Công văn “dị biệt”... là do sơ suất (?!)
Để giảm tải bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất việc điều chuyển luồng hướng tuyến. Theo đó, 525 phương tiện sẽ được điều chuyển ra khỏi bến xe Mỹ Đình. Cho rằng, đề xuất này có nhiều điểm chưa hợp lý, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã ra công văn số 18/2013/HH-CV do ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội) ký ngày 10/6, về việc đề nghị hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình, gửi tới UBND TP. Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Điều khiến dư luận xôn xao là ở cuối công văn có nội dung được ghi nghiêng không trùng khớp với nội dung toàn công văn, nhắc đến
một số tỉnh có xe bị điều chuyển là quê của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành:
“Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an; Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP. Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".
|
Công văn gây nhiều tranh cãi. |
Ngay khi có thông tin về văn bản có phần nội dung “dị biệt”, nhiều ý kiến cho rằng, Công văn 18/2013/HH – CV của Hiệp hội Vận tải Hà Nội trên không đúng với thể thức của một văn bản hành chính nhà nước, thể hiện sự thiếu hiểu biết một cách cơ bản về thể thức văn bản hành chính nhà nước. Thậm chí có ý kiến cho rằng, những dòng in nghiêng là lời nhắc nhở với TP. Hà Nội về vấn đề động chạm quê hương một số vị lãnh đạo nên cần xem xét lại.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, trần tình: "Khi ký công văn số 18/2013/HH-CV, tôi thấy anh em trình lên, do bận nhiều việc lu bu quá nên tôi không xem kỹ nội dung. Khi phát hiện dòng in nghiêng có đề cập một số địa phương là quê một số lãnh đạo, tôi đã cho thay thế ngay bằng Công văn số 18B/2013/HH-CV ngày 17/6/2013 với nội dung tương tự như Công văn số 18/2013/HH-CV ngày 10/6/2013 nhưng không có đoạn nội dung lưu ý như trước”.
Tại Công văn số 18B/2013/HH-CV ngày 17/6/2013 do ông Bùi Danh Liên cung cấp cho PV Kiến Thức cũng ghi rõ: “Đề nghị hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình” “(xin huỷ công văn số 18/2013/HH-CV thay bằng công văn này. Xin cáo lỗi”.
Công văn mang hàm ý phân biệt vùng miền
Dù đã thay thế Công văn số 18/2013/HH-CV bằng Công văn 18B/2013/HH-CV, tuy nhiên việc ban hành công văn trước đó đã khiến dư luận bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi rất ít ý kiến cho rằng đó chỉ là sơ suất, thì đa số các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Công văn 18/2013/HH-CV của Hiệp hội Vận tải Hà Nội ký ngày 10/6 với việc đưa ra một số địa phương là quê hương của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành, hàm ý nhắc nhở, thậm chí “hù dọa” Hà Nội cân nhắc việc điều chuyển xe ở một số địa phương trên. Hà Nội sẽ khó có thể thực hiện Kế hoạch giảm tải bến xe Mỹ Đình chỉ vì vướng quê của một số lãnh đạo cao cấp?
Trao đổi với PV Kiến Thức về Công văn số 18/2013/HH-CV của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân cho rằng, chưa xét về nội dung mà chỉ xét về hình thức, văn bản trên đã bộc lộ những sai sót, thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật khi ban hành văn bản.
“Cụ thể, Công văn 18/2013/HH-CV đóng dấu khẩn ngay ở trong văn bản là không đúng. Đây là một công việc không phải mang tính chất khẩn, thực tế vấn đề này đã kéo dài được một thời gian và đã giải quyết theo từng giai đoạn. Tính khẩn hay hỏa tốc không có tính chất đó. Công văn này ghi khẩn là không chuẩn xác. Về nơi nhận văn bản kiến nghị, thực tế, việc này, là do Sở GTVT quyết định nên nếu có kiến nghị thì kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội. Nếu hai đơn vị này không giải quyết thì mới gửi vượt cấp. Việc gửi Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã chứng minh trình tự văn bản có mâu thuẫn, thể hiện sự vượt quyền”, Luật sư Trần Đình Triển nhận xét.
|
Công văn số 18B/2013/HH-CV ngày 17/6/2013 của Hiệp hội Vận tải Hà Nội. |
Vị luật sư này nói tiếp: “Đặc biệt phần “lưu ý” chữ in nghiêng có nội dung “Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng" là hoàn toàn sai với các quy định hiện hành khi ban hành văn bản.
Thứ nhất, nguy hiểm khi nêu lên số lượng người giữ vị trí trọng trách trong Đảng và Nhà nước quê ở các địa phương có xe bị điều chuyển nhằm nhắc nhở nơi nhận đơn xem xét giải quyết cho các địa phương này. Nếu các địa phương khác không có lãnh đạo nào trong Đảng và Nhà nước, bộ ngành thì không xem xét hay sao? Đây thể hiện sự phân biệt vùng miền, tạo nên địa phương cục bộ. Làm tủi phận những người ở địa phương khác không có lãnh đạo.
Hơn nữa, việc đưa vị trí, chức danh của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà bản thân các vị lãnh đạo giữ cương vị ấy không muốn, gây lên sự phản ứng, ảnh hưởng đến uy tín của họ. Qua “lưu ý” này, điều rút ra từ công văn trên, thực trạng hiện nay, muốn được việc này việc kia, cạy tôi quen biết ông này, ông khác, không giải quyết theo quy định hiện hành của pháp luật mà giải quyết theo quyền uy của người có chức, có quyền.
Khi khiếu nại vấn đề nào đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội hoàn toàn có quyền. Tuy nhiên, cần xem xét, phân tích cái gì có lợi, cái gì nên, chưa nên để đề xuất, xem xét, không phải đưa ra quan chức để hù dọa. Tại sao Hiệp hội lại bức xúc và thể hiện sự sốt ruột? Muốn đảm bảo đúng ý muốn của Hiệp hội thì việc đưa lãnh đạo ra có vấn đề gì không? Hiệp hội là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vận tải, đằng sau việc này có ai tác động để Hiệp hội đưa ra văn bản như vậy? Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau nếu không có những biện pháp can thiệp, chấn chỉnh lại”.
|
Luật sư Trần Đình Triển. |
“Việc ông Bùi Danh Liên giải thích do nhiều việc nên không đọc kỹ công văn trên là một sự biện minh bởi những người đứng đầu Hiệp hội thường là những người đã từng đảm nhiệm những vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, sau đó về hưu, có kinh nghiệm về công tác Hiệp hội, không thể nói là có sơ suất mà thực tế là có ý đồ. Theo quy định của pháp luật, người ký văn bản phải là người chịu trách nhiệm trước văn bản đó”, Luật sư Trần Đình Triển khẳng định.
Về công văn 18B/2013/HH-CV mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã dùng để thay thế cho Công văn số 18/2013/HH –CV, ông Trần Đình Triển cũng cho rằng có nhiều điểm chưa đúng. Ví dụ như tiêu đề tại công văn 18B/2013/HH-CV đề UBND TP Hà Nội, sau đó ở dưới đề Hiệp hội Vận tải Hà Nội là chưa chính xác. Bởi Hiệp hội không phải là đơn vị trực thuộc UBND TP. Hà Nội nên không được đề UBND TP Hà Nội lên trên. Lẽ ra tiêu đề ấy chỉ cần để Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì mới đúng.
“Hiện nay, có tình trạng một số đơn vị không thuộc UBND TP nhưng vẫn ghi UBND TP lên tiêu đề chủ yếu là đánh bóng tên tuổi, hoặc là để mang ra…hù dọa đơn vị khác”, Luật sư Trần Đình Triển cho biết.
Theo Hải Ninh (Kiến thức)