Sẽ xây dựng đề án cụ thể
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình chặt, phá rừng vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất và mức độ thiệt hại với trên 8.400 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.
Vụ phá rừng quy mô lớn vừa được phát hiện tại Hà Tĩnh |
Lý giải về tình trạng phá rừng hiện diễn biến nghiêm trọng ở một số địa phương, Bộ NNPTNT cho rằng, là do nhiều đối tượng đã lợi dụng việc khai thác rừng theo chỉ tiêu được giao hàng năm để trà trộn vào phá rừng. Chính vì thế, Nhà nước cần xem xét việc giảm dần khai thác rừng tự nhiên, thậm chí cần đóng cửa rừng trong thời gian phù hợp để kiểm soát tình hình này.
Trao đổi với NTNN ngày 24.5, ông Hà Công Tuấn- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trước mắt, chúng tôi mới đưa ra ý tưởng về vấn đề này. Còn cụ thể sẽ đóng như thế nào, sắp tới còn phải viết đề án chi tiết để trình lên Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thông qua trong kỳ họp tới”.
Theo ông Tuấn, đề án này sẽ phải xem xét toàn diện các nguyên nhân dẫn đến phá rừng, từ đó mới đề ra các bước đi, cách làm cụ thể để giải quyết với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc đóng cửa rừng. Ông Tuấn cũng cho rằng: “Chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính yêu cầu đóng cửa rừng là đóng ngay được, mà cần tính toán xem đóng như thế nào, đóng ở đâu, trong thời điểm nào. Tất cả vấn đề này sẽ được đưa ra trong đề án sắp tới”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết: “Đề xuất đóng cửa rừng hiện mới chỉ được đưa ra thảo luận. Do đây là một chủ trương lớn, nên việc có đóng cửa rừng hay không là do Ban Chỉ đạo Nhà nước quyết định”.
Quan trọng là quản lý khai thác
Trên thực tế, chủ trương đóng cửa rừng để hạn chế phá rừng đã từng được một số địa phương như Tuyên Quang, Hà Tĩnh… đưa ra, song đã vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ phía người dân và các công ty lâm nghiệp. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết:
“Hồi trước, Tuyên Quang chỉ mới đưa ra chủ trương hạn chế khai thác một phần diện tích rừng do Công ty Giấy Bãi Bằng giảm chỉ tiêu thu mua gỗ, chứ không phải đóng, nhưng đúng là đã có những phản ứng do người dân chưa hiểu hết. Vì thế, vấn đề quan trọng bây giờ là phải quản lý khai thác chặt chẽ hơn, chứ không nhất thiết phải đóng cửa rừng”.
Ông Kpa Thuyên - Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai
Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Ở Hà Tĩnh, rất nhiều địa phương cũng đề xuất phải đóng cửa rừng, nhưng thực tế biện pháp này cũng chẳng còn mấy tác dụng, vì rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh gần như không còn”.
Do vậy, theo ông Sơn, nếu Bộ NNPTNT muốn đóng cửa rừng, thì cần chuyển đổi các công ty lâm nghiệp sang thành ban quản lý rừng tự nhiên, từ đó Nhà nước phải cấp kinh phí cho các ban quản lý này để họ duy trì hoạt động và tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ rừng.
Khu vực Tây Nguyên hiện được xem là địa bàn trọng điểm về phá rừng, song đến nay các địa phương vẫn chưa thể tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo ông Kpă Thuyên - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng tràn lan là do lực lượng bảo vệ yếu, khai thác vượt quá chỉ tiêu, không đúng quy trình hoặc có thể do dân không có đất, nên phải phá rừng để canh tác, thậm chí có cả tình trạng lợi dụng chủ trương chuyển đổi đất rừng sang cây trồng khác để phá rừng...
Theo Danviet.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn