Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Kỳ 1: Hiệu ứng "đô - mi nô"
Theo báo cáo từ Hạt Kiểm Lâm huyện Hương Khê, toàn huyện ít nhất 282 ha rừng và đất rừng đã bị người dân lấn chiếm. Trong lúc đó, chỉ tại xã Hòa Hải, Chủ tịch UBND xã lại cho biết diện tích đất rừng và rừng bị lấn chiếm lên đến gần… 500 ha! Thực tế, con số đó còn cao hơn rất nhiều lần, bởi rừng ở các xã, của các chủ rừng là các công ty, Ban quản lý rừng phòng hộ… đã bị người dân lấn chiếm, tàn phá không thương tiếc.
Mạnh ai người đó chiếm!
Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện có 5 tổ chức: Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh, Công ty TNHH LN&DV Chúc A, BQLRPH sông Ngàn Sâu và BQLRPH Sông Tiêm được Nhà nước giao đất rừng để trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng trong diện tích cho phép. Tuy nhiên, diện tích đất rừng của các tổ chức trên ngày một thu hẹp, bởi thực trạng hàng chục hộ dân đua nhau vào rừng sẽ phát, lấn chiếm.
Bị người dân lấn chiếm đất rừng nặng nề nhất là công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê! Ông Trần Thanh Hà- Tổng giám đốc công ty bức xúc cho biết, chỉ trong một năm lại đây, đất rừng của công ty đã bị người dân lấn chiếm gần 250 ha, trong đó 210 ha đã bị người dân lấn chiếm trồng keo trên đó.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hà cho biết, tại tiểu khu 192 thuộc địa bàn xã Hòa Hải, người dân đã lấn chiếm 170 ha, trong đó đã trồng keo trên diện tích 165 đất rừng lấn chiếm; tại tiểu khu 195 và tiểu khu 200 ở xã Hương Giang, diện tích đất rừng bị lấn chiếm 71 ha, trong đó 55 ha đã bị người dân trồng keo trái phép…
Phía các chủ rừng còn lại như: BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm, BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu, công ty TNHH TM và DV Chúc A… cũng bị người dân lấn chiếm không thương tiếc. Theo số liệu thống kê từ Hạt Kiểm lâm huyện, rừng của BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm bị lấn chiếm 28 ha tại địa bàn xã Hương Vĩnh; rừng của BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu bị lấn chiếm 7,9 ha ở địa bàn Phúc Trạch và 8,5 ha ở địa bàn Hương Trạch... Tuy nhiên, đây là số liệu chưa chính xác, bởi chỉ riêng tại BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu, ông Nguyễn Kim Hùng – Trưởng ban đã cho biết số diện tích rừng bị lấn chiếm là khoảng 50 ha.
Đất rừng của các chủ rừng Nhà nước đã vậy, đất rừng của địa phương do các xã quản lý cũng chẳng hơn gì, khi thực trạng người dân sẽ phát, lấn chiếm ngày một lan rộng hơn. Chỉ riêng tại xã Hòa Hải, con số đất rừng bị người dân lấn chiếm trên 460 ha. Ông Phạm Hữu Nhân - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết “Ngoài 170 ha dân lấn chiếm của Công ty cao su Hương Khê tại Tiểu khu 192, trên địa bàn Hòa Hải còn có nhiều vùng bị lấn chiếm khác nữa. Cụ thể: tại tiểu khu 179, có 10 hộ lấn chiếm 15 ha; tại tiểu khu 193 vùng Khe Mán- Đập Tắt có 35 hộ lấn chiếm 85 ha; khu vực đập Đá Hàn có 5 hộ lấn chiếm 15 ha; khoảnh 3 tiểu khu 193 có 25 hộ chiếm 20 ha…”.
Theo ông Nhân, thì diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm chưa dừng lại đó, bởi trước đây UBND huyện có giao đất cho một hộ dân, tuy nhiên hộ dân này cùng với một số người dân đã lấn chiếm thêm ở khu vực xung quanh 150 ha và đã trồng keo trên một phần diện tích đất rừng lấn chiếm. “Dẫu UBND xã đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu trả lại hiện trạng rừng nhưng họ không chấp hành. Vì số người lấn chiếm đông quá nên chính quyền không làm gì được!”- ông Nhân cho biết.
Chung số phận đất rừng như ở xã Hòa Hải, xã Hương Lâm cũng có đến gần 100 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm…
Chính quyền không cương quyết
Việc rừng và đất rừng ở Hương Khê bị lấn chiếm đã trở thành vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, môi sinh, không chỉ thế, đã khiến cho tình hình an ninh, trật tự trị an ở đây trở nên bất ổn khi sự tranh chấp đất rừng giữa người dân với chủ rừng, giữa người dân với chính quyền địa phương ngày càng quyết liệt, tiềm ẩn nhiều bất trắc. Mà nguyên nhân xuất phát từ chính sự yếu kém của chính quyền và cơ quan chức năng sở tại, khi không cương quyết xử lý ngay từ đầu, mà để đến khi sự việc bùng phát như đám cháy dây chuyền, thì mọi chuyện đã muộn!
Điển hình trong việc xử lý vấn nạn lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 192, thuộc xã Hòa Hải. Trước đây, tại tiểu khu này UBND xã có chủ trương giao đất cho dân để trồng cây gây rừng, nhưng dân không nhận. Nhưng đến khi đất được công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê thuê trồng cao su, công ty mở đường đi vào rừng thuận tiện thì dân lại ồ ạt thi nhau lấn chiếm.
Tại các cuộc kiểm tra và làm việc, từ chính quyền và cơ quan chức năng cấp huyện, đến tỉnh đều khẳng định việc hàng chục hộ dân vào lấn chiếm 170 ha đất rừng ở Hòa Hải là trái phép, là vi phạm lâm luật, cần phải xử lý nghiêm… Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại tại các cuộc làm việc và văn bản giấy tờ, đất rừng ngày càng bị lấn chiếm rộng, rừng các ngày càng bị chặt phá tan hoang, các đối tượng lấn chiếm ngang nhiên trồng keo trên diện tích đất lấn chiếm, nhưng không một lực lượng nào can thiệp, ngăn cản được.
Trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn tháng 7/2013 phải vào tận xã để họp bàn với chính quyền và dân ở đây, đã khẳng định 55 người dân tự ý vào xâm lấn, sẻ phát trồng cây trên tại các khoảnh 5; 7; 8; 11- tiểu khu 192 là trái pháp luật. Ông Sơn cũng chỉ rõ những tồn tại của các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết vụ việc. Từ việc không kịp thời giải quyết, xử lý vài ba người dân vào lấn chiếm, dẫn tới người dân “nhờn” pháp luật, “nhờn” chính quyền, nhiều người dân khác theo đó vào rừng sẽ phát, xâm chiếm. “Đây là hậu quả của sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương”- Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định.
Hiệu ứng lấn rừng, chiếm đất ở Hương Khê như hiệu ứng “đô-mi-nô”! Sau khi thấy người dân ở Hòa Hải lấn chiếm đất rừng của công ty Cao su Hương Khê mà không bị xử lý, cây keo của các đối tượng ngày càng xanh tốt trên đất lấn chiếm, thì nhiều hộ dân ở xã Hương Giang đã “theo gương” vào đất rừng của công ty Cao su Hương Khê ở tiểu khu 195, 200 để sẽ phát, lấn chiếm. Thống kê sơ bộ ban đầu, đã có 71,1 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm.
Nghiêm trọng hơn, không chỉ lấn chiếm đất rừng của công ty Cao su Hương Khê, mà một số đối tượng còn lấn chiếm, chặt phá luôn rừng phòng hộ tiếp giáp. Ngày chúng tôi vào, tận mắt chứng kiến hàng chục ha rừng phòng hộ tan hoang, hàng chục cây gỗ lớn hơn một vòng tay ôm bị cưa đổ ngổn ngang. Ngang ngược hơn, các đối tượng lấn chiếm rừng còn dựng lán ngay trong rừng để thuận tiện cho việc lấn chiếm, sẽ phát dài ngày!
Nguồn Bùi Tiến-BVPL (số 25)
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:11.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-ascii-font-family:Calibri; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-theme-font:minor-fareast; mso-hansi-font-family:Calibri; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}