Mất con, mất hết
Ngày 17-9-1989, cái ngày định mệnh xe đò lục tỉnh đậu đầy lộ. Họ đổ về khu vườn nhà ông Thành để tận mắt nhìn thấy gương mặt “người cha nhẫn tâm” giết hại con mình. Sáu bảy chục cái hố to nhỏ được đào lỗ chỗ khắp vườn để tìm thi thể thằng bé. Nhưng mọi sự tìm kiếm đều không mang đến kết quả bởi “con tôi chưa chết, nó là con tôi, dù có nhẫn tâm đến đâu tôi cũng không thể giết chết con mình”. Ông Thành bắt đầu câu chuyện oan trái đầy nước mắt của mình bằng buổi công an đến nhà bắt mình vì tội giết con như thế.
Chuyện bắt đầu khi thằng Tuyền, đứa con khờ khạo của ông Thành, bỗng nhiên mất tích. Đang trong lúc bối rối, tìm con không được, chưa biết thằng nhỏ lành dữ ra sao thì công an tới nhà nói tin sét đánh. Họ tình nghi ông Thành đã tự tay giết chết đứa con ruột rồi chôn xác trong vườn. Ông Thành bàng hoàng trước lời buộc tội vô căn cứ. Ông xin được đi tìm con với thời hạn một tuần. Thời gian cứ trôi qua mà thằng Tuyền con ông vẫn bặt vô âm tín. Thời hạn một tuần đã hết, ông Thành quay về nhà và bị bắt bởi tội vu khống, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân. “Tuy nhiên, đối với tất cả những người trong xóm, tôi đã bị bắt vì tội giết người” - ông Thành chua chát nói.
“Lúc ấy tôi một mực kêu oan nhưng không ai chịu nghe tôi” - ông Thành xúc động.
“Người ta bắt tội phạm thì phải có giấy nọ giấy kia. Còn tôi bị bắt trong mơ hồ. Tôi chẳng biết mình đi tù vì chuyện gì cả... thật vô lý” - ông kể. Sau khi bị bắt, ông Phạm Văn Thành được đưa về nhà giam huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang: “Bước vào ngục tối, tôi như bước vào một cơn ác mộng. Nhà giam nằm sâu trong một cánh đồng hoang. Giữa chốn này dù có oan khuất đến đâu thôi cũng đành chịu chết. Nhà giam được thiết kế đặc biệt cao chưa đầy 1m, nền nhà đóng đầy rong rêu”. Đang ở sức làm, công việc thuận lợi, ông Ba Thành phải bỏ cả trang trại nuôi dê hàng trăm con lớn nhỏ để vào tù và trở thành tội phạm.
Khó khăn về vật chất thì cũng ráng cố gắng, nhưng 13 tháng trong phòng biệt giam ông không thể nhớ nổi mình đã sống cơ cực như thế nào. “Tôi có một linh cảm thật mãnh liệt là con tôi chưa chết. Nhiều lần trong trại chết đi sống lại, cơ cực không biết đường nào mà lần”.
Sức khỏe sa sút quá, ông Thành được chuyển ra bệnh viện. Sau hai tuần được điều trị trong bệnh viện ông chỉ còn 37kg và được bảo lãnh tại ngoại. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, hàng xóm ai cũng nói ông giết con mà phải đi tù. Ngày bị bắt Ba Thành còn khỏe mạnh gánh vác hầu hết việc nặng nhọc trong nhà, nhưng khi ra tù thì sức khỏe của ông gần như suy kiệt. Nhà cửa tan tác, tiêu điều, dê mẹ dê con đều không còn thấy bóng. Lúc này tài sản trong nhà chỉ còn lại bốn bức tường, nhà cũ xây chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, Ba Thành không vì thế mà tuyệt vọng. Ông quyết tâm làm lại từ đầu nhưng do ngồi tù quá lâu hai chân của ông đi lại khó khăn nên không thể làm việc nặng. Lao động chính trong gia đình lúc này là vợ ông. Vài mớ lá khô nhặt nhạnh thu vén thật khéo vợ ông cũng chỉ có thể lo liệu rau cháo nuôi chồng và hai con nhỏ, cuộc sống cơ cực nhưng gia đình được sum họp gần nhau.
Đứa con trở về
Ông Phạm Văn Thành bị bắt ngày 17-9-1989 sau đúng một tháng UBND xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) vào lập biên bản kê biên tài sản của đương sự Phạm Văn Thành với lý do tình nghi đương sự giết con trai là Phạm Thanh Tuyền. Với cam kết khi nào ông Thành tìm thấy con thì sẽ trả lại số tài sản đã kê biên. Không tìm được con, ông Thành bị bắt bởi tội vu khống cán bộ, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân. Trong suốt quá trình bị tạm giam và điều tra, ông lại bị hỏi về việc con trai mình bỗng nhiên mất tích, cơ quan điều tra đã đào hàng trăm hố trong vườn nhà ông để tìm thi thể đứa con trai nhưng không thấy. Ngày 25-8-1990 vụ án được đình chỉ nhưng đến năm 1995 ông Thành lại bị bắt tạm giam thêm 5 tháng, cải tạo lao động cho ba tội danh trên. Ngày 7-6-2004 ông Thành được công nhận oan sai theo quyết định số 622/QD-GQKN (7-6-2004) của giám đốc Công an Tiền Giang. |
Mang tiếng giết con nên Ba Thành bị nhiều người khinh rẻ xem thường, nhiều người nhìn ông với con mắt dè bỉu, kinh tởm. Ngày ấy nghe tin thầy giáo qua đời dù hai chân rất yếu, phải dùng nạng khá vất vả mới tới được nhà thầy vì chỉ muốn thắp cho thầy một nén hương tỏ lòng thành kính, nhưng con của thầy không muốn ông vào: “Ngày xưa Thành là học trò ngoan nhưng bây giờ Thành là kẻ giết người”. “Linh hồn thầy chứng giám, tôi không giết con tôi” - ba Thành lủi thủi ra về mà lòng nặng trĩu... Lại có lần vào một dịp đi đám cưới, giữa đám đông có người say rượu chỉ thẳng vào mặt ông nói: “Thằng này là tội phạm giết người, coi chừng nó gây án”. Lòng ông quặn đau như có hàng trăm vết dao cứa. Ba Thành buồn nhưng không cách nào để minh chứng được.
Trong lúc mọi ý nghĩ xấu xa, những ánh nhìn khinh bỉ của mọi người đều ném về người cha tội nghiệp cùng mọi hi vọng dường như đã tắt thì ngay lúc ấy “đứa con bị giết” của ông Thành đột ngột trở về. Vừa nhìn thấy cha đứng trên bậc thềm, thằng Tuyền đã vội quỳ xuống bò từ đầu cổng vào tới trong nhà lạy cha nó. Nó vừa được biết cha nó đã chịu oan khuất đến suýt mất mạng. Trước sự chứng kiến của hàng xóm, hai cha con nhìn nhau rưng rưng nước mắt.
Sau giây phút gặp nhau mừng mừng tủi tủi, thằng Tuyền kể: “Ngày ấy có người kêu con đi làm ở Mộc Hóa rồi cho ruộng, cho trâu đặng lấy vợ nhưng mãi không thấy. Ở trên ấy đói khát, nhớ nhà nhưng lại không có tiền đi xe, tuyệt vọng rồi con tìm cách tự tử nhưng may mà không chết, được người ta cho tiền nên con về đây”. Câu chuyện của hai cha con làm nhiều người bàng hoàng xúc động.
Chỉ đến khi thằng Tuyền trở về nhà, ông Thành mới xóa được cái tiếng giết con ở địa phương.
Trải qua những việc quái dị ấy, với vẻ mặt thật buồn ông than: “Không biết tôi sinh ra vào giờ nào mà sao lại khổ nhiều đến thế. Ở nhà được mấy năm thì ngày 18-4-1995 tôi bị bắt đi cưỡng bức lao động ở Mỹ Phước thêm năm tháng cho hành vi vu khống và chống người thi hành công vụ. Nhưng khi hỏi tôi vu khống ai và vu khống như thế nào thì không ai có thể trả lời cho tôi được rõ”.
Theo HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN NGỌC (Tuổi trẻ)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn