Tay chống gậy, chiếc nón che quá mặt, từng bước nặng nhọc, người đàn bà ngoài 70 tuổi lần dò từng bước dưới sân Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội, hỏi thăm đường tới Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ. May thay người đàn bà này lại hỏi đúng chị Hoàng Liên, nhân viên tư vấn của trung tâm.
Người phụ nữ đó là bà Đinh Thị Hà (67 tuổi, Hoàng Mai – Hà Nội), người đàn bà đã phải sống hơn 5 năm trong sự hắt hủi, ngược đãi của chồng con chỉ vì không chịu xẻ mảnh đất hơn 100 mét là của hồi môn của mình để chồng con bán lấy tiền ăn chơi.
Đó là nguyên nhân khiến bà đã 2 lần phải nhập viện vì gãy xương do bị chồng đánh.
Và lần cuối cùng, bà đã bị người chồng má ấp tay kề suốt hơn 40 năm trời cùng 2 nghịch tử hùa nhau đánh gãy xương hông khiến bà đi lại rất khó khăn, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Đôi mắt thâm quầng mệt mỏi, bà Hà nức nở kể về câu chuyện cuộc đời đong đầy đớn đau tủi nhục của mình. Xuất thân trong 1 gia đình nhà nông ven đô Hà Nội xưa, “vốn liếng” cha mẹ để lại cho bà là tính cần cù, chịu thương chịu khó, cách vun vén, gìn giữ hạnh phúc gia đình và hơn 100 mét vuông đất ruộng.
Tuy nhiên, đó là mảnh đất không mầu mỡ nên ông Hạnh chẳng mấy quan tâm. Thậm chí, không ít lần ông cười khẩy, mỉa mai khinh bỉ “loại đất trồng cây dại còn khó, chẳng biết dùng được vào việc gì…”.
Nhưng khi thành phố phát triển, mở rộng về khu vực ven đô, mảnh đất “trên đá cuội dưới cát sỏi” ấy bỗng thành “đất vàng”.
Kinh tế gia đình bà cũng khá giả hơn nhờ những khoản tiền đền bù đất đai của nhà chồng. Cũng như đa số gia đình nông thôn khác, đang nghèo khổ bỗng dưng có một “núi” tiền trong tay, không biết làm gì ngoài việc gửi ngân hàng lấy lãi ăn dần.
Bà Hà thầm tính: “Nếu ông trời thương, mưa thuận gió hòa, sức khỏe tốt, ông bà sẽ có cuộc sống no đủ tới cuối đời...”.
Thế nhưng việc tự nhiên có một số tiền lớn trong tay đã khiến tính tình từng người trong gia đình bà thay đổi. Từ chồng tới 2 con trai bà, ai cũng muốn hưởng thụ cuộc sống “đế vương” cho thỏa những ngày tháng nhọc nhằn.
Nhất là ông Quỳnh chồng bà Hà, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tiền vào đã giúp ông thay da đổi thịt. Chẳng ai còn nhận ra người đàn ông “một nắng, hai sương” với đồng ruộng ngày nào. Thay vào đó là 1 “đại gia” chân đất mới nổi, quần là áo lượt, đầu tóc bóng loáng, cưỡi xe máy đi suốt ngày. Bà không biết ông đi những đâu, làm những gì, chỉ biết từ đó, mỗi khi ông vắng nhà là bà được bình yên. Ngược lại, hễ về tới nhà là bà lại khổ sở với những chiêu đòi tiền “có một, không hai” của chồng.
Kể tới đây bà Hà lại buông tiếng thở dài não ruột khi phải nhớ lại những tháng ngày đen bạc cuộc đời. Thấy ông bỏ bê chuyện vợ chồng, bà cứ nghĩ ông giống mình, đã tới tuổi “về hưu”.
Nào ngờ sau một thời gian, bà được người làng mách ông có bồ. Đó là 1 cô gái trẻ đẹp, sớm góa chồng, có 1 con nhỏ và chỉ cỡ tuổi 2 cậu con trai nhà bà.
Bàng hoàng, sửng sốt, cũng như bao người phụ nữ khác, bà quyết tìm ra sự thật, mong đòi lại công bằng cho mình.
Nào ngờ công bằng chưa kịp đòi, bà đã phát hiện người “mai mối” bồ bịch cho ông Quỳnh chính là cậu con trai cả ham mê cờ bạc. Chỉ vì thua bạc, muốn có tiền trả nợ mà con trai bà đã gài bẫy, xúi giục bố tìm đến “của lạ” để “tống tiền” ông Quỳnh.
Chua chát thay, một lần “nếm” trái lạ khiến ông đâm nghiện, chán người vợ già má ấp tay kề suốt bao năm trời.
Những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Hà chia sẻ: “Tôi không thể ngờ, sau bao năm tình nghĩa vợ chồng ông ta lại có thể thốt lên những lời cạn nghĩa, cạn tình như thế...” Có lẽ nhiều tiền đã khiến ông Quỳnh thực sự quên những ngày tháng vi hàn của cả 2 vợ chồng.
Câu chuyện đắng lòng của bà Hà không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi 3 bố con ông Quỳnh đã “đốt” hết số tiền đền bù đất đai họ lại “nhắm” tới mảnh đất hương hỏa bên ngoại để lại cho bà.
Họ nói “lộc bất tận hưởng, cha mẹ nào cũng thương con cháu, nhiều tiền, nhiều đất chết cũng không mang theo được”, nên yêu cầu bà bán mảnh đất bên ngoại để lại lấy tiền ăn tiêu trước mắt.
Những lời nói của chồng và 2 con trai cạn tình tới mức bà có thể nhận ra: “Không giữ thân, tôi sẽ giống nhiều người phụ nữ cạn phúc khác, không còn một nơi trú thân khi về già...” Vậy nên bà kiên quyết giữ lại mảnh đất cha ông để lại.
Nhưng cũng vì lẽ đó mà chồng và 2 người con trai đã bảo nhau ngoảnh mặt với bà, cô lập bà. Nhiều lần bà ốm đau cũng chẳng có người chăm sóc. Đau đớn nhất, có lần chính tai bà đã nghe thấy anh con trai cả vùng vằng mắng chửi vợ tội dám... hầu mẹ chồng khi ốm đau.
Nhưng sau bao dằn vặt bà lại tự cam phận với ý nghĩ: “Dù gì cũng là con trai tôi đẻ ra. Tôi không còn sống được bao lâu nữa, cuối đời tôi vẫn phải nhờ tới chồng con làm ma chay cho mình chứ chẳng thể cuốn chiếu vứt ra ngoài đường được...”.
Những tưởng chỉ có những anh con trai bất hiếu, nào ngờ người chồng chung sống hơn 40 năm cũng không tha cho bà. Ông từng tuyên bố: “Nếu bà muốn yên thân phải trả cho tôi quyền sử dụng trên giấy tờ một nửa mảnh đất đang ở...” (mảnh đất bên ngoại cho), bởi theo ông “khi đã là vợ chồng, tất cả tài sản đều là của chung...”.
Và ông Quỳnh thản nhiên rao bán mảnh đất mà không cần sự đồng ý của vợ. Khi đã tìm được người mua đất theo ý định, ông về nhà ép bà Hà phải ký giấy bán. Khi nghe bà nhất quyết khẳng định: “Các anh thông cảm, có thể ông ấy hiểu nhầm ý định của tôi nên mới gọi các anh tới, chứ thực lòng mảnh đất đó tôi chưa có ý định bán...”
Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng với ông Quỳnh, đó là sự xúc phạm, là hành động không tôn trọng chồng, ông tức tối gầm rít, lao vào đánh đập vợ không thương tiếc.
Bất kỳ thứ gì vớ được trước mắt cũng có thể trở thành hung khí để ông Quỳnh đánh vợ. Bị bất ngờ, bà Hà chỉ còn biết tránh những trận mưa đòn của chồng bằng cách chúi vào một góc nhà, hai tay ôm lấy đầu.
Trong dòng nước mắt đắng cay, bà Hà kể: “Lúc ấy tôi sợ hãi quá chẳng còn biết gì nữa.
Cho tới khi ông ta kiếm được ở đâu đó 1 chiếc gậy gỗ, liền lao vào lôi tôi xềnh xệch ra giữa nhà, tới tấp vụt vào người tôi...
Thân già, sức yếu, tôi không chịu nổi, tới cây gậy thứ hai thì lăn ra bất tỉnh. Lúc tôi tỉnh lại đã thấy mình nằm cấp cứu trong bệnh viện và các bác sỹ chẩn đoán tôi bị gãy xương sườn.
Ấy vậy mà 2 đứa con trai tôi lại còn lên tiếng trách móc tôi chết có mang đi được đâu mà phải giữ, thà cứ bán quách đi rồi chia cho mỗi người một phần là xong. Thử hỏi trên đời này có người vợ nào đồng ý bán đất cho chồng đi chơi gái, con đi cờ bạc???”.
Nhưng rồi nỗi đau cùng oán hận của bà dần phai nhạt theo những ngày tháng nằm viện. Bà không nỡ lòng làm khó khi thấy ông hối hận, một lòng chăm sóc vợ. Nhưng khi mọi việc lắng xuống bà mới nhận ra sự hối lỗi của ông chỉ là một màn kịch.
Bà vẫn phải hứng chịu sự xúc phạm, sỉ nhục của chồng con và đôi khi là cả những trận đòn vô lối của chồng cùng lời tuyên bố: “Không bán đất đừng nghĩ tới chuyện được yên thân với ông”.
Thời gian ông Quỳnh ở nhà cũng dần ít đi. Dường như ông chỉ về nhà khi hết tiền. Ngẫm cảnh đời bạc bẽo của mình bà đã nghĩ tới việc ly hôn nhưng lại không dám đối mặt với sự chê cười của thiên hạ.
Đó là lý do khiến bà hết lần này tới lần khác cố tự an ủi mình rằng: “Sắp tới ngày gần đất xa trời rồi, sắp thoát tội trần rồi…”. Nhưng “tội trần” của bà cứ mãi đeo đẳng. Ngày nào về tới nhà ông chồng cũng nghĩ ra đủ thứ để chửi bới, gây sự, đá thúng đụng nia khiến bà không còn một phút thoải mái trong gia đình của chính mình.
Tự giải phóng mình
Và sức chịu đựng của bà cũng có hạn. Cuối cùng bà quyết định bán căn nhà, của hồi môn duy nhất của bố mẹ để lại để lấy tiền gửi tiết kiệm làm vốn dưỡng già cho những ngày tháng cuối đời, rồi xin tới sống ở ngôi nhà bình yên nào đó.
Thoát hẳn cuộc sống địa ngục trần gian bên những người thân yêu nhất của mình. Nhưng trận đòn khác lại giáng xuống, trong đó, bà đã bị chồng đánh gẫy xương hông.
Vin vào lý do anh con trai cả bị thua bạc, không có tiền trả, ông Quỳnh tiếp tục ép bà bán mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại dưới danh nghĩa lấy tiền trả nợ cho con trai. Bà không đồng ý liền bị ông “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.
Ông cho rằng: “Bà là người phụ nữ máu lạnh, nhìn thấy chết mà không cứu, không đáng làm mẹ, sống ở đời chỉ là một nỗi xấu hổ cho gia đình...”.
Quá uất ức trước những lời nhục mạ của chồng, bà đã lên tiếng phản kháng. Nhưng lời chưa kịp thốt nên lời, bà đã bị ông vác gậy đuổi đánh tới tấp cho tới khi những người hàng xóm chạy sang can mới chịu bỏ đi.
Bà được hàng xóm thương đưa đi cấp cứu và đã phải nằm viện một thời gian dài. Và đây cũng là quãng thời gian giúp bà hiểu rõ vị trí của mình đối với chồng con khi họ “vô tình quên” bà vẫn còn tồn tại trên đời. Thậm chí, ông Quỳnh còn gọi điện “thông báo” cho bà biết “đó là hình phạt đối với kẻ không tình người…”.
Đó chính là lý do khiến hy vọng cuối cùng của bà tắt ngấm. Bị dồn tới đường cùng, bà không còn cách nào khác là tìm sự giúp đỡ bên ngoài để được sống nốt quãng đời còn lại trong bình yên.