Bần cùng đi làm cửu vạn vẫn bị "xẻ thịt" bởi luật ngầm

Thứ sáu - 09/06/2017 13:38
Khi giấc mộng kim tiền dần trở nên phù phiếm với những lao động phổ thông, thì cuối cùng nghề cửu vạn, đi bốc xếp được lựa chọn như một giải pháp “cứu cánh”.

Tuy nhiên, đằng sau lời quảng cáo ngọt ngào và mức lương hấp dẫn là những “luật ngầm” khiến người làm nghề cửu vạn phải dở khóc, dở cười trong thế tiến thoái lưỡng nan một khi đã dấn thân vào.

Những cái bẫy cho người khốn khổ

Khi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn triền miên, nhiều người dân cư ngụ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận đành tìm đến công việc bốc xếp. Để kiếm được số tiền ít ỏi, họ không chỉ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà còn đối diện với không ít cái “bẫy” man trá.

Nắm bắt được nhu cầu mưu sinh của nhiều người lao động, trên các trang mạng xuất hiện hàng ngàn thông tin tuyển dụng công nhân bốc xếp với mức lương từ 300 - 500.000 đồng/ngày. Cũng với mức lương này, trên các tuyến đường ở địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang tràn ngập các tờ rơi tuyển dụng.

 

Người lao động bốc xếp đối diện với đủ kiểu bóc lột.

Anh Lê Văn Chương (25 tuổi, hiện là sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM) kể lại, cách đây 3 tháng, vì thiếu tiền học phí nên anh Chương gọi điện thoại cho công ty vận chuyển hàng hóa Đ.P. (dưới cầu vượt An Sương, quận 12, TP.HCM) thông qua một tờ rơi tuyển dụng công nhân bốc xếp.

Qua điện thoại, nhân viên công ty hướng dẫn anh đến trụ sở để làm thủ tục, trước khi bắt tay vào công việc. Có mặt tại trụ sở công ty Đ.P, một người đàn ông tên Bình tự xưng là giám đốc công ty hứa sẽ trả từ 300-400.000 đồng/ngày, tùy vào khối lượng mà anh làm được.

Với mức thu nhập trên, công việc của anh Chương là bốc xếp một khối lượng sắt, xi măng không hề nhỏ mỗi ngày. Do bản chất công việc khá vất vả, nên lãnh đạo công ty hứa sẽ chi trả thêm tiền cơm trưa cho những công nhân bốc xếp như anh Chương.

Dù biết công việc bốc xếp không dễ “nuốt”, nhưng vì cần tiền gấp, nên anh đành chấp nhận dấn thân một lần. Để được làm bốc xếp, anh Chương bắt buộc phải đóng số tiền 350.000 đồng đặt cọc cho công ty Đ.P..

Cũng chỉ vì muốn có thêm thu nhập lo cho gia đình, anh Hoàng Hữu Vinh (27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đã liên hệ với công ty TNHH TMDV bốc xếp H.A. (trên địa bàn phường Thới An, quận 12).

Trước nhu cầu tìm việc của anh Vinh, bà Nguyễn Thị Hằng (nhân viên công ty) đồng ý giới thiệu cho anh làm bốc xếp hàng bánh kẹo, bia rượu với mức thu nhập từ 320 - 450.000 đồng/ngày.

Cũng theo bà Hằng, ngoài mức lương trên, công nhân bốc xếp như anh Vinh còn được công ty bố trí nơi ở miễn phí và phụ cấp tiền xăng xe 600.000 đồng/tháng. Ngoài ra, nếu làm đủ số ngày lao động/tháng, anh Vinh còn được thưởng 700-900 ngàn đồng.

Thấy mức thu nhập có phần hấp dẫn, anh Vinh không chút ngần ngại mà đồng ý nhận việc ngay. Tuy nhiên, để được làm công nhân bốc xếp của công ty H.A. nói trên, anh Vinh bắt buộc phải đóng số tiền 400.000 đồng phí làm hợp đồng và mua bảo hộ lao động.

Một trường hợp khác, anh Lê Văn Hùng (33 tuổi, quê tỉnh Nghệ An), vì không có tiền mặt nên anh Hùng buộc phải cắm lại chiếc điện thoại Lenovo để khấu trừ 380.000 đồng tiền đặt cọc trước khi làm bốc xếp vật liệu xây dựng cho một kho hàng tại KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Người tuyển dụng khẳng định, sẽ trả lại chiếc điện thoại cho anh Hùng, sau khi anh làm việc đủ 10 ngày…

 

Đối tượng Đào Xuân Thành bị bắt vì lừa đảo công nhân bốc xếp chiếm đoạt tiền.

Hứa một đằng, làm một nẻo

Khác với những lời hứa “có cánh” của nhà tuyển dụng, nhiều công nhân bốc xếp không những không nhận được số tiền lương như cam kết, mà còn đối diện với đủ kiểu bóc lột ở nơi làm việc.

Anh Chương cho hay: “Nộp giấy tờ và tiền đặt cọc xong xuôi, nhân viên công ty Đ.P. dẫn tôi và một số người xin việc khác đến kho hàng vật liệu xây dựng tại quận 12. Tại đây, người quản lý kho hàng yêu cầu chúng tôi phải đóng 50.000 đồng để làm thẻ ra vào cổng.

Thấy vậy, nhiều người phản ứng không chịu đóng, thì nhân viên quản lý cho biết, đây là quy định của kho hàng. Nếu ai không muốn làm thì cứ tự động nghỉ và sẽ không được trả lại tiền đặt cọc”.

Không chỉ vậy, anh Chương còn không được bao cơm trưa như lời cam kết trước đó. Sau buổi sáng đầu tiên làm việc nặng nhọc, những người bốc xếp như anh Chương gần như đói lả, chỉ chờ đợi cơm trưa mà công ty mang đến. Thế nhưng, đến khoảng 11h30 trưa, một nhân viên công ty mang hộp cơm đến và yêu cầu mỗi công nhân phải trả 18.000 đồng. Theo giải thích của người phát cơm, vì anh Chương mới vào làm việc nên chưa được hỗ trợ tiền cơm trưa.

 

Anh Hoàng Hữu Vinh chia sẻ về nỗi khốn khổ của người lao động bốc xếp.

Sau 5 ngày bốc xếp quần quật tại một cảng trên địa bàn quận 4 (TP.HCM), biết mình không thể tiếp tục “chịu nhiệt”, anh Nguyễn Đình Bằng (29 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh) ngỏ ý xin được lãnh lương để nghỉ việc.

Tuy nhiên, khác với mức lương cam kết 350.000 đồng/ngày trước đó, anh Bằng chỉ nhận được số tiền 90.000 đồng/ngày. Lúc này, anh Bằng bức xúc phản đối thì quản lý kho hàng nói vì người lao động nghỉ giữa chừng, nên chỉ được nhận mức lương như vậy. Đồng thời, anh Bằng cũng không được nhận lại số tiền đặt cọc 400.000 đồng.

“Trước sự phản đối kịch liệt của tôi, người quản lý kho hàng cho 2-3 thanh niên bặm trợn ra đe dọa: “Giờ muốn nhận số tiền lương này, hay không được nhận xu nào?”.

Quá sợ hãi, tôi đành ngậm ngùi cầm số tiền 450.000 đồng/5 ngày làm việc mà không dám ho he thêm nửa lời”, anh Bằng chia sẻ.

Tương tự, anh Lê Duy Huy (SN 1984, quê Thanh Hóa) chỉ nhận được số tiền lương 40-50.000 đồng/ngày sau hơn một tháng làm việc bốc xếp tại một tổng kho hàng (thuộc KCN Sóng Thần, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Theo thông tin từ anh Huy, trước khi vào làm việc, anh liên lạc với người có tên Đào Xuân Thành thông qua một tờ rơi tuyển dụng nhân viên bốc xếp. Thành yêu cầu phải nộp 450.000 đồng tiền đặt cọc và hứa sẽ sắp xếp công việc bốc xếp cho anh Huy với mức lương 350.000 đồng/ngày.

Thế nhưng, sau hơn một tháng làm việc, anh Huy bức xúc vì nhận được mức lương thấp hơn nhiều lần so với lời hứa của Thành nên đã đến Công an thị xã Dĩ An trình báo. Đến ngày 17/4, Công an thị xã Dĩ An đã tạm giữ Thành để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo điều tra của PV, tại nơi làm việc của các công nhân bốc xếp đang tồn tại không ít “luật ngầm” với sự bảo kê của những đối tượng xã hội. Thế nên, việc dằn mặt nhau là không hiếm tại những khu vực này.

Theo tin tức từ một số công nhân bốc xếp tại khu vực chợ Đ.M. (quận Thủ Đức), người lao động bốc xếp tuyệt đối không được xâm phạm “lãnh địa” của nhau. Tuy nhiên, với những người mới vào nghề thì dễ xảy ra xô xát, đánh nhau chỉ vì dám “lấn sân” vào khu vực bốc xếp của người khác.

Đã xử lý nhưng vẫn chưa loại bỏ được

Trước tình trạng người dân liên tục phản ánh về việc một số công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn quận 12 lừa đảo người lao động bốc xếp, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh văn phòng UBND quận 12.

Ông Hiệp cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng nhận được thông tin phản ánh về việc người lao động bốc xếp bị các công ty môi giới việc làm lừa tiền. Trước thực trạng này, lãnh đạo quận đã chỉ đạo các đơn vị có thẩm quyền tiến hành xác minh, xử lý nhưng vẫn chưa loại bỏ được”.

Theo Người đưa tin

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây