Cô gái bị bỏ rơi 24 năm mong được đón Giao thừa cùng mẹ

Thứ sáu - 09/06/2017 15:30
Mặc dù bị bỏ rơi khi chưa được 1 tuổi nhưng Phan Thị Trang (SN 1994, ở Hà Tĩnh) vẫn khát khao được gặp lại người mẹ đã sinh ra mình để nói lời cảm ơn. Câu chuyện của Trang một lần nữa chứng minh tình mẫu tử thiêng liêng, tình mẹ với mỗi người con luôn ấm áp dẫu người mẹ đó có thể không làm tròn nghĩa vụ.


Phan Thị Trang trong một lần tham gia hoạt động ngoại khóa (ảnh nhân vật cung cấp).

Hạnh phúc khi gặp mẹ trong mơ

Chất giọng địa phương nhè nhẹ pha trộn với giọng Sài Gòn, tạo nên dấu ấn riêng của Trang. Cô có dáng người mảnh khảnh, các nét trên khuôn mặt không được coi là xuất trúng nhưng hài hòa. Cuộc trò chuyện của chúng tôi lặng đi khi Trang bộc bạch: “Em chỉ cần biết mẹ đang ở đâu, một lần nhìn thấy mẹ, một lần cho em biết cảm giác có mẹ là như thế nào cũng thỏa nguyện lắm rồi”. Được nhìn thấy, lớn lên trong tình thương của mẹ, điều tưởng rằng là tất nhiên với mọi người nhưng lại là niềm ao ước xa xỉ của cô gái trẻ này.

Cách đây 24 năm, mẹ Trang là một cô gái thùy mị, nết na, yêu say đắm một người đàn ông cùng làng nhưng sau đó chia lìa đôi ngả vì người yêu đi nơi khác lập nghiệp. Kết quả của mối tình không trọn vẹn là một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên từng ngày.

Thời đó, “gái không chồng mà chửa” bị người đời nhìn với ánh mắt dị nghị. Người ta cho rằng, đó là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ, nên việc làm mất danh tiết, là không thể chấp nhận. Ngày ấy, mẹ Trang 20 tuổi, chịu bao gièm pha của người làng nhưng vẫn quyết tâm sinh con.

Không chịu đựng được điều tiếng, sau khi sinh một ngày, người mẹ trẻ bế con rời khỏi làng. Sau này Trang nghe cụ ngoại kể lại, người nhà tìm thấy hai mẹ con Trang ở bụi chuối, mặt mũi tím tái do sức khỏe người mẹ còn yếu nên ngất trên đường đi. Cuối cùng, người nhà đã dựng cho hai mẹ con một cái lều gần làng.

Không có thu nhập, không chịu đựng được miệng tiếng người đời, người mẹ trẻ đành gửi đứa con thơ cho bà ngoại của mình rồi bỏ đi. Từ ngày đó, hai cụ cháu Trang bên nhau sớm tối, rau cháo nuôi nhau. Khi đã nhận thức được, có lần Trang hỏi về bố mẹ của mình, cụ bảo: “Mẹ mi trước ngày đi có bảo bà chăm sóc, nuôi mi lớn. Mẹ đi kiếm tiền về làm nhà cho 3 bà cháu ở, chắc chưa về vì chưa kiếm được nhiều tiền thôi”.

Thời gian dần trôi, lên lớp 1, rồi lớp 2 vẫn không thấy mẹ về. Nhiều đêm Trang thấy mẹ xuất hiện trong giấc mơ của mình, với em gặp mẹ trong mơ cũng hạnh phúc lắm rồi. Cứ thế, cô bé ngây thơ lớn lên không một lời oán trách. Năm học lớp 2, cụ em gần 90 tuổi, sức yếu nên Trang đi chợ thay, nhặt củi, ra biển nhặt cá để có tiền sinh sống. Rồi cụ ngoại cũng ra đi vào cõi vĩnh hằng khi bước sang tuổi 96. Ngày cụ mất Trang đau buồn, phía trước là đầy rẫy những chông gai với một cô bé mới học lớp 8. Theo phong tục, giường ngủ đốt theo cụ, nên Trang đành lấy cánh cửa làm chỗ nằm. Một mình, Trang không đếm nổi bao nhiêu lần bị đàn ông lạ trêu. Có lần đang ngồi học bài, một người đàn ông cởi trần ngó vào xin ngủ cùng. “Đến bây giờ nghĩ tới cảnh đó em vẫn sợ. May lúc đó có người cậu đến nên chuyện xấu không xảy ra”, Trang chia sẻ. Sau những chuyện như thế Trang đành chuyển đến ở cùng người cô vừa mất chồng trong làng, được một thời gian thì em đi làm giúp việc rồi ở cùng nhà chủ.

Mong được đón Tết cùng mẹ

Mẹ Trang hồi trẻ.

Nhận thấy mình có hoàn cảnh đặc biệt hơn bè bạn, Trang dặn lòng cố gắng học tập tốt. Đơn giản chỉ để thỏa nguyện ước của ngoại trước lúc ra đi, xa hơn là muốn mình bớt khổ. Khó khăn vô vàn, chắt chiu từng đồng, Trang cũng học hết cấp 3 rồi thi đỗ Đại học Giao thông vận tải cơ sở 2 ở TP Hồ Chí Minh.

Những năm xa quê lên thành phố học tập, Tết Nguyên đán Trang thường ở lại ký túc làm thêm, để có tiền ăn học. Trang vẫn nhớ mãi Tết của năm học thứ nhất đi làm thêm 19 tiếng/ngày mà chỉ được trả 60.000 đồng. Làm được 2 tuần cô mới biết và kiến nghị thì bị bà chủ đuổi mà không trả một đồng tiền lương.

Hiện, Trang đã là một kỹ sư xây dựng với mức lương khá ổn. Khoản tiền đầu tiên kiếm được sau khi ra trường cô đã dành xây mộ cho cụ ngoại, dành một khoản riêng mong muốn tìm lại mẹ của mình. Khi nói về người mẹ của mình, Trang bảo có tấm hình chụp mẹ từ năm 1988 cụ ngoại đưa cho, bà tên Hương (từng nghe nói họ Chu), SN 1973, quê ở thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Trước đây, Trang cũng chia sẻ qua Facebook cá nhân mong muốn tìm lại mẹ, em đã nhiều lần nhận được những cuộc gọi lạ nói về bà. Chỉ cần nghe thông tin, Trang lập tức phóng xe đi hàng trăm cây số, đến tận nơi để xác minh với tia hi vọng nhỏ nhoi nhất, nhưng không biết bao nhiêu lần, cô đã phải ra về trong thất vọng.

Trang đã từng bị một người đàn ông ở Lâm Đồng gọi điện bảo gần nhà có một người phụ nữ sinh năm 1973, chuyển về khu sống 15 năm rồi, mẹ đơn thân của cậu con trai 16 tuổi, trước đây có một cô con gái ở Hà Tĩnh. Ngày nhận được điện thoại, em mừng rơi nước mắt, xin nghỉ việc ở công ty để đi tìm mẹ. Nhưng, không ai biết rằng, người đàn ông đó chỉ em đi hết thôn này, xã nọ mất gần một ngày ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), đến lúc Trang hỏi lại cán bộ địa phương họ bảo không có ai như em miêu tả.

“Em không trách gì mẹ, ai cũng có nỗi khổ riêng. Biết đâu, ở một nơi nào từng ngày, từng giờ mẹ đang phải sống trong đau khổ, dằn vặt. Giờ cuộc sống đã khá hơn, em mong có mẹ để làm tròn chữ hiếu. Em ước mơ hai mẹ con được đón Tết cùng nhau, cảm giác đón Giao thừa một mình buồn lắm chị ạ, đó cũng là lý do 4 năm học đại học thì có 3 năm em không về nhà. 23 năm qua, Giao thừa năm nào em cũng đứng ở vách cửa nhìn ra sân mà không biết mình trông ngóng điều gì”, Trang tâm sự.

“Em Trang là người học trò mà tôi rất cảm mến, một cô gái đầy nghị lực. Ở hoàn cảnh đó nhưng em vẫn vươn lên, đã thành công trong sự nghiệp. Tôi mong muốn Trang sẽ tìm được người mẹ, mà suốt cả thời thơ ấu, em đã luôn ước nguyện được một lần ở bên”.

(Thầy Nguyễn Thừa Thung - Giáo viên chủ nhiệm của Trang tại Trường THPT Cẩm Xuyên)

Theo Ngọc Thi Giadinh.net

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây