Quy định như thế nào để có thể bảo vệ nguồn tin của báo chí là vấn đề từng được tranh luận tại nhiều diễn đàn.
Cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, cử tri các tỉnh nói trên đề nghị Chính phủ cần kiên quyết, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhất là đối với các vụ việc xảy ra tại các tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines, các vụ việc có liên quan đến hoạt động ngân hàng...
Ở văn bản trả lời, Bộ Công an cho biết, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của quần chúng nhân dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, Bộ Công an sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Như, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng cho phép cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy được quy định Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy.
Một trong số các công việc được tập trung trước mắt là nghiên cứu sửa đổi điều 7 Luật Báo chí, theo hướng chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu được chấp thuận, thì đây sẽ là quy định có độ mở hơn nhiều so với luật hiện hành.
Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Quy định như thế nào để có thể bảo vệ nguồn tin của báo chí là vấn đề từng được tranh luận tại nhiều diễn đàn.
Mới đây, khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng đã không đồng tình với quy định: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.
Theo Nguyên Vũ (Vneconomy.vn)