Vào Hà Nội từ nhiều ngả
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra ngày 20/7, Ban Chỉ đạo đánh giá, Hà Nội vẫn là một trong những địa bàn nổi cộm, là điểm nóng về tình trạng buôn bán, tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, hàng lậu được vận chuyển về địa bàn từ rất nhiều tuyến đường nối đến các tỉnh biên giới phía Bắc và cả khu vực miền Trung như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Thậm chí có cả hàng lậu vận chuyển từ phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ; một điểm nóng khác là vận chuyển qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Hàng hóa nhập lậu được đưa về Hà Nội rất đa dạng từ bia, rượu, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, sữa, hàng điện tử đến trái cây, lương thực, thực phẩm, gia cầm, thủy sản… và cả hàng cấm như động vật hoang dã.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phân tích, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng là quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu, nhất là với những mặt hàng nhỏ gọn nhưng có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá điếu, rượu ngoại…
Hàng hóa sau khi được vận chuyển từ các địa bàn về Hà Nội (chủ yếu bằng xe tải trọng tải lớn) sẽ được được tập kết ở nhiều kho, tàng bến bãi nằm ở nhiều quận, huyện như: Hoàng Mai, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì…
Đáng chú ý, theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, quá trình đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cho thấy có tình trạng các đầu nậu chọn thuê các kho hàng ở một số huyện ngoại thành xa trung tâm để tập kết, tàng trữ, tiêu thụ hàng cấm.
Xử lý gần 1.600 vụ vi phạm về hàng lậu
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt.
Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường tập trung đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng lậu là vải, hàng đông dược ở khu vực chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm); phụ tùng ô tô, xe máy, hàng điện tử ở khu vực phố Nguyễn Công Trứ, chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng); hay mặt hàng quần áo may sẵn, giày dép thời trang, kính mắt… khu vực chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); trung tâm dược, mỹ phẩm Hapulico (quận Thanh Xuân)…
Trong khi đó, lực lượng Công an được Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu xác lập các chuyên án đấu tranh vào những mặt hàng trọng điểm như thuốc lá điếu, rượu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm công nghệ…
Một trong lĩnh vực quan trọng khác cũng được Công an TP.Hà Nội tăng cường đấu tranh liên quan đến kinh doanh thuốc lá, shisa, bóng cười tại các khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… và các nhà hàng, quán Bar, quán karaoke trên địa bàn thành phố.
Đối với Cục Hải quan Hà Nội, thời gian qua, đơn vị tập trung kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận về trị giá, xuất xứ, chất lượng, số lượng. Đồng thời chủ động xây dựng các giải pháp để kịp thời đấu tranh với các hành vi gian lận liên quan đến loại hình tạm nhập tái xuất…
Đặc biệt, theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sau khi có kết quả đấu tranh, thành phố chỉ đạo các lực lượng kịp thời thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã xử lý tới 1.584 vụ vi phạm về hàng lậu, tổng trị giá hàng vi phạm gần 77 tỷ đồng; các lực lượng đã xử phạt số tiền vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ; thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và thanh, kiểm tra, truy thu thuế tổng số tiền gần 1.570 tỷ đồng. |