Buôn bán động vật hoang dã phải bị xử như tội buôn ma túy

Thứ sáu - 09/06/2017 02:30
Chế tài xử lý buôn bán ĐVHD được nhận xét là khá mạnh mẽ nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Cửa khẩu Cầu Treo- điểm nóng buôn bán ĐVHD

Ông Trần Việt Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, theo điều tra ENV, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những khu vực trọng điểm của vấn nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). “Những vụ buôn bán ĐVHD chúng ta bắt được đều liên quan đến khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo”, ông Hưng nói.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, trong năm 2012, đơn vị này đã bắt giữ được 29 vụ vận chuyển động vật hoang dã, thu giữ hơn 5 tấn. Số ĐVHD được vận chuyển chủ yếu là: Tê tê, hổ, tê giác.

Đặc biệt trong thời điểm cuối năm, các đối tượng buôn bán ĐVHD hoạt động càng mạnh mẽ. Trong gần 1 tháng cuối năm, lực lượng liên ngành của Hà Tĩnh đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán động vật hoang dã với quy mô lớn. Điển hình như vụ bắt giữ 500kg tê tê vào cuối tháng 12/2012.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh thu giữ tang vật trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn

Mới đây nhất, ngày 27/1, Hạt Kiểm Lâm huyện Hương Sơn Hà Tĩnh đã bắt giữ xe vận chuyển gần 150kg tê tê. Trước đó ngày 23/1, cũng tại địa bàn huyện Hương Sơn, Hạt Kiểm Lâm Hương Sơn bắt giữ vụ vận chuyển 27 cá thể rùa có trọng lượng 166kg.

Theo ông Hoàng Quốc Huấn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, địa điểm trung chuyển chủ yếu là khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. “Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là con đường vận chuyển động vật hoang dã từ Myanmar, Thái Lan qua Lào rồi vào Việt Nam, rồi sau đó được các đầu nậu trung chuyển đi các địa phương khác”, ông Huấn nói.

Mặc dù cơ quan chức năng tăng cường lực lượng kiểm tra kiểm soát nhưng do lợi nhuận từ nguồn thu này rất cao nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn nhằm gia tăng các hoạt động buôn bán trái phép.

“Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi. Chúng chia nhỏ số động vật hoang dã và men theo các đường mòn trong rừng, rồi dùng phương tiện nhỏ lẻ chuyên chở. Bên cạnh đó, ở địa bàn huyện Hương Sơn, có nhiều tuyến đường liên xã, việc kiểm soát hết sức khó khăn”, ông Huấn nói.

Khó xử lý

Theo ông Trần Việt Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, đối với tội buôn bán ĐVHD hiện nay, mức xử phạt cao nhất là 7 năm tù và 500 triệu đồng. Có thể nói, đây là mức khá mạnh, tuy nhiên mức xử phạt này không thấm gì so với lợi nhuận của buôn bán ĐVHD mang lại. “Trong khi lợi nhuận buôn bán ĐVHD ngày càng tăng, thì mức xử phạt này vẫn được duy trì từ năm 2009 đến nay. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chống các hành vi buôn bán ĐVHD hiện nay”.

Trong khi mức xử phạt chưa theo kịp lợi nhuận mà vấn nạn buôn bán ĐVHD mang lại thì theo ghi nhận của ENV, đến nay vẫn chưa có đối tượng nào bị phạt ở khung hình phạt cao nhất.

Để hạn chế vấn nạn này, theo ông Hưng, chúng ta phải giải quyết trên cả 3 mặt, đó là: Quy định pháp luật phải chặt chẽ, rõ ràng, dễ áp dụng, nghiêm khắc hơn, thực thi pháp luật nghiêm minh hơn tạo được tính răng đe với các đối tượng vi phạm; Nâng cao nhận thức của người dân trong buôn bán, tiêu thụ ĐVHD; Đặc biệt yếu tố cốt yếu là thực thi pháp luật quyết liệt sẽ giải quyết tốt hơn nhiều. “Chúng ta có tăng mức hình phạt lên đối với việc buôn bán ĐVHD nhưng không thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, quyết liệt cũng không có ý nghĩa gì cả”, ông Hưng nhận xét.

Đặt vấn đề trong việc hạn chế buôn bán ĐVHD ông Hưng phân tích: “Nếu chúng ta coi sản phẩm ĐVHD như ma túy, thì bất kể hành động nào liên quan đến ĐVHD như: Mua, bán, sử dụng đều coi là vi phạm thì chúng ta sẽ cải thiện rất nhiều trong việc xử lý vấn nạn buôn bán ĐVHD hiện nay”.

Để ngăn chặn vấn nạn buôn bán ĐVHD ở điểm “nóng” Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đặc biệt là trong thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán, ông Hoàng Quốc Huấn-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, chỉ đạo các huyện, xã cũng như thành lập đội kiểm lâm cơ động tăng cường bám địa bàn, những khu vực trọng điểm.

Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế, lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã hiện nay ngày càng gia tăng, giá trị ước tính từ 5 tỷ đến 20 tỷ USD/năm, đứng thứ hai chỉ sau buôn bán ma túy.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về cấm xuất, nhập khẩu mua bán mẫu một số loài động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đồng thời, Bộ TNMT cũng có văn bản về việc không tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ để góp phần bảo tồn tài nguyên ĐVHD và đa dạng sinh học của đất nước.

Ông Trần Việt Hưng cho rằng, việc ngành TNMT đi đầu trong chống buôn bán, tiêu thụ ĐVHD là tín hiệu tốt để các ngành khác cũng tham gia, đặc biệt là trong dịp gần Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm xuất, nhập khẩu một số ĐVHD là kịp thời. Đây sẽ là bản lề để cơ quan chức năng xử lý triệt để nạn buôn bán sừng tê giác mà trước chúng ta vẫn còn có nhiều kẽ hở”, ông Hưng nói./.

Theo VOV online

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây