, bị bắt theo lệnh truy nã đỏ quốc tế và đã thắt cổ tự tử trong trại giam. Hai em gái của Lợi là Trần Thị Tâm và Trần Thị Tuyết cũng ngồi tù về tội mua bán trái phép ma túy, trong đó cô em Trần Thị Tâm do có con nhỏ dưới 36 tháng đã may mắn thoát án tử hình vào thời điểm năm 1999 khi Bộ luật Hình sự có sự điều chỉnh không thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng.
Thời điểm đầu năm 1997, do bà Bùi Thị Hường đang bị Công an Hà Nội bắt giữ trong một vụ án ma túy nên Nguyễn Đình Lợi thường từ Vinh ra Hà Nội ở nhà bà Hường mua tại ngõ Chợ Khâm Thiên để tiện cho việc thăm nuôi mẹ. Trong thời gian ở đây, Lợi rất hay giao du với anh em Cường “Toe”, Việt “Toe”, đang "nổi" với công việc "bảo kê" một bãi xe trái phép tại khu vực trước cửa ga Hà Nội và nhà khách Công đoàn.
Đi sâu tìm hiểu quan hệ giữa Lợi và anh em Việt-Cường, mối quan hệ của Lợi trong Nghệ An, trinh sát phát hiện Nguyễn Đình Lợi thường qua lại giao du với Trần Văn An tức An "điên" ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, TP Vinh. Bản thân Trần Văn An là thương binh nặng. An mở một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ gia dụng ngay tại nhà riêng. Nhìn bề ngoài, nhiều người đánh giá đây là một doanh nghiệp làm ăn phát đạt vì đồ đạc trong nhà An rất xịn. Vợ An có một cửa hàng tạp hóa tại chợ Vinh.
Mặc dù là thương binh nặng nhưng không mấy khi An vào trại an dưỡng như những thương binh khác mà thường xuyên vắng nhà, đi TP HCM, Cần Thơ, dù rằng doanh nghiệp của An chẳng quan hệ làm ăn gì với các doanh nghiệp trong đó. Thế nhưng, cứ sau mỗi chuyến An "đi công tác" như vậy thì một lượng tiền lớn khoảng vài trăm triệu đồng được chuyển từ TP HCM tới tài khoản doanh nghiệp đồ gỗ của An. Việc chuyển tiền này khá đều đặn. Ngoài ra, Trần Văn An còn nhận được tiền chuyển từ các đối tượng tại Hà Nội như Cường “Toe”, Việt “Toe” và Trần Văn Long ở Vân Đồn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, dù các đối tượng này chẳng liên quan gì đến kinh doanh đồ gỗ.
Điểm giấu hàng tại xắt-xi phía sau xe. |
Không chỉ quan hệ rộng với nhiều đối tượng trong nước, ông chủ doanh nghiệp đồ gỗ Trần Văn An còn có quan hệ thân thiết với 2 người Lào thường xuyên đi xe tải Zin 130 có BKS Lào 0563. Đó chính là Bua Phẳn và Phou Viêng. Khi sang đến TP Vinh, Bua Phẳn và Phou Viêng thường nghỉ vài ngày tại một khách sạn ở TP Vinh rồi về Lào. Có những chuyến hai người đi thẳng ra Hà Nội, vào chợ Đồng Xuân để mua một số hàng hóa như đồ nhựa, chăn chiếu, đồ gia dụng… rồi quay trở về Lào theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) hoặc cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) thuộc tuyến quốc lộ 7.
Một điều trùng khớp là những lần Trần Văn An nhận được tiền chuyển vào tài khoản trùng với thời điểm chiếc xe tải của Bua Phẳn và Phou Viêng sang Việt Nam. Sau khi gặp gỡ hai người Lào này, An liền đi TP HCM và chỉ trong vòng 1 tuần, An nhận được tiền chuyển vào tài khoản với số lượng lớn.
Vậy Trần Văn An vào TP HCM làm gì? Để trả lời câu hỏi này, một tổ công tác đã lên đường. Phối hợp với Đội Phòng chống ma túy của Phòng CSKT Công an TP HCM, tổ công tác được biết Công an TP HCM cũng điều tra về một đường dây ma túy từ Nghệ An vào TP HCM có liên quan đến vợ chồng Trần Văn An - Nguyễn Thu Lan.
Những lần vào TP HCM, An thường giao dịch với các "đầu nậu" ma túy gồm Nguyễn Ngọc Hiếu (tức Nguyễn Quang Thịnh) ở đường Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Thị Miết tức Nguyễn Thị Giang ở đường Nguyễn Trãi, quận 1. Hiếu và Giang chính là những người thường xuyên gửi tiền cho An qua tài khoản và qua đường bưu điện. Người nhận tiền tại Nghệ An là Nguyễn Thu Lan, vợ của An. Một số lần, trực tiếp Nguyễn Ngọc Hiếu còn ra Nghệ An gặp vợ chồng An. Thống kê trong vòng chỉ hơn nửa năm, đã có trên 3,2 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Trần Văn An.
Từ tài liệu trinh sát kết hợp tài liệu của Công an TP HCM cung cấp, nhận định đây là một đường dây buôn bán ma túy lớn, Đội Cảnh sát phòng chống ma túy Phòng CSKT Công an Hà Nội đã xác lập chuyên án để đấu tranh, điều tra các đối tượng trong đường dây. Qua đó xác định các đối tượng Nguyễn Đình Lợi, Trần Văn An chuyên nhận ma túy từ các đối tượng Lào tại TP Vinh, sau đó đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và TP HCM. Nguồn cung cấp hàng từ Lào vào Việt Nam đã xác định đối tượng cầm đầu là Xiêng My, là em họ của Xiêng Phênh, ông trùm ma túy người Lào sa lưới cách đó ít tháng.
Trở lại với hai kẻ vận chuyển Bua Phẳn và Phou Viêng
Từ tài liệu qua lời khai của 2 đối tượng và tài liệu chúng mang theo gồm sổ sách giấy tờ ghi chép rất cẩn thận các chuyến giao nhận hàng, ngay trong đêm 9 rạng ngày 10/4/1997, các tổ công tác phối hợp Phòng CSKT Công an Hà Tĩnh, Nghệ An đồng loạt tiến hành khám xét 4 điểm tại Nghệ An, bắt giữ cùng lúc 6 đối tượng chính trong đường dây ma túy này, trong đó có hai vợ chồng "bố già" ma túy Xiêng My - Nam Xỏm đang nghỉ tại khách sạn Bến Thủy. Khám phòng nghỉ của Xiêng My, thu giữ 1 khẩu súng Colt, 4 viên đạn, theo khai nhận của Xiêng My là mang theo để "phòng thân". Riêng "bố già" Trần Văn An, đêm đó do vắng nhà nên đã thoát…
Theo antg.cand.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn