Những nhát cuốc oan nghiệt đặt dấu chấm hết cho một gia đình, đồng thời mở ra những bi kịch mới.
Phẫn uất kháng cự quá tay thành ác phụ
Hai năm sau án mạng, ngôi nhà chứng kiến tấn thảm kịch vẫn còn khóa kín. Quang cảnh như một căn nhà hoang, hai bên tường mốc meo, mảnh vườn nhỏ trước sân cỏ dại um tùm, che khuất cả lối vào.
Những người hàng xóm vẫn còn nhớ như in ngày định mệnh đó: Khoảng 16h30 ngày 26/10/2010, cặp vợ chồng mới đi làm thuê về đến nhà. Quay đi quay lại, người chồng nói lên thăm rẫy cà phê rồi bỏ đi, mặc vợ một mình ở nhà nấu nướng, giặt giũ. Thực chất, người chồng tìm cớ để đi nhậu.
Mãi đến 20h30, anh mới trở về, chân nam đá chân chiêu, "mượn men" lèm bèm chửi bới. Biết tính chồng mỗi lần nhậu đều kiếm cớ cà khịa, người vợ chỉ im lặng chịu đựng.
Được đà làm tới, dù vợ đang tắm, người chồng vẫn chửi vọng ra: "Mày là đồ theo trai, mày làm đơn ly dị đi”. Bị chồng vu vạ, người vợ giận quá, nói: “Nếu anh muốn thì để sáng mai tôi làm đơn, giờ tôi mệt, chỉ muốn đi ngủ”.
Nghe thế, người chồng bực tức tung cửa nhà tắm xông ra, nắm tóc, đập đầu vợ vào tường mấy cái. Bị đánh đau, người vợ vớ chiếc cuốc vẫn dùng để làm cỏ, cầm ngang trong tay, cản không cho chồng xông vào. Hai vợ chồng giằng co, vì người vợ đang tắm dở, sàn trơn, người chồng trượt chân ngã lăn xuống đất.
Phần vì ngã đau phần vì vẫn còn hơi men, người chồng loay hoay mãi không đứng dậy được. Tuy thế, anh vẫn to tiếng hăm dọa: “Tao đứng dậy thì mày chết với tao”.
Sau này tại cơ quan điều tra, thủ phạm khai nghe nói vậy, sợ chồng đứng dậy tiếp tục hành hung, sẵn cây cuốc, người vợ vung vào chân chồng 3 nhát. Người chồng chỉ kịp kêu lên đau đớn rồi ngất xỉu.
Thấy chồng nằm bất tỉnh, người vợ bừng tỉnh, vội vơ quần áo bịt vào vết thương, đồng thời tri hô làng xóm. Do đang say rượu, máu loãng không được cầm kịp thời, nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Biết mình đã giết chồng, người vợ bèn đến Công an TP. Pleiku đầu thú.
Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ hung khí là chiếc cuốc có cán tre. Giám định pháp y, cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân tử vong do truỵ tim mạch vì mất máu cấp, vết thương làm đứt động mạch gân khoeo.
Tại bản cáo trạng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã truy tố người vợ với tội danh “giết người”. Xem xét vào các bằng chứng và lời khai tại phiên toà phúc thẩm ngày 8/5/2013 vừa qua, Toà án cùng cấp nhận định hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, nạn nhân nghi ngờ vợ không chung thuỷ nên đã xô xát đánh nhau.
Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, hậu quả gây ra tuy không mong muốn, do đó cấu thành tội “giết người”. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ cũng như bào chữa của luật sư, Toà tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo 8 năm tù.
Nhà nội nhận tiền bồi thường rồi phủi trách nhiệm nuôi cháu?
Cái chết của người chồng, bản án dành cho người vợ khép lại cuộc hôn nhân đầy bi kịch. Tuy nhiên, dư luận người dân thôn 2, Tân Sơn đều cho rằng, bản án như vậy là quá nặng.
Theo nhiều nhân chứng, nạn nhân lúc còn sống có thói quen nhậu nhẹt rượu chè, cứ uống say về là mắng chửi đập đánh vợ con. “Thằng chồng đánh đập, bóp cổ vợ như cơm bữa, hết hành hạ vợ lại đánh đập con. Không chỉ thế, đồ đạc trong nhà cũng bị đập tan tành, đến cái bát ăn cơm cũng không còn lành lặn.
Cái Linh nó thương con, muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình nên phải nhịn thằng chồng nhiều lắm. Hôm ấy, chắc nó không chịu nổi nữa nên mới qua tay, chứ chắc chắn nó không có ý định giết chồng”, một bà cụ hàng xóm thở dài.
Bản án dành cho bị cáo còn kèm theo điều khoản đền bù 60 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Ngoã (ngụ thôn 2, xã Biển Hồ, TP Plei Ku) là cha của nạn nhân. Trong đó, gồm 20 triệu đồng tiền mai táng, 40 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần.
Con gái đang ở trong trại giam, cha mẹ chị Linh phải chạy vạy khắp nơi, được 68 triệu để bồi thường cho gia đình nhà thông gia. Chưa đủ, theo cha mẹ bị cáo, để có được chữ ký xin giảm án từ nhà thông gia, họ còn phải bồi thường thêm 12 triệu đồng ngoài biên bản nữa.
Điều đáng nói, sau khi nhận hơn 70 triệu đồng từ nhà thông gia, bố mẹ nạn nhân đã phủi tay, rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy hai cháu nội, bỏ hai cháu bơ vơ trong hoàn cảnh cha chết mẹ đi tù.
Những người hàng xóm nơi cặp vợ chồng từng sinh sống đều chứng kiến nghịch cảnh này. Ai nấy đều bức xúc bởi sự vô trách nhiệm của gia đình bên nội. Thương con tù tội, thương cháu bơ vơ, ông bà ngoại dù nghèo khổ, tuổi cao sức yếu cũng đành cắn răng đưa các cháu về đùm bọc cưu mang.
Người mẹ bị cáo nghẹn ngào kể: “Con thì đi ở tù, bố mẹ nghèo khổ vay mượn khắp nơi, phải cầm cố cả tài sản mới đủ tiền bồi thường thiệt hại. Đến khi nhận đủ tiền, nhà nội lại tuyên bố: “Con tôi bị vợ giết chết, từ nay không cháu không dâu gì cả”. Nhà nội không nuôi, không lẽ để cháu mình bơ vơ hoặc vào cô nhi viện? Gia đình chúng tôi dù nghèo, cũng phải cố nuôi dạy, chờ ngày mẹ bọn trẻ ra tù".
Cháu Nguyễn Đức Chiến (SN 1997), con trai lớn của cặp vợ chồng, buồn rầu kể: “Từ ngay bố mất, mẹ vào tù, ông bà nội không sang thăm anh em con lần nào cả. Các cô chú bên nội cũng vậy, chẳng ai ngó ngàng gì hết. Con đi học về, có gặp trên đường thì dửng dưng như người xa lạ, con chào cũng chẳng trả lời”.
Ông bà ngoại của hai cháu chỉ có hai người con. Con gái đầu chính là bị cáo trong vụ án. Ông bà đang ở cùng người con trai út. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đều đặt lên vai anh con trai.
Gia đình rất nghèo, công việc làm thuê làm mướn của anh thu nhập mỗi ngày chỉ khoảng 100.000 đồng. Số tiền đó phải rất tằn tiện mới đủ nuôi bố mẹ già, vợ dại con thơ, giờ lại cưu mang thêm hai đứa cháu tội nghiệp.
Tuy vậy, anh cho biết: “Khó khăn mấy cũng phải cố gắng thôi, hàng xóm hiểu cho hoàn cảnh của gia đình, thông cảm cho chị tôi như vậy là nguồn an ủi giúp gia đình tôi cố mà sống. Mọi người cũng quan tâm động viên lắm. Giờ chỉ mong hai cháu ăn học nên người, để chị tôi yên tâm cải tạo, sớm được trở về".
Theo Xa lộ pháp luật
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn