Năm 2013, Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu để thực hiện công trình “Bể giữ nước lũ và hệ thống đầu nối thoát nước” (gọi tắt là Hồ Lắng) với công việc chính là hút cát từ Hồ Lắng và đổ cát, đất thải đi. Sau nhiều lần hợp đồng lại giữa các nhà thầu (bán thầu) thì Phạm Công Tùng là người được thực hiện phần việc trên và có 2 đợt thực hiện hợp đồng thuê xúc cát từ Hồ Lắng đổ đi. Lần 1 khoảng ngày 15/7/2014 hợp đồng miệng với người tên Cương (đến nay cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ được danh tính). Lần 2 ký hợp đồng với Dương Hữu Hải (Cty Vượng Trường Lộc). Quá trình thực hiện, Tùng cho đổ cát, đất thải bẩn ra bãi thải và tận dụng cát sạch để bán lại cho những người thu mua tăng thu nhập cho công nhân. Sau đó, cơ quan chức năng cho rằng, hành động bán cát này có dấu hiệu phạm tội “trộm cắp tài sản”.
Ngày 22 và 23/9/2015, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm Vụ án hình sự thụ lý số 14/2015/HSST ngày 19/6/2015 đối với các bị cáo: Phạm Công Tùng, Trần Xuân Hợp, Nguyễn Văn Phượng, Dương Hữu Hải và Đặng Xuân Bắc về tội “trộm cắp tài sản”. Tòa tuyên Tùng 7 năm tù; Hợp 7 năm tù (tổng hợp 12 tháng tù của bản án treo số 13 ngày 26/3/2014 của TAND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xử buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 8 năm tù; Phượng 24 tháng tù. Hải và Bắc đều bị tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, theo phân tích của các luật sư thì quá trình thực hiện tố tụng, điều tra và xét xử vụ án chưa làm rõ được nhiều vấn đề và có dấu hiệu oan sai. Trong bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh nêu: “Tùng nhận hợp đồng với Hải và Cương để xúc, vận chuyển cát từ khu vực Hồ Lắng thuộc Cty FHS ra khu vực bãi thải của Cty FHS”.
Như vậy, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định công việc mà Tùng phải làm theo hợp đồng là xúc, vận chuyển cát từ Hồ Lắng ra khu vực bãi thải. Tuy nhiên, trong tất cả các hợp đồng được ký kết giữa các nhà thầu để thi công công trình Hồ Lắng đều không quy định rõ vị trí đổ cát sau khi xúc, vận chuyển từ Hồ Lắng.
Vậy, không có cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định vị trí đổ cát buộc phải là bãi thải.
Bên cạnh đó, mục đích của FHS khi ký kết các hợp đồng với các nhà thầu là để xây dựng công trình “Bể chứa nước lũ và hệ thống đấu nối thoát nước”. Phạm vi công việc các nhà thầu phải thực hiện là đào xúc, vận chuyển cát từ Hồ Lắng chở đi để phục vụ cho việc thi công công trình làm hồ chứ không phải chở cát đi san lấp mặt bằng tại khu vực bãi thải. Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh lại khẳng định: “Để thi công công trình Hồ Lắng, FHS đã ký hợp đồng với nhiều Cty để thực hiện việc đào, xúc, vận chuyển một khối lượng lớn đất, cát từ Hồ Lắng đi san lấp mặt bằng khu vực bãi thải thuộc FHS”.
Kết luận này của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh có sự mâu thuẫn về mục đích của FHS.
Thêm nữa, việc truy tố Tùng và Hợp về tội “trộm cắp tài sản” là chưa đủ cơ sở, bởi dấu hiệu đặc trưng nhất của tội “trộm cắp tài sản” là “hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản người khác”. Thế nhưng, Tùng và Hợp không hề thỏa mãn dấu hiệu tội này. Bằng chứng là Tùng có thỏa thuận, có phiếu giao nhận hàng và được ghi đầy đủ vào sổ sách trong mỗi lần lái xe đến chở cát.
“Hơn nữa, giữa Tùng và Hợp cũng có hợp đồng mua bán cát đã được khai rõ trong toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như cáo trạng đó là Tùng trao đổi, bàn bạc với Hợp là Tùng bán cho Hợp mỗi xe cát sạch 500 nghìn đồng. Rõ ràng, Tùng và Hợp có thỏa thuận bằng miệng với nhau để hợp đồng mua bán cát và giá cả mua bán. Đây là một hợp đồng dân sự được các bên thỏa thuận với nhau trên cơ sở quy định của pháp luật và hợp đồng này hoàn toàn hợp pháp. Do đó, Bản kết luận điều tra và cáo trạng khẳng định Tùng và Hợp phạm tội “trộm cắp tài sản” là hoàn toàn không phù hợp”, đại diện Cty Luật TNHH Minh Sơn khẳng định.
Theo Luật sư Dương Đức Điện, Văn phòng Luật sư Đức Năng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Khoản 1, Điều 20 Bộ luật Hình sự nêu: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của Tùng và Hợp thể hiện Tùng và Hợp chỉ bàn bạc, thỏa thuận với nhau và mục đích thực hiện hợp đồng chở cát và bán cát. Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đây là vụ án có sự đồng phạm là chưa đủ căn cứ.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên, nhiều ý kiến luật sư bào chữa về việc truy tố, xét xử tội “trộm cắp tài sản” với các bị cáo là chưa đủ căn cứ, có dấu hiệu oan sai. Thế nhưng, TAND tỉnh Hà Tĩnh vẫn tuyên án với các bị cáo phạm tội danh và mức phạt tù nêu trên.
Điểm đáng chú ý là vai trò của đối tượng Cương rất quan trọng trong hợp đồng giữa Tùng - Hải - Cương lại chưa được điều tra làm rõ. TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng thừa nhận “vi phạm về tố tụng trong hồ sơ là có tuy nhiên chưa đến mức nghiêm trọng để phải trả hồ sơ điều tra bổ sung”...
Nhiều vấn đề chưa được làm rõ trên đây từ quá trình tố tụng, điều tra đến xét xử vụ án cần được TAND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, cân nhắc xét xử thấu tình, đạt lý.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn